"Vua đầu tư của thế giới", ông trùm SoftBank mất trắng 130 triệu USD vì đầu tư Bitcoin
Vị tỷ phú người Nhật Bản từng đầu tư một khoản khá lớn vào đồng tiền điện tử này ở thời điểm giá của nó đang đạt đỉnh.
Masayoshi Son, nhà tỷ phú sáng lập nên tập đoàn SoftBank, từng đầu tư một khoản tiền lớn vào Bitcoin khi giá của đồng tiền điện tử này còn ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng sau đó đã mất trắng hơn 130 triệu USD khi "thanh lý" sạch số Bitcoin đó.
Ông Son, người phát động quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới dựa vào tầm nhìn đầu tư dài hạn của mình, đã thực hiện khoản đầu tư nói trên theo giới thiệu của một công ty chuyên về Bitcoin mà SoftBank đã mua lại vào năm 2017.
Thời điểm ông Son đầu tư vào Bitcoin được cho là ngay đỉnh điểm của cơn bão Bitcoin hồi cuối năm 2017, sau khi đồng tiền mã hóa này đã tăng gấp 10 lần về mặt giá trị trong năm đó. Số tiền đầu tư của ông Son không rõ là bao nhiêu, nhưng Bitcoin đạt đỉnh gần 20.000 USD vào giữa tháng 12/2017, và ông Son đã bán số Bitcoin mình sở hữu vào đầu năm 2018 sau khi đồng tiền này tụt dốc không phanh.
Tính đến thứ hai vừa qua, giá trị của 1 Bitcoin chạm mốc 5.381,05 USD.
Ông Son nổi tiếng với những quyết định đầu tư chớp nhoáng và những lần đặt cược đầy mạo hiểm, hầu hết trong số đó đều được đền đáp và mang lại cho ông danh tiếng cũng như tiền tài khổng lồ. Vị tỷ phú này từng quyết định chống lưng cho tập đoàn Alibaba của Trung Quốc sau khi bỏ ra chỉ 5 phút trò chuyện với nhà sáng lập Jack Ma. Lần khác, ông Son chỉ mất đúng nửa tiếng đồng hồ để đưa ra quyết định bật đèn xanh cho một khoản đầu tư 200 triệu USD vào một startup trồng rau trong nhà.
Giá trị Bitcoin từ 2017 - 2019
Cú "trượt chân" khi đầu tư vào Bitcoin của ông Son là ví dụ nhãn tiền cho thấy ngay cả những nhà đầu tư giàu có và tinh tường bậc nhất trên thế giới cũng phải lảo đảo giữa cơn cuồng tiền mã hóa. Với giá trị ròng ước tính 19 tỷ USD, khoản tiền 130 triệu USD kia đối với ông Son cũng chỉ như hạt cát giữa sa mạc, nhưng nó vẫn khiến danh tiếng của ông - một nhà đầu tư kiên nhẫn và nhìn xa trông rộng - bị ảnh hưởng phần nào.
Được biết, người đã thôi thúc ông Son đầu tư ban đầu là Peter Briger, đồng Chủ tịch quản lý tài sản của tập đoàn Fortress Investment. SoftBank đã thâu tóm Fortress vào tháng 2/2017, qua đó thừa hưởng khoản dự trữ Bitcoin cùng với các nguồn quỹ đầu tư truyền thống của công ty này.
Fortress dưới thời Briger đã mua Bitcoin lần đầu vào năm 2013, khi tiền mã hóa vẫn là một công nghệ mới mẻ, chủ yếu được sử dụng trong mua bán trên các trang web đen. Ở thời điểm SoftBank hoàn tất mọi thỏa thuận mua lại Fortress, công ty này đang năm giữ số Bitcoin có trị giá hơn 150 triệu USD.
Ông Son xây dựng nên SoftBank chủ yếu xoay quanh các khoản đầu tư dài hạn về công nghệ, đồng thời sử dụng uy tín của mình để lập nên quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund trị giá 100 tỷ USD. Vision Fund được chống lưng bởi quỹ đầu tư chính phủ của Ả-rập Saudi, sở hữu cổ phần khá lớn tại Uber Technologies Inc và WeWork Cos, và chính là công ty đã giúp nâng tầm giá trị của một số công ty công nghệ tư nhân lớn nhất thế giới.
Vision Fund sắp phải đối mặt với một bài thử với đợt IPO sắp diễn ra của Uber. Được biết đợt IPO này nhắm đến con số 100 tỷ USD, thấp hơn những kỳ vọng trước đây nhưng vẫn cao hơn số vốn mà quỹ của ông Son đã đầu tư vào.
Ngay cả khi có tầm nhìn về công nghệ của tương lai, vấn đề lớn nhất của SoftBank là cổ phần trong công ty điện thoại di động Mỹ Sprint. Thỏa thuận ký kết vào năm 2013 khiến gã khổng lồ viễn thông rơi vào tình trạng nợ nần, từ đó hạn chế các lựa chọn đầu tư của hãng.
Tuần trước, có thông tin cho biết thương vụ sáp nhập Sprint và T-Mobile đã bị trì hoãn bởi các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ, khi họ bày tỏ quan ngại rằng một thỏa thuận toàn cổ phiếu sẽ khiến tính cạnh tranh bị đe dọa.
Sprint, lúc này đang hi vọng thỏa thuận sẽ được thông qua, cho biết: "Sprint đang trong một tình huống rất khó khăn và nó đang tồi tệ hơn nữa. Sprint đang không đi trên con đường cạnh tranh bền vững".
Tham khảo: WallStreetJournal
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"