Với ứng dụng chat Teams, Microsoft đang muốn lặp lại kỷ nguyên hủy diệt của Bill Gates
Kịch bản đó nay lại tiếp tục được thực hiện và vẫn có thể phát huy tác dụng với giới công nghệ ngày nay. Gates đã lường xa tính trước khi khuyên Microsoft thay vì 8 tỷ USD ra mua lại Slack, hãy làm một ứng dụng clone để giết chính Slack.
Giới công nghệ hôm nay đã dậy sóng trước tin Microsoft cho ra mắt ứng dụng chat mới Microsoft Teams – sản phẩm được chính Chủ tịch Bill Gates “gợi ý”.
Cách đây không lâu, báo chí đã đưa tin Gates can thiệp ngăn cản ý định thâu tóm Slack với giá 8 tỷ USD của Microsoft và gợi ý công ty xây dựng một ứng dụng tương tự dựa trên chính nền tảng Skype đã mua lại từ năm 2011.
Có vẻ như Microsoft đã “ngoan ngoãn” nghe theo lời khuyên của nhà sáng lập. Tháng 9/2016, Microsoft bắt đầu thử nghiệm sản phẩm mới có tên “Skype Team” cho chat nhóm, và giờ đây đã chính thức đổi tên thành “Teams”.
Thực tế, Microsoft Teams lại là một sự hiện thân của Bill Gates – có thể chính ông cũng là một trong những người đầu tiên đăng ký tài khoản. Microsoft dự kiến sẽ dùng sức mạnh của mình để đè bẹp đối thủ Slack – ứng dụng đang được rất nhiều công ty công nghệ yêu thích.
Kẻ hủy diệt Gates
Hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh hủy diệt của Bill Gates vào thập niên 90
Từ những năm 1990, Bill Gates đã được mệnh danh là Borg – nhân vật nửa người nửa máy trong series phim Star Trek để diễn tả sức hủy diệt không tưởng của ông. Dưới thời Gates còn điều hành Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ thường được biết đến như một công ty luôn muốn dành phần thắng bằng mọi giá. Với các đối thủ, nếu đã không thâu tóm được, Microsoft sẽ tìm cách thiết kế sản phẩm tương tự hoặc giống hệt để cạnh tranh bằng cách gắn chúng với hệ điều hành Windows rồi phân phối cho lượng khách hàng đông đảo của mình.
Kịch bản đó nay lại tiếp tục được thực hiện và vẫn có thể phát huy tác dụng với giới công nghệ ngày nay. Gates đã lường xa tính trước khi khuyên Microsoft thay vì 8 tỷ USD ra mua lại Slack, hãy làm một ứng dụng clone để giết Slack.
Hiện diện khắp chốn
Microsoft Office 365 hiện đang sở hữu 85 triệu lượt người dùng hàng tháng, hầu hết tất cả đều là khách hàng trả phí và được phép truy cập Microsoft Teams ngay khi sản phẩm này chính thức ra mắt vào năm 2017.
Đây thực sự là thế mạnh cực kỳ lớn cho Microsoft Teams, khi mà tầm với khách hàng của sản phẩm còn trứng nước này đã ở mức các đối thủ lâu năm khác phải mơ ước. Microsoft còn sở hữu nhiều tiềm lực khác, trong đó có lượng khách hàng doanh nghiệp và thành trì bảo mật vững chắc mà các startup cùng loại vẫn đang ngày ngày phải đau đầu chinh chiến.
Quan trọng hơn nữa là Teams được đồng bộ vào kho ứng dụng Microsoft Office – bộ phần mềm quy chuẩn làm việc của hàng triệu người từ nhiều năm nay.
Nhìn chung, Microsoft luôn sở hữu cái gọi là “lợi thế nền tảng”. Với hệ điều hành Windows và bộ công cụ Office, những nền tảng gần như bất ly thân của hầu hết người dùng PC hiện nay thì việc đồng bộ sâu một sản phẩm mới vào và giới thiệu chúng tới tất cả nhóm người dùng này luôn dễ dàng hơn rất nhiều cho gã khổng lồ vùng Redmond.
Mặc dù đã có sẵn một hệ sinh thái các nhà phát triển thiết kế ứng dụng và chatbot cho nền tảng của mình nhưng Slack vẫn sẽ khó lòng cạnh tranh được với dòng sản phẩm của Microsoft.
Nói cách khác thì Microsoft đang dần biến Office thành một thứ vũ khí hủy diệt các startup trong lĩnh vực ứng dụng hiệu suất. Và cũng tương tự như cách Bill Gates đánh bật các đối thủ những năm 90, Microsoft giờ đây có thể tiếp tục dùng chiêu bài này với nhiều công nghệ khác.
Góc nhìn khác
Nói về phương diện này, Microsoft có thể có một chiến lược kinh doanh rất khôn khéo nhưng cũng không có gì đảm bảo được là nó sẽ được miễn nhiễm hoàn toàn trước thất bại. Các sản phẩm như Slack hay Atlassian HipChat đều có được vị trí như hiện tại trên thị trường ứng dụng chat hầu hết cũng là nhờ chúng có sẵn trên mọi nền tảng và khiến người dùng hứng khởi khi sử dụng. Việc hầu hết các sản phẩm hot hiện nay đều có thể truy cập được từ mọi thiết bị, từ Windows, Mac cho đến Android, iOS,… cũng cho người dùng nhiều lựa chọn hơn về phần mềm chat.
Không giống như trong kỷ nguyên của Gates, người dùng công sở giờ đây có vô vàn lựa chọn công cụ chứ không nhất thiết phải sử dụng theo gói Office của toàn công ty. Microsoft có thể tự tin với tầm với khách hàng rộng lớn, nhưng nếu Teams không chứng minh được sức hút hơn so với các đối thủ thì người dùng vẫn sẵn lòng quay gót, mặc cho sản phẩm đó có được gắn chặt vào Office 365 đi chăng nữa.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4