Williamina Fleming - từ người giúp việc trở thành nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới
Xin vào làm người giúp việc trong gia đình giáo sư Edward Charles Pickering có lẽ là một quyết định quan trọng nhất đối với người phụ nữ trẻ Williamina Fleming - nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới đã khám phá ra Tinh vân Đầu Ngựa.
Williamina Paton Stevens Fleming (1857 – 1911) - một phụ nữ người Scottish đang ở tuổi 19 phơi phới nhưng đã quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để di cư sang Hòa Kỳ cùng chồng và bắt đầu một cuộc sống mới ở Boston, Massachusetts.
Trước đó, Williamina Fleming vốn là giáo viên ở Dundee - một làng quê ven biển phía đông Scotland. Tại nơi đây, bà đã gặp chồng mình là James Fleming - một người đàn ông góa vợ, lớn hơn bà 15 tuổi và là nhân viên kế toán.
Hai năm sau khi bắt đầu cuộc sống mới tại Hoa Kỳ, Williamina Fleming bị chồng bỏ rơi khi đang mang thai đứa con đầu lòng mà không được hỗ trợ bất cứ một khoản tiền nào. Vừa mang thai, bị chồng bỏ, lại sống ở nơi đất khách quê người khiến Fleming như lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Tuy nhiên, người ta thường nói rằng: Khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Một thân một mình trên lục địa vốn không phải nơi quen thuộc đối với mình, bà đã phải xin làm người giúp việc với mong muốn kiếm được chút ít tiền để có thể nuôi sống bản thân và lo cho đứa con sắp chào đời. Ít ai ngờ rằng, đây lại chính là cơ hội lớn, làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà.
Williamina Paton Stevens Fleming (chụp năm 1890)
Cơ duyên bất ngờ đã đưa người mẹ đơn thân đang tuyệt vọng này với giáo sư Edward Charles Pickering gặp gỡ nhau. Pickering chính là giáo sư vật lý và cũng là giám đốc của Đài quan sát Harvard. Ông đã thuê Fleming về để quán xuyến mọi việc trong gia đình. Với óc tinh tường của một nhà quan sát, Pickering nhanh chóng nhận ra khả năng và trí thông minh tuyệt vời của người quản gia mới mà mình vừa mới thuê. Được biết, Pickering đã từng hét lên vào mặt các nhân viên của mình rằng: "Ngay cả người giúp việc nhà tôi cũng có thể làm tốt hơn các anh".
Williamina Fleming - Người phát triển hệ thống các danh mục sao
Sau khi trở về từ Scotland - nơi bà đã hạ sinh đứa con trai đầu lòng Edward vào năm 1881, Fleming bắt đầu làm việc với những cùng với các nhân viên tại Đài quan sát Harvard do Pickering điều hành, thay cho vị trí của người trợ lý đã khiến vị giáo sư đáng kính này phải đau đầu rất nhiều. Kể từ đó, bà đã chứng minh được tài năng thiên bẩm của mình trong lĩnh vực khoa học này bằng việc phân loại và lập danh sách cho hơn 10.000 ngôi sao chỉ trong vòng 9 năm. Cũng trong thời gian này, bà đã giới thiệu một sơ đồ tổ chức các chòm sao mới bằng cách gán các ký tự chữ cái cho các ngôi sao (từ A đến Q, bỏ qua J) - dựa trên đặc điểm của các vạch hydro trên quang phổ của chúng.
Công trình này được công bố vào năm 1890 trong phiên bản đầu tiên của danh mục Henry Draper và là một trong những đóng góp đáng giá nhất của Williamina Fleming đối với lĩnh vực thiên văn học. Mặc dù tên của bà không được ghi trong danh sách các tác giả nghiên cứu nhưng Pickering đã trích dẫn tên của bà trên các trang bên trong và công khai thừa nhận Fleming chính là tác giả của hệ thống phân loại sao mới. Những gì Fleming đã làm chính là cơ sở để phân loại quang phổ được sử dụng ngày nay.
Nhờ Fleming, Pickering đã nhận ra rằng làm việc với phụ nữ có lẽ dễ chịu và hiệu quả hơn. Chính vì thế, Pickering đã tiếp tục tuyển dụng thêm 9 nữ nhân viên nữa để giúp ông tính toán và sắp xếp các quang phổ trên kính ảnh. Nhóm 9 nhà toán học nữ này đã đi vào lịch sử nhân loại và được biết đến như là "các máy tính trường Harvard" (Harvard Computer). Trong đó, nổi bật hơn cả là 2 nhà thiên văn học Antonia C. Maury và Annie J. Cannon, họ đã có công sắp xếp lại các nhóm quang phổ và phân loại một số lượng lớn các ngôi sao.
Nhóm nữ cộng sự làm việc cho Edward Charles Pickering tại Đài quan sát Harvard
Tong suốt sự nghiệp của mình, Fleming đã khám phá ra 59 tinh vân, hơn 310 sao biến quang và 10 sao siêu mới (nova). Một trong những thành tựu lớn nhất của bà là phát hiện ra Tinh vân Đầu Ngựa trong chòm sao Orion vào năm 1888 mà sau này được biết đến với tên gọi IC 434. Bà được mệnh danh là người phụ trách bộ sưu tập ảnh của Đài quan sát thiên văn, là thành viên danh dự của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Luân đôn.
Trước khi mất, Fleming đã được Hiệp hội Thiên văn Mexico trao tặng huân chương Guadalupe Almendaro vì những đóng góp của bà dành cho lĩnh vực thiên văn học. Tên của bà được đặt cho một crater* trên mặt trăng (crater Fleming).
Trong một thế giới vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, Williamina Fleming đã vượt qua được rất nhiều rào cản để có thể chinh phục khoa học, người phụ nữ tiên phong này không chỉ trở thành hình mẫu cho hàng triệu các nhà nghiên cứu mà còn cho toàn thể cộng đồng khoa học.
* Crater: Các hố lõm tạo bởi các vụ va chạm của thiên thạch lên trên bề mặt thiên thể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời