'Vụ cá cược thế kỷ' của Jeff Bezos vào 'những đám mây': Nhiều năm giúp Amazon thoát lỗ ngoạn mục, đánh bại cả Google, Microsoft dù chỉ là hãng bán lẻ
AWS của Amazon hiện vẫn đang nắm vị thế quyết định quan trọng trong lĩnh vực điện toán đám mây.
- Góc khuất của Amazon: Nhân viên bị máy móc giám sát đến mức phải đi tiểu vào chai, chỉ cần ngơi tay máy sẽ rung chuông báo động vì Jeff Bezos tin rằng ''ai rồi cũng lười thôi'
- Xuất hiện báo cáo cho hay EA đang muốn bán mình, đã đàm phán với Disney, Apple và Amazon
- Thêm sàn TMĐT Amazon bị mạo danh để nhắn tin tuyển dụng lừa người dùng
Tờ CNBC đưa tin, tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ khổng lồ Amazon vừa đăng tải bức hình kỷ niệm bìa cuốn tạp chí BusinessWeek vốn được xuất bản cách đây 16 năm. Tấm ảnh in hình ông ở tuổi 42 cùng dòng chữ “Vụ cá cược đầy mạo hiểm của Amazon”.
Nội dung bài báo khi đó xoay quanh những nghi ngại của giới đầu tư và chuyên gia phân tích phố Wall về độ khả thi của nền tảng đám mây Amazon Web Services (AWS). Ai nấy đều cho rằng kế hoạch này sớm muộn gì cũng thất bại.
“Tôi đóng khung trang bìa tạp chí này từ năm 2006. Tôi muốn nhắc nhở bản thân rằng ‘vụ cá cược đầy mạo hiểm’ từng bị Phố Wall chỉ trích chính là AWS, nền tảng giúp Amazon thu về hơn 62 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái”, Jeff Bezos đăng tải trên Twitter.
Tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ khổng lồ Amazon đăng tải bức hình kỷ niệm bìa cuốn tạp chí BusinessWeek
VỤ CÁ CƯỢC THẾ KỶ
Hồi năm 2006, vốn hóa thị trường của Amazon chưa đến 10 tỷ USD. Các nhà đầu tư khi đó rất hoang mang và mất hoàn toàn niềm tin vào Jeff Bezos. Họ nói ông chi tiêu không đúng lúc, không đúng chỗ, và rằng việc cổ phiếu Amazon lao dốc 20% cũng không ngăn được Jeff ngừng rót vốn vào công nghệ. CNBC chỉ rõ, các khoản đầu tư vào điện toán đám mây khi đó đã tăng 52% kể từ tháng 1/2006.
“Nó quá xa vời so với cốt lõi bán lẻ của Amazon. Ai nấy đều băn khoăn liệu Jeff Bezos có đang mất kiểm soát", cây bút Robert D. Hof của tờ Bloomberg nhận định.
Tuy nhiên, không ai ngờ được rằng, 10 năm sau, Amazon được hái quả ngọt. AWS trở thành nền tảng điện toán đám mây hỗ trợ tham vọng cách mạng hóa thị trường trực tuyến, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giá trị vốn hóa của Amazon hiện đạt 1,08 nghìn tỷ USD.
Theo CNBC, doanh thu AWS trong năm ngoái cán mốc 62,2 tỷ USD - con số đủ lớn để “làm đẹp” báo cáo tài chính của Amazon trong năm 2022. Trong quý I năm nay, AWS cũng đã mang về 6,52 tỷ USD lợi nhuận trước thuế, trong khi hoạt động kinh doanh của Amazon chỉ đạt 3,7 tỷ USD. Điều này có nghĩa là nếu không có AWS, lợi nhuận Amazon khó có thể ghi nhận con số dương.
Hồi năm 2016, Amazon tuyên bố sẽ không tách rời nền tảng đám mây AWS ra khỏi tập đoàn. Giám đốc điều hành Adam Selipsky của AWS lúc bấy giờ cũng khẳng định “chúng tôi nghĩ khách hàng vẫn đang được phục vụ rất tốt khi AWS là một phần của Amazon’’.
Trên thực tế, AWS đã đầu tư vào hàng chục công ty trong nhiều năm, chẳng hạn như công ty vi điện tử Annapurna Labs của Israel hồi năm 2015. Các thương vụ mua lại nhỏ lẻ khác cũng có thể kể đến như E8, startup khởi nghiệp lưu trữ NVMe-over-Fabrics và CloudEndure, một công ty phát triển phần mềm.
Theo Forbes, tất cả những thành công trên của AWS đã giúp Amazon từ một nhà bán lẻ trở thành nền tảng sánh ngang cùng Microsoft, Google và một số gã khổng lồ khác. Cụ thể, trong mảng điện toán đám mây, hồi năm ngoái, AWS chiếm 32% thị phần, vượt xa 19% của Microsoft và 7% của Google Cloud, theo dữ liệu của EES Corporation.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, AWS định hình lại toàn bộ lĩnh vực công nghệ thông qua việc hỗ trợ các startup khởi nghiệp tạo lập phần cứng và phần mềm. Thật khó để những công ty thành công vang dội như Netflix, App Store của Apple, Uber, Airbnb hay hàng chục kỳ lân công nghệ khác thu về phần lớn lợi nhuận nếu dịch vụ đám mây AWS không đi tiên phong.
Trong một blog đăng tải hôm 11/3, Giám đốc Công nghệ Amazon, ông Werner Vogels, đã chia sẻ 10 bài học mà Amazon đúc kết được thông qua quá trình xây dựng AWS trong hơn 10 năm. Việc không ngừng đổi mới, sẵn sàng tiếp thu những cái mới đã khiến Amazon có một khởi đầu tuyệt vời vượt xa các đối thủ cùng ngành như Google, Microsoft, Oracle hay IBM.
“Chúng tôi sẵn sàng đi những lối đi tăm tối, mù mờ, chỉ để tìm thấy thứ gì đó thực sự hiệu quả’’, Forbes trích lời tỷ phú Jeff Bezos cho biết.
Dĩ nhiên, các gã khổng lồ khác không để AWS một mình bành trướng. Google đã thực hiện chiến dịch thúc đẩy mảng điện toán đám mây sau khi chiêu mộ nhà sáng lập VMware Diane Greene. IBM chi 1 tỷ USD cho công nghệ phục vụ nền tảng Bluemix, đồng thời sao chép các tính năng của AWS. Oracle, với cơ sở dữ liệu và ứng dụng quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, thì đẩy mạnh thuyết phục nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của họ. Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng không chịu kém cạnh khi tạo ra Dự án Máy tính mở như một phần của kế hoạch cạnh tranh với AWS.
Các khách hàng của AWS, đặc biệt là những khách hàng cạnh tranh với Amazon, cũng bắt đầu quan tâm đến những công ty điện toán khác, hoặc ít nhất, là cố gắng tránh việc quá phụ thuộc vào một mình AWS.
Apple, một trong những khách hàng lớn nhất của AWS là ví dụ điển hình. Gã khổng lồ này đã nhanh chóng xây dựng các trung tâm dữ liệu của riêng mình cho iTunes, iCloud, App Store và một số dịch vụ khác. Điều này khiến nhiều chuyên gia dự báo rằng Apple có thể sẽ sớm rời bỏ AWS, theo nhà phân tích Brian Nowak của Morgan Stanley.
THẤT BẠI LÀ CÁI GIÁ CỦA SỰ THÀNH CÔNG
Dẫu vậy, nếu lật ngược lại vấn đề, những phân tích của Businessweek cách đây 16 năm không hẳn là thiếu lý lẽ. Đúng là Amazon đã gây dựng được danh tiếng sau nhiều năm đặt cược vào các công nghệ mới nổi, song hãng bán lẻ này trước đó cũng vấp ngã không ít lần.
Bằng chứng là vào năm 2014, Amazon lỗ 170 triệu USD vì những chiếc điện thoại Firephones. Đến năm 2019, công ty tiếp tục phải đóng cửa 87 chuỗi cửa hàng pop-up cũng như một số dịch vụ giao hàng cho nhà hàng. Năm ngoái, Amazon cũng đã ngừng sản xuất Dash Buttons - thiết bị nhỏ gọn được đặt quanh các hộ gia đình nhằm giúp người dùng dễ dàng đặt hàng trên Amazon chỉ với một lần bấm. Công nghệ này thất bại vì khách hàng có xu hướng sử dụng các phương pháp mua hàng khác.
Một hội nghị do AWS tổ chức
Hồi năm ngoái, tờ Bloomberg cũng đưa tin về sự cố ngừng hoạt động bất ngờ đối với dịch vụ điện toán đám mây của Amazon khiến hàng nghìn người Mỹ không thể sử dụng tủ lạnh, robot hút bụi và chuông cửa. Hoạt động giao hàng và truyền phát trực tuyến lớn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều người thậm chí không thể vào công viên của Walt Disney.
Người dùng sau đó đã phàn nàn về sự thất vọng của mình, đồng thời cho biết họ đã dành rất nhiều thời gian khởi động và cài đặt lại các ứng dụng và thiết bị trước khi phát hiện ra AWS đang ngừng hoạt động.
Sự cố sau đó khiến mọi người suy nghĩ về mặt trái của việc sở hữu một ngôi nhà "thông minh" do phải phụ thuộc quá nhiều vào Internet, và cụ thể ở đây là một công ty. Rất may khoảng 9 giờ sau, AWS cho biết họ đã giải quyết xong vấn đề.
Những thất bại hay sự cố này dĩ nhiên không làm Jeff Bezos nản lòng. Ông cho rằng thất bại chính là cái giá phải trả để có được sự thành công.
AWS đang nắm vị thế quyết định quan trọng trong lĩnh vực điện toán đa màu
“Chúng ta cần một thất bại lớn nếu muốn thay đổi, dù chúng đáng giá vài tỷ USD. Nếu không thất bại, có lẽ bạn chưa đủ mạnh’’, vị tỷ phú khẳng định.
Theo Forbes, Amazon không có dấu hiệu giảm tốc sự tăng trưởng của AWS, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ điện toán đám mây. Dĩ nhiên, một số sáng kiến có thể thất bại, song ở thời điểm hiện tại, công ty này vẫn đang nắm vị thế quyết định quan trọng trong lĩnh vực điện toán đám mây.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Ơn trời, AI của Apple sắp hỗ trợ tiếng Việt, nhưng sẽ không phải trong năm nay
Apple sẽ sớm hỗ trợ một loạt ngôn ngữ cho bộ tính năng Apple Intelligence, bao gồm cả tiếng Việt trong năm 2025.
iOS 18.1 "mở khóa" tính năng được người dùng iPhone tại Việt Nam mong chờ từ lâu