Vòng đời sản phẩm bán dẫn và vì sao ghế CEO tại Samsung nên về tay nhà lãnh đạo của bộ phận smartphone

    Lê Hoàng,  

    Quyết định từ nhiệm của CEO Kwon Oh-hyun có thể coi là không thể khó hiểu hơn trong bối cảnh cả 2 mảng kinh doanh trọng yếu do ông trực tiếp lãnh đạo (bán dẫn và màn hình) đều góp phần quan trọng giúp Samsung vươn lên đỉnh cao thế giới về lợi nhuận. Nhưng đã kinh doanh thì phải nhìn về tương lai, và tương lai đang thuộc về smartphone Galaxy - bất chấp sự thật rằng đây là "mảng kinh doanh duy nhất khó có thể tăng doanh thu trong tương lai gần" theo nhận xét của MiraeAsset Daewoo Securities.

    Quyết định từ chức của CEO Samsung Electronics, Kwon Oh-hyun đến trong bối cảnh Samsung chuẩn bị phá kỷ lục lợi nhuận của chính mình. Kết thúc quý 2/2017, Samsung có thể đã thu về khoản lãi lên tới 12,8 tỷ USD.

    Và phần lớn khoản lãi này đến từ mảng kinh doanh do ông Kwon lãnh đạo: chip bán dẫn. Trong bối cảnh Samsung vẫn dàn trải danh mục Galaxy trên mọi phân khúc giá – và khi Galaxy S8/Note8 vẫn chưa thể đánh bại iPhone về mặt doanh số hay lợi nhuận, mảng sản xuất chip đang được đánh giá là chìa khóa giúp Samsung đạt lợi nhuận “khủng” trong 2 quý tài chính gần đây nhất, bất chấp sự thật rằng doanh thu mảng này thấp hơn đáng kể so với doanh thu smartphone.

    Siêu vòng lặp

    Trong quý vừa qua, lượng chip DRAM được Samsung xuất xưởng đã tăng 13%, chip NAND tăng 21% so với cùng kỳ trước đó. Lợi nhuận biên được ước tính vào khoảng 50%. Kết hợp với mảng màn hình (cũng do ông Kwon lãnh đạo từ năm ngoái), Samsung đang nắm một quyền hành vô cùng đặc biệt lên thế giới hi-tech: gã khổng lồ Hàn Quốc thao túng các loại linh kiện cần có trên các thiết bị cấp cao.

    Lợi nhuận rất cao nhưng giá trị vốn hóa của Samsung vẫn khá thấp khi so với các đối thủ cạnh tranh vì vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các mảng linh kiện.
    Lợi nhuận rất cao nhưng giá trị vốn hóa của Samsung vẫn khá thấp khi so với các đối thủ cạnh tranh vì vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các mảng linh kiện.

    Nhưng Samsung vẫn tồn tại nhiều vấn đề, và vấn đề lớn nhất không phải là vụ scandal của "thái tử" Jay Y. Lee: trong nhiều năm, Phố Wall đã luôn nhắc đến “siêu vòng lặp” của thị trường bán dẫn. Thị trường khắc nghiệt này hiện tại đang đi qua giai đoạn cực thịnh, và tiền của cùng hàng chục năm đầu tư có trọng tâm của Samsung cho phép gã khổng lồ Hàn Quốc có thể đạt lợi nhuận cao hơn cả Apple. Thậm chí, một phép ước tính còn đưa ra dự đoán rằng lợi khoản tiền Samsung thu về trên mỗi chiếc iPhone X (hay nói chính xác hơn là chip, RAM, màn hình và pin từ iPhone X) có khả năng sẽ vượt mặt khoản tiền thu về từ Galaxy Note8 “nhà trồng được”.

    Điều đáng lo ngại là các vòng lặp của thị trường sẽ luôn mở ra suy thoái ngay sau khi cực thịnh. Nguồn cung sẽ sớm bắt kịp nguồn cầu khi Samsung sẽ phải đối mặt với những áp lực khổng lồ từ TSMC, Foxconn/Sharp, Intel hay LG. Thế mạnh giúp Samsung vượt mặt Apple về lợi nhuận ngày hôm nay có thể sẽ trở lại thành một mảng kinh doanh... bình thường trong nay mai.

    Và đó là còn chưa tính đến những sự kiện có thể tạo bước ngoặt cho ngành chip: điểm kết của Định luật Moore hay điện toán lượng tử là những khái niệm đang được nhắc đến ngày một nhiều hơn trong những năm gần đây.

    Tương lai của AI

    Muốn sánh tầm Google và Apple, Samsung cần tập trung đẩy mạnh các công nghệ tương lai như AI và máy học.
    Muốn sánh tầm Google và Apple, Samsung cần tập trung đẩy mạnh các công nghệ tương lai như AI và máy học.

    Muốn thực sự đánh bại Apple (hay Amazon, Microsoft và Google), Samsung cần phải đầu tư phát triển những mảng kinh doanh nằm ở các “tầng” cao hơn – các tầng gần gũi với người dùng hơn nữa. Samsung bắt buộc phải tìm cách đánh bại Apple trên phân khúc cao cấp, bắt buộc phải theo đuổi các công nghệ AI và một thế mạnh về phần mềm nếu không muốn bị phụ thuộc vào các siêu vòng tròn của thị trường linh kiện.

    Trớ trêu thay, chìa khóa lại nằm ở mảng kinh doanh vẫn đang luôn bị coi là “có tiếng mà không có miếng”: smartphone. Và trớ trêu hơn nữa, con người có thể biến Samsung trở thành một đại đế chế có khả năng thống trị toàn bộ thế giới công nghệ lại là một nhà lãnh đạo đã khiến thương hiệu Hàn Quốc phải đi qua scandal tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm ngoái.

    Đó là DJ Koh, người được trao nhiệm vụ lãnh đạo mảng di động từ 2014 tới nay.

    Lãnh đạo và đổi mới

     CEO Samsung Mobile, DJ Koh và Mark Zuckerberg trong buổi lễ ra mắt Galaxy S7 edge, chiếc điện thoại được bán kèm Gear VR.

    CEO Samsung Mobile, DJ Koh và Mark Zuckerberg trong buổi lễ ra mắt Galaxy S7 edge, chiếc điện thoại được bán kèm Gear VR.

    Tại sao lại là lãnh đạo mảng di động? Đầu tiên, sau những phản hồi tồi tệ dành cho Galaxy S5 vốn vẫn sử dụng thiết kế nhựa trong bối cảnh một loạt các đối thủ cạnh tranh đã sử dụng kim loại, Samsung đã bắt đầu chiến dịch thay máu bằng văn hóa startup để phản ứng tốt hơn với những thay đổi chóng mặt của thị trường smartphone. Ở vị trí dẫn đầu, DJ Koh là người thấm nhuần văn hóa này hơn ai hết: trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, vị chủ tịch của Samsung Mobile còn khẳng định muốn nhân viên gọi mình là “DJ” thay vì “chủ tịch Koh”.

    Chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, Samsung vẫn là một chaebol đúng nghĩa – thảm họa Note7 có thể xuất phát từ chính nền văn hóa “dưới không dám chỉ trích cấp trên” của các chaebol. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, Samsung Mobile của DJ Koh đang trở thành một trong những thế lực chịu khó thay đổi nhất thế giới smartphone: công ty Hàn Quốc vừa tiên phong cho tỷ lệ màn hình 2:1 gây tranh cãi, vừa dám ra mắt trợ lý ảo riêng để cạnh tranh với Google.

    Trong những năm trước, Samsung đã một mình bắt đầu cuộc cách mạng màn hình tràn cạnh. Galaxy S6 edge là sản phẩm đầu tiên khai sáng cho trào lưu này, cũng là 1 trong 2 mẫu flagship đầu tiên được Samsung Mobile ra mắt ngay sau khi DJ Koh lên nắm quyền.

    Dù từng vướng phải sự cố Galaxy Note7 và dù vẫn chưa thể giúp smartphone Samsung trở lại tăng trưởng mạnh mẽ, không thể phủ nhận Samsung Mobile đã mang một bộ mặt hoàn toàn mới kể từ khi ông Koh lên nắm quyền.
    Dù từng vướng phải sự cố Galaxy Note7 và dù vẫn chưa thể giúp smartphone Samsung trở lại tăng trưởng mạnh mẽ, không thể phủ nhận Samsung Mobile đã mang một bộ mặt hoàn toàn mới kể từ khi ông Koh lên nắm quyền.

    Chính thời đại DJ Koh cũng đã mở ra những nỗ lực mở rộng đáng khen ngợi như Gear VR và DEX. Chưa nói tới những lợi ích thực sự cho ngành công nghiệp smartphone và người tiêu dùng, những quyết định gây tranh cãi như vậy đã thể hiện một tinh thần cần phải có ở một nhà lãnh đạo của thời đại mới: thay đổi và liên tục thay đổi.

    Thay đổi trong khủng hoảng

    Nếu không có thay đổi, Samsung không thể biết hướng đi của mình có đúng đắn hay không. Đến nay, cả màn hình tràn cạnh lẫn tỷ lệ 2:1 đều là các quyết định đúng khi nhận được sự hưởng ứng (hay chính xác hơn là "copy") từ các đối thủ cạnh tranh.

    Quyết định từ chức của CEO Kwon có nhắc tới “một khủng hoảng chưa từng có tiền lệ” ngay trong lúc lợi nhuận tiếp tục tăng cao. Cơn khủng hoảng đó chắc chắn là cơn bão chính trị của nhà họ Lee và cựu tổng thống Park – một cơn khủng hoảng có thể đẩy Samsung vào cảnh mất phương hướng trong những năm khó khăn sắp tới, khi các trào lưu phần mềm tiếp tục lấn lướt phần cứng để trở thành trung tâm của thế giới công nghệ.

    Hãy gọi tôi là DJ. Chủ tịch của mảng di động đang là tiếng nói lớn nhất đằng sau nỗ lực làm mới của Samsung.
    "Hãy gọi tôi là DJ". Chủ tịch của mảng di động đang là tiếng nói lớn nhất đằng sau nỗ lực làm mới của Samsung.

    Cuối cùng, smartphone vẫn là danh mục sản phẩm đáng chú ý nhất của bất kỳ một đế chế phần cứng nào. Chủ tịch Koh đã mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho smartphone Galaxy - thương hiệu đầu tiên người ta sẽ nghĩ đến khi nhắc đến cái tên "Samsung". Lúc này, tất cả những gì Samsung cần làm là lựa chọn cho mình một nhà lãnh đạo hướng đến tương lai.

    Không có ai phù hợp hơn DJ Koh cả.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ