Vừa khởi một kiện nhân viên vì tội phá hoại, Tesla đã bị chính nhân viên đó kiện ngược
Trong đơn kiện ngược của mình, nhân viên này tố cáo ra hàng loạt sai sót trong hệ thống quản lý sản xuất của Tesla, đồng thời phủ nhận các cáo buộc của công ty với mình.
Martin Tripp, cựu kỹ thuật viên về quy trình tại Tesla, đã đệ đơn kiện ngược (kiện phản tố) công ty vào thứ ba vừa qua.
Theo đơn kiện ngược của mình, kỹ sư 40 tuổi này cáo buộc Tesla không hoạt động theo sứ mệnh cải thiện môi trường, và thay vào đó, công ty đang tạo ra "một lượng lớn rác thải và các linh kiện phương tiện "phế liệu" đang nằm lung tung trên mặt đất bên trong nhà máy Gigafactory."
Tripp cũng cáo buộc Tesla liên tục tái sử dụng các bộ phận pin đã bị loại bỏ như chất thải. Đơn kiện của ông tuyên bố rằng, ông "thậm chí đã được một đồng nghiệp nói rằng, người đồng nghiệp đó, sau khi nhìn thấy các sản phẩm bị hư hỏng đang được tái sử dụng, đã cố tình phá hỏng các bộ phận này hơn nữa để ngăn chúng được sử dụng lại trong chiếc Model 3."
Thẻ nhân viên của Martin Tripp
Bên cạnh đó, trong đơn kiện ngược của Tripp còn có nhiều cáo buộc khác:
- Vào tháng Năm 2018, hệ điều hành sản xuất (MOS: Manufacturing Operating System) của Tesla đã cho thấy từ ngày 1 tháng Một 2018 đến giữa tháng Năm 2018, một số lượng lớn các linh kiện của module pin, bao gồm cả vỏ và cell pin, trị giá từ 150 triệu USD đến 200 triệu USD, đã bị phân loại là phế liệu.
- Tripp cũng cáo buộc rằng, các cell pin thủng đã được làm lại bằng keo và đặt lại vào trong dây chuyền sản xuất. "Dựa trên việc thông tin và niềm tin, việc kiểm tra chất lượng không được thực hiện trên những module pin "làm lại" này trước khi chúng được đưa trở lại vào trong dây chuyền sản xuất. Cá nhân ông Tripp đã quan sát thấy các kỹ thuật viên thực hiện quá trình này trên một số module pin".
- Ông Tripp cũng cáo buộc rằng Tesla đã ngừng các hệ thống theo dõi linh kiện ô tô. "Kết quả là, nhiều linh kiện ô tô và vật liệu không thể truy xuất nguồn gốc được – điều có thể tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc xác định những linh kiện đó được làm ở đâu, khi nào và bởi ai."
- Ông Tripp phủ nhận các cáo buộc rằng ông đã hack vào hệ điều hành sản xuất của Tesla (MOS).
- Tesla bị cáo buộc "đã công bố các tuyên bố sai trái và phỉ báng một cách ác ý và để trả đũa chống lại" Tripp và "làm ông ta mất uy tín trước công chúng."
Nhà máy Gigafactory của Tesla.
Trước đó, Tripp đã rò rỉ các tài liệu nội bộ và các thông tin khác cho Business Insider. Vốn tự xem mình là một người hâm mộ Tesla, Tripp cho biết, trước đó ông ta đã cố gắng đưa các lo ngại của mình tới cấp trên và CEO Tesla Elon Musk, nhưng không có gì xảy ra cả.
Giờ đây Tripp đang bị Tesla kiện vì cáo buộc "thâm nhập thông tin mật và bí mật thương mại của công ty và chuyển giao thông tin đó cho các bên thứ ba."
Tesla cũng tuyên bố, họ đã nhận được lời mách nước từ "một người bạn" của Tripp, khi cho biết Tripp đã cố gắng "phá hoại" Gigafactory. Lực lượng thực thi pháp luật đã tìm kiếm vào thời điểm đó nhưng không tìm thấy mối đe dọa đáng tin cậy nào.
Tripp phủ nhận bất kỳ ý định bạo lực nào trong đơn ngược của mình và cho biết việc Tesla từ chối cung cấp tên của "người bạn" đã mách nước đó.
Luật sư của ông Tripp, Robert D. Mitchell cho biết trong tuyên bố của mình rằng: "Tesla đã sử dụng các chiến thuật vũ lực và chiến dịch bôi nhọ phỉ báng trong nỗ lực nhằm chôn dấu thông tin mà Martin Tripp có được với tư cách là nhân viên của Tesla và để làm mất uy tín ông Tripp trước công chúng."
Tesla hiện không phản hồi lại các yêu cầu bình luận về sự việc trên.
Nhà máy Tesla tại Fremont.
Các cáo buộc lẫn nhau của hai bên
Rắc rối pháp lý giữa ông Tripp và Tesla bắt đầu từ ngày 14 và ngày 15 tháng Sáu, khi nhóm an ninh của công ty họp với ông ta về một số câu hỏi.
Ông Tripp cho biết, cuộc họp đầu tiên kéo dài khoảng 6-7 giờ. Nhóm an ninh này muốn biết ông tìm hiểu về các nghi vấn trong hệ điều hành sản xuất như thế nào, ví dụ như về rác thải phế liệu của Tesla và giá thành các linh kiện, và tại sao ông làm vậy. Khi cuộc họp kết thúc, ông đã được nhóm an ninh hộ tống ra khỏi công ty.
Cuộc họp thứ hai diễn ra vào ngày hôm sau, với thời gian ngắn hơn và ít thân thiện hơn. Nhóm bắt đầu với các câu hỏi tương tự như hôm qua và sau đó là các câu hỏi kỳ lạ hơn.
Theo ông Tripp, họ muốn biết ông làm thế nào để đưa một chương trình vào trong MOS để chạy các truy vấn trong hệ thống, nhằm tìm kiếm các chi phí về phế liệu, vào cùng một lúc mỗi ngày. Nhóm an ninh nói với ông rằng, họ biết ông đã đăng nhập vào 9 máy tính, và chương trình này đã chạy trên 3 máy tính.
Sau đó, Elon Musk đã viết một email cho toàn công ty rằng, Tesla có một "kẻ phá hoại" bên trong. Không lâu sau đó, Tesla đệ đơn kiện Tripp.
Công ty cáo buộc Tripp đã ăn trộm các dữ liệu bí mật và phóng đại các con số trong dữ liệu đó với truyền thông. Tesla cũng cáo buộc Tripp đã hack vào hệ điều hành MOS của họ.
Trong khiếu nại của mình, Tesla cho biết trong các cuộc họp, ông Tripp đã thừa nhận việc viết phần mềm để hack vào MOS của Tesla và để gửi "vài Gigabyte dữ liệu bí mật và độc quyền của Tesla …" ra ngoài. Ông Tripp phủ nhận các cáo buộc này. Ông nói với Business Insider rằng, thậm chí mình còn không biết code.
Một kỹ sư tại nhà máy ở Fremont nói với Business Insider rằng, các kỹ sư nghĩ thật là điên rồ khi cho rằng bất kỳ "kẻ phá hoại" nào có thể tồn tại được ở đây. Theo họ, đó phải là một hacker chuyên nghiệp.
"Việc cấu hình MOS … ghi đè hàng ngày với việc đẩy code tự động từ một kho chứa bí mật (stash repository)." Người đó giải thích. "Tất cả các thay đổi ở kho chứa trên đều có thể lần theo được và đòi hỏi phải có sự chấp thuận các thành viên khác."
Anh ta bổ sung thêm rằng. "Việc đẩy phần mềm độc hại vào máy tính của người khác sẽ không thể thực hiện nếu không có sự cho phép của họ, trừ khi đó là một hacker chuyên nghiệp. Về điều đó, tôi sẽ nói "Tại sao Tripp vẫn làm một kỹ thuật viên quy trình?"
Tất cả các vụ việc này đến vào thời điểm quan trọng với Tesla. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, công ty có thể phải huy động thêm vốn sớm để duy trì mức tiền mặt dư dả khi họ muốn mở rộng việc sản xuất chiếc Model 3 trong bối cảnh việc sản xuất đang bị chậm trễ.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI