Website cung cấp phim "lậu" công khai thu phí người xem

    Tuấn Anh,  

    Mặc dù đã bị xử phạt vì vi phạm bản quyền phim trên Internet, nhưng một số trang web chiếu phim "lậu" vẫn công khai thu phí người xem.

    Vấn đề vi phạm bản quyền phim hiện đang là vấn đề phổ biến ở Việt Nam. Nhiều trang web chiếu phim online (phần lớn là phim chưa có bản quyền) cho người dùng xem phim miễn phí, đổi lại họ kiếm doanh thu từ quảng cáo, thì một số trang phim như: hdviet.com, movies.hdviet.com, pubvn.tv, starmovies.com.vn, hayhaytv.vn đã bắt đầu thu phí người xem. Trong số này có pubvn.tv đã từng bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử phạt vì vi phạm bản quyền theo khiếu nại của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ.

    HDViet, một trong những trang phim lậu đang thu phí người xem.
    HDViet, một trong những trang phim lậu đang thu phí người xem.

    Những người xem muốn hưởng chế độ VIP sẽ phải đăng ký một tài khoản VIP (bằng email hoặc tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Yahoo, Google ). Sau đó những người có tài khoản VIP phải nạp tiền vào tài khoản để hưởng thời gian xem VIP.

    Cách thức nạp tiền rất đơn giản, bằng nhiều hình thức: tin nhắn, thẻ cào điện thoại, thẻ game, nạp qua ngân hàng trong nước và quốc tế, thậm chí có trang web còn phát hành mã thẻ riêng để thu phí người xem.

    Trang starmovies.com.vn đang đưa ra mức phí như sau: Người xem nạp tiền qua tin nhắn qua đầu số 8x25, nếu nhắn theo cú pháp gửi 8625 (10.000 đồng) thời gian hưởng chế độ VIP là 5 ngày, nhắn gửi 8725 (15.000 đồng) thời gian VIP là 7 ngày. Hoặc người xem có thể nạp bằng thẻ cào điện thoại: mệnh giá 10.000 đồng (thời gian VIP là 5 ngày), nạp 20.000 đồng (thời gian VIP là 15 ngày), từ mệnh giá 50.000 đồng – 500.000 đồng thì sẽ được ưu đãi chỉ còn 1.000 đồng/ngày VIP.

    Trang pubvn.tv đưa ra hai mức phí: Thuê bao 40.000 đồng/tháng, hoặc mua phim lẻ là 2.000 đồng/phim.

    Trang movies.hdviet.com cho phép người dùng nạp tài khoản HDVIP bằng nhiều hình thức như: tin nhắn, thẻ cào di động, thẻ game, nạp bằng tài khoản ngân hàng qua hệ thống Smartlink, thẻ VISA. Và đặc biệt trang movies.hdviet.com còn tự phát hành mã thẻ HDVIP và đặt ra một đơn vị tiền ảo là Bắp để bán cho người xem. Phí mà người xem phải trả dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/ngày.

    Pubvn.tv đăng công khai mức phí trên trang chủ (góc phải trên cùng màn hình).
    Pubvn.tv đăng công khai mức phí trên trang chủ (góc phải trên cùng màn hình).
    HDViet cung cấp nhiều cách nạp tiền cho khách hàng VIP.
    HDViet cung cấp nhiều cách nạp tiền cho khách hàng VIP.

    Theo như lời giới thiệu trên các trang này, khách hàng VIP (những người chịu bỏ tiền để xem phim online) sẽ được hưởng các ưu đãi khác biệt so với người xem miễn phí như: Xem phim không bị chèn quảng cáo, xem phim với chất lượng Full HD, xem phim bằng server riêng không giới hạn nên chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn, được lựa chọn thuyết minh hay phụ đề.

    Tình trạng vi phạm bản quyền phim và các chương trình truyền hình trên Internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, có tới hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên Internet, đa số các bộ phim (cả trong nước và quốc tế) đều chưa được các website này mua bản quyền.

    Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm bản quyền trên Internet lại gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian gần đây, cơ quan nhà nước đã xử lý mạnh tay đối với một số trường hợp vi phạm bản quyền phim trên Internet sau khi nhận được phản ánh của chủ sở hữu quyền tác giả. Nhưng thực tế sau khi bị xử phạt các trang phim online này vẫn công khai hoạt động.

    Hồi tháng 7/2013, từ đơn khiếu nại của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), Bộ VH-TT&DL đã xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả với sản phẩm điện ảnh của MPA tại 3 trang mạng: phim47.com; v1vn.com và pub.vn. Nhưng sau đó không lâu, trang phim47.com đổi thành phimhh.com, trang pub.vn chuyển thành pubvn.tv để né tránh sự kiểm tra và vẫn tiếp tục đăng tải những phim không có bản quyền. Giữa tháng 4/2014, MPA tiếp tục gửi hồ sơ liên quan đến việc tái vi phạm bản quyền phim của 3 trang mạng kể trên và 9 trang mạng khác tại Việt Nam.

    Hồi tháng 6/2014, Thanh tra chuyên ngành TT&TT đã xử phạt 2 website vi phạm bản quyền phim Hồng Kông bị TVB Hồng Kông khiếu nại. Tuy nhiên, những trường hợp bị xử phạt này chỉ như "muối bỏ biển". Hành vi công khai chiếu các bộ phim và các chương trình truyền hình không có bản quyền diễn ra hết sức phổ biến. Hàng trăm website trong nước vẫn cố tình vi phạm bản quyền, hàng ngàn bộ phim, chương trình truyền hình được “xài chùa” trên Internet nhằm thu món lợi bất chính.

    Mặc dù thời gian gần đây khá nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có biện pháp xử lý mạnh tay với tình trạng các trang web phim online đã ăn cắp nhiều bộ phim nước ngoài, trong nước, các chương trình truyền hình ăn khách cho người xem miễn phí, đổi lại họ có doanh thu "khủng" nhờ số lượng các banner quảng cáo dầy đặc.

    Đại diện Công ty Đầu tư phát triển Công nghệ cao (CNC) cho rằng, tại Việt Nam có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và ca nhạc), với 90% lượng người dùng Internet sử dụng sản phẩm này thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát như hiện nay là rất lớn.

    Hồi đầu năm 2014, CNC đã khiếu nại lên Bộ VH-TT&DL nhiều website vi phạm bản quyền chương trình Táo Quân 2014, trong đó có cả Youtube, nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý.

    Theo ictnews

    >> Chủ nhân website có thể bị tù 6 năm nếu truyền bá nội dung lậu

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ