Windows 12 lần đầu lộ diện: Giao diện 'từa tựa' MacOS, yêu cầu dung lượng RAM cao gấp đôi Windows 11

    Anh Việt, TTVH 

    Windows 12 mang tới thiết kế giao diện mới, kèm theo đó là cấu hình phần cứng yêu cầu để chạy mượt mà sẽ cao hơn đáng kể so với Windows 11.

    Theo một số nguồn tin, Microsoft được cho là đang trong quá trình phát triển Windows 12 – phiên bản tiếp theo của hệ điều hành Windows kể từ tháng 2/2022. Có tên gọi nội bộ là "Next Valley", Windows 12 dự kiến sẽ chính thức lộ diện sớm nhất là vào nửa cuối 2024.

    Mới đây nhất, một loạt hình ảnh và thông tin về Windows 12 đã bị rò rỉ, mang đến cái nhìn đầu tiên về bố cục, giao diện cũng như cấu hình yêu cầu của hệ điều hành này.

    Tiếp tục theo đuổi kiểu giao diện mới

    Theo hình ảnh bị rò rỉ, dường như Microsoft vẫn tiếp tục theo đuổi kiểu giao diện tuơng tự như hệ điều hành MacOS, với bố cục được sắp xếp chặt chẽ hơn và các biểu tượng (icon) ứng dụng đơn giản hơn.

    Chẳng hạn, Thanh tìm kiếm (Search Bar) nằm ở chính giữa trên cùng màn hình, bên cạnh là đồng hồ/ngày, các chỉ báo pin, Wi-Fi và âm thanh ở góc trên cùng bên phải. Trong khi đó, các tiện ích như Thời tiết, tin tức nằm ở góc trái màn hình. Như vậy, thanh tác vụ của Windows 12 chỉ hiển thị các icon ứng dụng, trong khi thanh Start Menu nằm ở chính giữa phía dưới màn hình.

    Windows 12 lần đầu lộ diện: Giao diện 'từa tựa' MacOS, riêng dung lượng RAM yêu cầu cao hơn gấp đôi so với Windows 11 - Ảnh 1.

    Giao diện của Windows 12 lần đầu lộ diện dưới dạng thông tin bị rò rỉ. Ảnh: Deskmodder


    Tất nhiên, trong bối cảnh Microsoft đang dồn sức vào lĩnh vực AI, Thanh tìm kiếm được tích hợp thêm ChatGPT là điều đương nhiên sẽ xuất hiện trên Windows 12, giúp trải nghiệm người dùng trở nên tốt hơn đáng kể.

    Nhìn chung, sự thay đổi về mặt giao diện với Windows 12 của Microsoft có thể mang tới một số ý kiến trái chiều, đặc biệt từ những fan trung thành lâu năm của Windows, vốn ưa chuộng kiểu giao diện truyền thống hơn kiểu giao diện theo phong cách Mac. Tuy nhiên, Microsoft có thể vẫn sẽ cho phép người dùng có thể thoải mái tùy biến giao diện theo sở thích của mình, theo Deskmodder. Nếu có đủ kiến thức về 'vọc vạch' máy tính, người dùng có thể sử dụng các công cụ do các modder cung cấp để tùy biến sâu hơn giao diện của Windows.

    Cấu hình yêu cầu cao hơn Windows 11

    Cấu hình yêu cầu của Windows 12 về cơ bản không quá khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. Người dùng cần trang bị PC có tích hợp CPU có tối thiểu 2 nhân với xung nhịp thấp nhất là 1GHz. Kèm theo đó, thiết bị cần trống ít nhất 64GB dung lượng lưu trữ, hỗ trợ các tính năng như UEFI, TPM 2.0, DirectX 12, và tương thích WDDM 2.0, cùng một màn hình có độ phân giải 720p.

    Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất lại đến từ dung lượng bộ nhớ RAM yêu cầu. So với yêu cầu dung lượng RAM 4GB trên Windows 11, người dùng Windows 12 bắt buộc phải trang bị tối thiểu 8GB trên Windows 12.

    Đáng chú ý, người dùng các mẫu CPU đời cũ của Intel và AMD (thuộc thế hệ thứ 7 của Intel trở về trước / thuộc kiến trúc Zen 1 trở về trước) có thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của Windows 12. Theo đó, các dòng CPU này không hỗ trợ chuẩn TPM 2.0 – 'cần thiết' cho hoạt động của các phiên bản mới nhất của Windows. Điều này có nghĩa, người dùng buộc phải sử dụng các dòng CPU mới hơn từ Intel/AMD nếu muốn cài đặt Windows 12.

    Cũng phải nói thêm, cấu hình yêu cầu của Windows 12 vẫn chỉ mang tính chất tham khảo. Trên thực tế, giống như giống như các phiên bản Windows hiện tại, có sự khác biệt giữa những gì Microsoft khuyến nghị và những gì HĐH cần để khởi động. Nói cách khác, mặc dù trên Windows 11 yêu cầu người dùng trang bị tối thiểu 4GB RAM, hệ điều hành này vẫn có thể hoạt động với 3 hoặc 2GB, tất nhiên là với hiệu suất bị suy giảm.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ