Windows Phone có thể chết, nhưng tham vọng của Microsoft vẫn còn "sống" khi Surface Duo dùng Android
Mặc dù triển vọng để Microsoft ra mắt một chiếc điện thoại nền tảng Windows trong tương lai là cực kỳ khó, việc Surface Duo ra mắt đã cho thấy, tham vọng của hãng này với mảng di động không thực sự "chết" như chúng ta lầm tưởng.
Trong sự kiện diễn ra vào rạng sáng 3/10 theo giờ Việt Nam, Microsoft đã ra mắt mẫu smartphone 2 màn hình Surface Duo. Bất ngờ ở chỗ, Surface Duo giờ đây sử dụng hệ điều hành Android của Google – đối thủ từng một thời cạnh tranh trực tiếp với Microsoft.
Chứng kiến màn ra mắt của Surface Duo, không ít người dùng công nghệ, đặc biệt là những tín đồ của Windows Phone đã đặt ra câu hỏi: Tại sao Microsoft lại quyết định sử dụng Android, thay vì lựa chọn Windows 10X - phiên bản hệ điều hành dành riêng cho các thiết bị hai màn hình như chiếc Surface Neo vừa được ra mắt.
Trang CNEt thậm chí còn bình luận, phải chăng sẽ là hợp lý hơn nếu Surface Duo sử dụng nền tảng Windows 10 Mobile có sẵn, vốn có thể giúp Microsoft ‘tái khởi’ ở mảng di động sau thất bại thảm hại của Windows Phone.
Muốn bán chạy, Surface Duo cần sử dụng Android, thay vì Windows 10 Mobile
Trong cuộc phỏng vấn với CNET, Microsoft đã khẳng định, hãng sẽ tiếp tục hợp tác với Google để sử dụng Android. Thậm chí, giám đốc sản phẩm Microsoft là ông Panos Panay trong cuộc phỏng vấn với trang Wired còn "cam đoan", Microsoft hiện không có bất kỳ kế hoạch phát triển một mẫu smartphone sử dụng nền tảng Windows.
Trên thực tế, động thái "ghẻ lạnh" Windows Phone một cách đầy miễn cưỡng của Microsoft có ý nghĩa trên nhiều cấp độ. Từ quan điểm thực tế, sẽ là dễ dàng hơn cho Microsoft nếu hãng này đá lại "quả bóng trách nhiệm" cho Google, vốn đi đầu ở khả năng hỗ trợ một loạt ứng dụng trên các thiết bị màn hình gập. Chưa kể đến, Google cũng có đầy đủ công cụ, tài liệu và sự hỗ trợ cần thiết cho các nhà phát triển Android trong việc tạo ra ứng dụng cho loại thiết bị đặc biệt này.
Bên cạnh đó, lý do chính cho quyết định lựa chọn Android đến từ chính trải nghiệm ‘đau thương’ của Microsoft. Cha đẻ của hệ điều hành Windows có thể vẫn đang độc bá ở mảng PC, nhưng lại không còn tiếng nói ở thị trường di động. Hãng này hiểu rõ, người dùng năm 2019 muốn mua một chiếc điện thoại Android, thay vì một chiếc smartphone cài đặt Windows Phone.
Nói cách khác, với thực tế Android đang kiểm soát phần lớn thị trường di động toàn cầu, Microsoft đã quá thấm thía về thất bại thảm hại của mình trước Google (và iOS của Apple), khi doanh số bán các mẫu Windows Phone quá thấp đã buộc hãng phải đóng mảng kinh doanh điện thoại.
Windows Phone có thể chết, nhưng tham vọng của Microsoft vẫn còn "sống"
Nhìn lại về cách đây hàng chục năm, Microsoft từng được xem như là một trong những cái tên tiên phong của thị trường điện thoại thông minh và được hết sức nể trọng. Đã có lúc, phiên bản hệ điều hành Windows Mobile 6 của Microsoft từng chiếm tới 30% thị phần, mặc cho bị cạnh tranh dữ dội bởi những địch thủ đáng gờm như Palm, BlackBerry, Symbian…, vốn đều đang trong thời kỳ hoàng kim.
Thế nhưng, tình hình bỗng nhiên tồi tệ hơn với Microsoft vào thời khắc Steve Jobs đứng trên sân khấu tại hội thảo Macworld để giới thiệu iPhone thế hệ đầu tiên vào ngày 9/1/2007. Với dòng người xếp hàng dài khi iPhone lên kệ tại Mỹ 5 tháng sau đó, chiếc smartphone này đã tạo nên một cơn sốt chưa từng có.
Không lâu sau đó, Google cũng chính thức gia nhập cuộc chơi khi giới thiệu hệ điều hành Android, cho phép các hãng công nghệ như Samsung, LG, HTC… sử dụng Android với một chi phí hợp lí nhằm cạnh tranh và đón đầu một xu hướng mới.
Chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Google với Android, hay iOS của Apple, tất cả những gì Microsoft có thể trả đòn là sự ra mắt thất bại lần lượt từ Windows Phone 6.5, Windows Phone 7 cho tới Windows Phone 8 và Windows 10 Mobile. Điểm chung của tất cả các phiên bản này hoặc quá nghèo nàn về tính năng, hoặc quá thiếu các ứng dụng cần thiết cho người dùng so với iOS và Android.
Chưa kể đến, bản thân Microsoft cũng phạm phải quá nhiều sai lầm chiến lược trong cách quản lý và phát triển Windows Phone, và người phải chịu trách nhiệm lớn nhất không ai khác ngoài Steve Ballmer – CEO của Microsoft giai đoạn 2000-2014.
Đương nhiên, những nỗ lực sau này từ Microsoft như thiết kế lại hệ điều hành, hay thậm chí là mua lại mảng di động của Nokia cũng không giúp Windows Phone thay đổi được số phận. Thị phần đã không còn, người dùng chuyển sang Android hay iOS, và Windows Phone bị âm thầm khai tử một cách không chính thức.
Tuy nhiên, với một hãng công nghệ hàng đầu như Microsoft, thất bại đương nhiên không có nghĩa là sẽ bỏ cuộc hoàn toàn, theo nhận định của Cnet. Trên thực tế, việc chúng ta được chứng kiến một thiết bị di động mới của Microsoft đã cho thấy, tham vọng của hãng này với mảng di động không thực sự "chết" như chúng ta lầm tưởng.
Mặc dù triển vọng để Microsoft ra mắt một chiếc điện thoại nền tảng Windows trong tương lai là cực kỳ khó, việc Surface Duo được trình làng vẫn cho thấy bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, chí ít là trong tương lai – CNET dự đoán.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI