Vụ Samsung Galaxy Note 7: Có thể trả điện thoại, lấy lại tiền

    PV,  

    “Về mặt pháp lý, Samsung Galaxy Note 7 được gọi là “hàng hóa có khuyết tật”. Vì vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm này phải có trách nhiệm đổi sản phẩm mới tương tự hoặc thu hồi sản phẩm đó và trả lại tiền cho khách hàng theo từng trường hợp”, Luật sư Hà Huy Từ - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định.

    Sau sự cố lỗi pin và có nguy cơ cháy nổ đối với thương hiệu điện thoại Samsung Galaxy Note 7, trên trang nội bộ của Samsung Vina khuyến cáo khách hàng “ngay lập tức” tham gia chương trình đổi sản phẩm. Tuy nhiên, theo Luật sư Từ, đối với sản phẩm này không chỉ có đổi mà cá nhân, đơn vị kinh doanh trong từng trường hợp phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm, trả lại tiền nều khách hàng yêu cầu.

    Theo Luật sư, “hàng hóa khuyết tật” là sản phẩm sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

    Theo đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa đối với việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện như sau: “Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi”.

    Ngoài ra, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định chi tiết hơn vấn đề này: “Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi”.

    Rõ ràng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định rất chi tiết về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm đổi hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, về mặt pháp lý, Samsung Galaxy Note7 được gọi là “hàng hóa có khuyết tật”. Vì vậy tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm này phải có trách nhiệm đổi sản phẩm mới tương tự hoặc thu hồi sản phẩm đó và trả lại tiền cho khách hàng”, Luật sư Từ nói.

    Pháp luật còn quy định khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa phải có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông …

    Tuy nhiên, theo quan sát, những động thái gần đây của Samsung Việt Nam chưa thực sự tương xứng với tính chất của vấn đề mà họ đang đối mặt ở Việt Nam khi đến thời điểm này ước tính đã có khoảng 1 vạn chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note7 đã được bán ra.

    Theo Báo Pháp Luật

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày