Wi-Fi trên máy bay và những điều cần biết

    NPQM,  

    Cảm thấy thích thú và háo hức vì chuyến du lịch sắp tới bạn sẽ được trải nghiệm công nghệ tích hợp dịch vụ Wi-Fi trên chuyến bay của mình? Đừng vui mừng vội. Hãy cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Thời đại ngày nay, có lẽ hầu hết chúng ta đều cảm thấy bứt rứt, khó chịu khi phải “rời xa” chiếc smartphone hay máy tính yêu quý của mình, cách biệt khỏi thế giới công nghệ kết nối toàn cầu. Một trong những khoảng thời gian khó chịu đó chính là việc di chuyển trên những chuyến bay dài, yêu cầu toàn bộ kết nối di động phải được ngắt hoàn toàn.

    Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hãng hàng không đã và đang cung cấp cho khách hàng dịch vụ Wi-Fi trên những chuyến bay của mình, cho phép họ có thể tranh thủ check email hoặc lướt web ngay cả khi trên độ cao 40.000 feet.

     Vẫn còn nhiều ẩn số cần được giải đáp về công nghệ này

    Vẫn còn nhiều ẩn số cần được giải đáp về công nghệ này

    Vậy hệ thống này hoạt động ra sao? Những nhãn hiệu nào bao gồm dịch vụ này? Và quan trọng nhất, có những mặt tiêu cực nào phát sinh trong quá trình sử dụng hay không, đồng thời liệu nó có thực sự đáng đồng tiền bát gạo?

    Cơ chế vận hành

    Có bao giờ bạn để ý rằng ngay sau thời điểm cất cánh, điện thoại của mình lại mất sóng và tín hiệu kết nối hay không? Vậy làm cách nào họ có thể cung cấp lựa chọn này cho người sử dụng? Thực tế, câu trả lời lại vô cùng đơn giản và dễ hiểu bất ngờ.

    Máy bay tự thân chúng đã được thiết kế với một hệ thống ăng-ten đi kèm, thu nhận tín hiệu từ một trong hai nguồn: trạm phát sóng mặt đất hoặc vệ tinh.

    Phương pháp đầu tiên được phân phối rộng rãi bởi GoGo – nhà cung cấp dịch vị Wi-Fi hàng không lớn nhất Hoa Kỳ. Với mạng lưới hơn 160 trạm điều hành xen kẽ nhau, tín hiệu Internet luôn được đảm bảo phát sóng ổn định.

    Về phần máy bay, thành phần đóng vai trò quan trọng nhất là ăng-ten tích hợp bên dưới thân hoặc cánh, cũng như một bộ phận router Wi-Fi được cài đặt trong cabin để khuếch đại sóng và cho phép hành khách truy cập mạng.

    Phương pháp còn lại liên quan đến vệ tinh, giống như cách thức áp dụng bởi Inmarsat và Viasat. Điểm lợi của kết nối này là bạn có thể được tận hưởng một nguồn phát sóng nhanh chóng cũng như ổn định và tin cậy. Dù vậy, giá thành cho dịch vụ này cũng không hề dễ chịu một chút nào.

    Cách dịch vụ Internet từ GoGo hoạt động

    Lạ và độc đáo phải không? Trái lại, sự thật phũ phàng là ngay cả người dân sống ở những khu vực nông thôn vắng vẻ cũng đã trải qua quá trình sử dụng Wi-Fi tốc độ cao này hàng năm qua rồi!

    Có lẽ lý tưởng nhất vẫn là thiết kế 2Ku sắp được ra mắt đến từ GoGo. Hệ thống này sử dụng 2 ăng-ten, một cho dữ liệu tải lên tầng trên và còn lại cho kết nối tải xuống, tích hợp với công nghệ truyền thông tin từ vệ tinh Intelsat.

    Khác với loại hình truyền thống (trực tiếp chuyển giao tín hiệu theo hình thức đất đối không), phương pháp này có mặt ở hầu hết mọi quốc gia, thậm chí cả trên bề mặt đại dương. Mặc dù độ trễ (latency) vẫn còn chưa được khắc phục triệt để, tốc độ của 2Ku vẫn có thể lên đến 70Mbps. Hơn nữa, bộ phận thu sóng được cải tiến với kích thước nhỏ gọn hơn, góp phần giúp giảm tiêu hao năng lượng sử dụng.

    Tính năng hứa hẹn trên GoGo 2Ku

    Dù vậy, vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước cho tới khi 2Ku trở thành một tiêu chuẩn phổ biến toàn cầu. Thay đổi cách thức vận hành dịch vụ Internet cho cả một hãng hàng không khó khăn hơn rất nhiều so với việc chuyển sang dùng nhà mạng Verizon thay vì Comcast từ khía cạnh cuộc sống thường ngày. Điều này yêu cầu những hợp đồng thực sự nhạy cảm trong thỏa thuận làm ăn cũng như chi phí đắt đỏ cho những thiết bị thay thế như các ống dẫn truyền tín hiệu.

    Tuy nhiên, hãy cùng tin tưởng vào một tương lai không xa khi 2Ku cuối cùng cũng sẽ thuyết phục được những hãng hàng không khó tính nhất chuyển sang sử dụng dịch vụ của mình.

    Mặt trái của vấn đề

    Đúng vậy, "gót chân Achilles" của kết nối Wi-Fi trên máy bay là tính phổ biến của nó. Không có nhiều nhãn hiệu đủ dũng cảm thiết lập hệ thống này trên những chuyến bay của mình, ngoại trừ United, SouthWest hay Alaska… - những tên tuổi lớn áp đảo trên thị trường hàng không Hoa Kỳ.

    Nhưng vẫn còn một số góc độ khác có thể khiến bạn chú ý trước khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn mà lại không đi kèm với những trải nghiệm thỏa mãn:

    1. Chi phí không hề rẻ

    “Đắt không thể tin được”! Đó là tất cả những gì bạn có thể thốt lên khi trải qua sử dụng dịch vụ này. Thật vậy, trên mặt đất, bạn tùy ý tiêu dùng bao nhiêu dung lượng thỏa thích mà không bận tâm mấy về giá cả. Nhưng ở độ cao 40.000 feet là cả một câu chuyện khác. Viễn cảnh bỏ ra một đống tiền chỉ để nhận lại một gói dung lượng hạn chế sẽ không còn trở nên xa lạ.

    Chắc chắn một trong những trường hợp “khắc nghiệt” nhất tôi từng chứng kiến là câu chuyện liên quan đến một blogger du lịch – Ben “Lucky” Schlappig – chủ nhân cuốn blog ưa thích của tôi “One Mile At A Time”.

    Schlappig lúc bấy giờ đang trên chuyến bay Iberia A340 hạng thường từ New York tới Madrid, có lựa chọn sử dụng Wi-Fi trên không, với gói tiết kiệm nhất cung cấp cho bạn 4 MB cùng mức giá 5 USD. Sau khi dùng hết, mỗi 100 KB vượt quá giới hạn sẽ được tính 0,17 USD.

    Vài nét về giá thành của kết nối Internet trên
    Vài nét về giá thành của kết nối Internet trên

    Điều này đồng nghĩa với việc các hình thức stream trực tuyến sẽ trở thành cơn ác mộng thực sự. Nếu lỡ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của Netflix, đó sẽ là tập phim đắt giá nhất, theo đúng nghĩa đen, trong cuộc đời bạn.

    2, Danh sách truy cập bị hạn chế

    Dịch vụ Internet tại nhà riêng cho phép bạn tìm đến hầu hết mọi nguồn thông tin tùy thích. Trái lại, các nhà phát hành Internet trên máy bay lại “tước đi” mất quyền lợi đó của khách hàng, đặt ra một giới hạn nhất định so với nhu cầu thực tế. Thậm chí, như đã đề cập, online streaming là điều bất khả thi, đồng thời một số mạng xã hội ưa thích của giới trẻ như Snapchat cũng bị chặn không cho phép truy cập.

    Tuy nhiên, kỳ lạ hơn, ở một số trường hợp khác, có những công ty hợp tác độc quyền với Amazon hay Spotify, giúp hành khách trên chuyến bay có quyền tương tác với mọi nền tảng nội dung của họ.

    2 mảnh đời, 2 số phận
    "2 mảnh đời, 2 số phận"

    JetBlue là một ví dụ điển hình cho việc cung cấp một tiêu chuẩn kết nối Wi-Fi cơ bản mà miễn phí trên chuyến bay, bao gồm mọi hoạt động như gửi email, lướt Facebook, kể cả thỏa mãn đam mê với những đoạn video hấp dẫn mới nhất trên Amazon.

    Trong trường hợp bạn muốn sử dụng hệ thống mạng riêng ảo VPN, chơi game online, gửi file có dung lượng lớn hoặc ứng dụng cần đến nhiều dung lượng như Netflix hay Hulu, số tiền phải trả thêm sẽ vào khoảng 9 USD.

    3, Tốc độ và sự tin cậy

    Không ngạc nhiên khi đây là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất, nhưng thật sự, hình thức Wi-Fi này không thể sánh ngang được với sự mạnh mẽ như hệ thống tại nhà riêng của bạn.

    Trong khi có một số nhãn hiệu đưa ra những lựa chọn đảm bảo tốc độ tương đối ổn định, mạng lưới ATG cơ bản của GoGo lại chỉ có hiệu suất đúng bằng kết nối dial-up thông thường. Lý do cho nhược điểm này đến từ việc tổng băng thông của họ chỉ ở mức khoảng 3 Mbps, và bấy nhiêu đó phải chia sẻ cho toàn bộ hành khách trên chuyến bay.

    Một cách “chữa cháy” khác là thiết lập nhiều bộ thu nhận sóng ATG, cũng có nghĩa kết nối được phân tán theo hai chiều, giúp cho tốc độ được cải thiện hơn, nhưng vẫn chưa sánh vào đâu so với tổ ấm thân thương của bạn, bởi vì còn có hàng trăm con người khác cũng đang truy cập vào cùng một đường dẫn như vậy (một chiếc Airbus A321 thông thường chứa được 236 hành khách, hay như chiếc Emirates Airbus 380 với 3 tầng có thể lên đến 517 người – một số lượng khổng lồ bạn phải cạnh tranh cùng trong “công cuộc giành băng thông Internet”).

    Những nhãn hiệu cung cấp dịch vụ Wi-Fi “trên trời”.

    Nếu bạn may mắn sống ở Hoa Kỳ, vậy đó sẽ là nơi lý tưởng cho loại hình Wi-Fi đang nở rộ này. Thay vì đưa ra danh sách những hãng hàng không tin cậy, tôi sẽ đề cập đến những tên tuổi các hãng nằm ở khía cạnh ngược lại:

    - Allegiant

    - Frontier

    - Hawaiian

    - Spirit

    Dẫu vậy, trên đây không hoàn toàn là những minh chứng không đáng cân nhắc cho một chuyến du lịch. Thực tế, họ đều có một điểm chung: Giá cả phải chăng. Do đó, việc bố trí, sắp đặt những cơ sở vật chất hiện đại nhất không phải là ưu tiên hàng đầu của họ.

     Spirit A319

    Spirit A319

    Hơn nữa, lắp đặt hệ thống Wi-Fi phù hợp cho máy bay không phải lúc nào cũng đơn giản vì chi phí vô cùng đắt đỏ, đồng thời ảnh hưởng xấu tới góc độ khí động học của máy bay và trải nghiệm của khách hàng khi họ cảm thấy không cần thiết phải chi trả thêm cho sự xa xỉ như vậy.

    Liệu đây có nên là phương pháp cuối cùng được tính đến?

    Mặc dù dịch vụ này đang ngày một trở nên hoàn thiện và cải tiến cũng như nhu cầu và độ hấp dẫn khó cưỡng lại, chúng ta cũng không nên chỉ cân nhắc trên một khía cạnh này để đưa ra quyết định, lựa chọn cuối cùng cho một chuyến bay. Về cơ bản, tốc độ chậm, chi phí cao tỷ lệ nghịch với độ tin cậy là những thứ được nhắc đến nhiều nhất, và quan trọng hơn cả là cảm nhận và trải nghiệm của bạn về sự tiện nghi, thoải mái cũng như chất lượng, đặc sản ẩm thực của từng vùng miền trên mỗi chuyến bay chứ không hẳn chỉ là vài phút được “lang thang” trên thế giới ảo.

    Tham khảo: MakeUseOf

    .

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ