Vườn nhà Apple đẹp quá, đến các đối thủ lớn như Samsung, Google hay Xiaomi cũng đều muốn chen chân vào

    Liam,  

    Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng các tên tuổi lớn của Android sẽ dùng sản phẩm, dịch vụ của riêng mình để tăng cường sức cạnh tranh cho smartphone của riêng họ. Nhưng thực tế là hoàn toàn ngược lại: từ TV đến ứng dụng hay phụ kiện, Samsung, Google và Xiaomi đều muốn trở thành "phần mở rộng" của hệ sinh thái Apple.

    Như vậy, sự kiện đánh dấu bước chuyển về bản chất của Apple đã diễn ra một cách vô cùng... nhạt nhẽo. Chưa biết nội dung sẽ đi tới đâu, phần lớn các dịch vụ mới của Apple đều chưa có ngày ra mắt cụ thể và chưa được định giá chính thức.

    Thế nhưng, chính sự kiện ấy cũng cho thấy vị thế của Apple lớn đến chừng nào.

    Đối thủ cũng hỗ trợ

    Trong khuôn khổ sự kiện ngày 25/3, Apple tuyên bố dịch vụ phát video mới sẽ có mặt trên TV của Samsung, LG và Sony. Cả 3 hãng này đều là đối thủ của Apple trên lĩnh vực smartphone, và ngoại trừ Sony sử dụng Android TV, hai cái tên còn lại đểu sử dụng hệ điều hành riêng, độc quyền (Samsung dùng Tizen, LG dùng webOS).

    Vườn nhà Apple đẹp quá, đến các đối thủ lớn như Samsung, Google hay Xiaomi cũng đều muốn chen chân vào - Ảnh 1.

    Ảnh chụp không phải tại sự kiện của Google hay Microsoft, mà là Apple!

    Điều này có nghĩa rằng, để Apple đặt chân lên TV của 2 hãng số 1 thị trường, chắc chắn bộ sậu Apple đã có những cái bắt tay sau hậu trường với Samsung và LG.

    Trên mảng dịch vụ, đây cũng không phải là cú bắt tay duy nhất giữa Apple và kỳ phùng địch thủ Samsung. Cuối tháng 2, công ty Hàn Quốc đã lên tiếng tuyên bố sẽ phân phối phim và TV show từ iTunes lên các mẫu Smart TV thông qua cập nhật phần mềm. Các ứng dụng như Smart View (tùy biến thiết bị smarthome) hay ứng dụng hỗ trợ Galaxy Watch, Gear Fit... đều có mặt trên iOS.

    Nghịch lý cạnh tranh

    Không chỉ riêng Samsung, chẳng có đối thủ nào của Apple lại quyết tâm cạnh tranh đến cùng cực cả. Ví dụ, Huawei hay Xiaomi đều có ứng dụng hỗ trợ smartwatch và vòng đeo luyện tập trên iOS. Google mỗi năm trả cho Apple gần 10 tỷđô để được giữ vững vị trí là bộ máy tìm kiếm mặc định của iOS. Các ứng dụng quan trọng của Google đều có mặt trên Google, thậm chí đôi khi gã khổng lồ tìm kiếm còn ưu ái iOS hơn cả "con đẻ" Android.

    Vườn nhà Apple đẹp quá, đến các đối thủ lớn như Samsung, Google hay Xiaomi cũng đều muốn chen chân vào - Ảnh 2.

    Đối thủ nào cũng muốn vào "vườn Táo" hết!

    Nếu một người dùng đang truy cập vào Google.com qua Safari hay đang xem dữ liệu của Honor Band 4 trên Huawei Health bản iOS, bạn có thể chắc chắn rằng họ không dùng Pixel 3 hay Mate 20. Nếu người dùng bật Apple Music trên một chiếc QLED 2019, bạn cũng có thể gần như chắc chắn rằng họ không dùng smartphone Galaxy. 

    Những chiếc Honor Band hay QLED bởi vậy sẽ trở thành... phần mở rộng cho trải nghiệm Apple. Thay vì dùng các mảng sản phẩm/dịch vụ khác để tạo sức cạnh tranh tốt nhất cho smartphone của mình, tất cả các hãng Android lớn đều muốn được phục vụ cho... iFan.

    Ngôi vườn đô la

    Nghịch lý này là bởi, vườn nhà Apple quá đẹp. Giá bán trung bình của smartphone Android năm 2018 chỉ đạt 262 USD (IDC) trong khi iPhone thường rơi vào khoảng 700-800 USD. Khi mỗi iFan bỏ ra khoản tiền cao gấp 3 lần người dùng Android để mua điện thoại, mỗi chiếc iPhone bán ra sẽ là một bông hoa toát lên vẻ đẹp của... thẻ tín dụng. Người dùng iPhone rõ ràng chịu chi hơn hẳn người dùng Android.

    Vườn nhà Apple đẹp quá, đến các đối thủ lớn như Samsung, Google hay Xiaomi cũng đều muốn chen chân vào - Ảnh 3.

    Tiếp cận người dùng Apple là tiếp cận nguồn doanh thu hấp dẫn hơn hẳn người dùng Android.

    Hỗ trợ Apple Music hay Apple TV Plus bởi vậy là bước đi để Samsung chạm tay vào nhóm khách hàng hấp dẫn này. Nếu năng lực chi trả cao hơn, khả năng iFan lựa chọn các mẫu QLED đắt đỏ thay vì TV giá rẻ cũng cao hơn. Tương tự, xác suất chuyển hóa thành doanh thu của quảng cáo trên Safari cũng sẽ cao hơn quảng cáo hiển thị trên màn hình Chrome của một chiếc Android giá thấp. Một người dùng đã sẵn lòng mua iPhone thay vì Honor hay Redmi cũng sẽ ít đắn đo hơn khi tìm mua smartwatch hay thiết bị smarthome: trừ khi muốn quyết chiến với nhà Táo, Huawei hay Xiaomi rõ ràng là nên tìm cách bán hàng cho iFan.

    Vậy, các hãng Android có nên quyết chiến với Apple để giành lấy phân khúc cao cấp? Samsung có nên dùng TV và smarthome để giúp Galaxy đánh bại iPhone? Xiaomi có nên coi Mi Band là lợi thế của riêng Mi 9?

    Câu trả lời, đáng tiếc thay, là không: năm 2019, Apple chiếm đến 61% phân khúc 600-800 USD và 79% phân khúc 800 USD trở lên (Counterpoint). Qua 12 năm của chiếc "modern smartphone", các tên tuổi Android hiểu rằng đánh bại iPhone trên phân khúc cao cấp sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Và bởi thế, họ lại tìm cách chen chân vào khu vườn của Apple!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ