World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân?

    zknight,  

    Súc miệng như một thứ ma thuật giúp họ có thêm sức mạnh.

    Trong tất cả các trận đấu của đội tuyển Anh tại World Cup năm nay, người ta có thể thấy Harry Kane thích súc miệng và nhổ nước ra sân hơn là uống vào bụng.

    Sau hơn 30 phút đá hiệp phụ với Colombia ở vòng đấu loại trực tiếp, anh lấy một chai nước rồi phun vào miệng. Và hình ảnh quen thuộc lại diễn ra, đội trưởng đội tuyển Anh không nuốt nước mà nhổ cả ra. Anh làm vậy để chuẩn bị cho loạt sút luân lưu?

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 1.

    Harry Kane thích súc miệng và nhổ nước ra sân hơn là uống vào bụng

    Trong trận bán kết gặp Croatia, các cầu thủ khác của đội tuyển Anh chẳng hạn như tiền vệ Dele Alli cũng đã làm điều tương tự. Dường như việc súc miệng đã trở thành một phần chiến thuật của đội tuyển Anh, khi các cầu thủ bắt đầu mệt mỏi và thi đấu xuống sức. Đáng tiếc là nó đã không giúp họ thắng được Croatia để có mặt tại chung kết.

    Nhiều ngôi sao khác, chẳng hạn như Cristiano Ronaldo và Mbappe cũng thường súc miệng rồi nhổ ra sân. Bạn có thể đoán một số cầu thủ chỉ đơn giản làm vậy cho đỡ khô miệng, một số khác không muốn uống nước vì sẽ khiến họ bị xóc bụng.

    Nhưng thực ra, các nhà khoa học thể thao cho biết súc miệng là một mẹo gian lận hợp pháp của các cầu thủ. Và nước mà họ sử dụng không phải nước thường, chúng đều là dung dịch carbohydrate, chẳng hạn như maltodextrin có chứa rất nhiều năng lượng.

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 2.

    Tiền vệ Dele Alli của đội tuyển Anh trong một hành động quen thuộc: súc miệng bằng carbohydrate

    Sau hơn 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thể thao đã xác nhận việc súc miệng bằng dung dịch carbohydrate (sau đó nhổ nó ra chứ không nuốt vào) giúp răng cường hiệu suất thi đấu, đặc biệt là trong các bộ môn đòi hỏi sức bền.

    Về cơ bản, đó là một mẹo đánh lừa não bộ. Dung dịch carbohydrate ở trong miệng kích hoạt các thụ thể gửi tín hiệu đến não, nói rằng cầu thủ đang ăn đường và năng lượng đang được nạp vào. Não bộ sẽ phản ứng lại bằng cách cho phép các cơ bắp hoạt động mạnh hơn thay vì tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nó cũng bị đánh lừa để họ không còn thấy mệt nữa.

    Năm 2004, một nghiên cứu được tiến hành bởi Asker Jeukendrup, nhà sinh lý học và chuyên gia dinh dưỡng thể thao tại Đại học Loughborough ở Anh phát hiện: Việc súc miệng bằng dung dịch carbohydrate đã giúp các vận động viên đạp xe nâng cao thành tích. Trong khi đó, súc miệng bằng nước thường không có tác dụng.

    Một nghiên cứu khác thực hiện trên những vận động viên chạy bộ cũng cho kết quả tương tự, khi những ai súc miệng bằng maltodextrin (một dẫn xuất tinh bột không hương vị) chạy được quãng đường xa hơn những người súc miệng bằng nước thường.

    Và trong khi dung dịch carbohydrate không ngọt như maltodextrin có tác dụng, súc miệng bằng nước chứa đường hóa học, hay còn gọi là chất ngọt nhân tạo lại không cho hiệu quả.

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 3.

    Sergio Ramos của đội tuyển Tây Ban Nha

    Tại World Cup 2018, đội tuyển quốc gia Anh đã từ chối thảo luận về chiến thuật dinh dưỡng của họ. Tuy nhiên, một người quen biết với họ cho biết súc miệng bằng cardohydrate là điều thường thấy trong quá khứ ở đội tuyển Anh, thậm chí, họ còn coi đó là một cách gian lận thông dụng nhưng không phạm luật.

    Một viên chức tại giải Ngoại hạng Anh nói rằng súc miệng bằng carbohydrate là mẹo dùng để tăng cường năng lượng và ngăn ngừa chuột rút. Các nhà khoa học cho biết nó có tác dụng giống với việc uống carbohydrate, nhưng không gây xóc hay nặng bụng khi các cầu thủ tiếp tục thi đấu.

    Nghiên cứu cũng chỉ ra thời gian súc miệng tối ưu nhất, nói rằng các cầu thủ nên đẩy dung dịch carbohydrate xung quanh miệng từ 5-10 giây, sau đó mới nhổ ra. Thời gian càng lâu, các thụ thể càng có cơ hội tiếp xúc với carbohydrate và gửi tín hiệu mạnh hơn về não bộ.

    Thật tuyệt vời khi thấy khoa học được áp dụng vào thể thao”, Jeukendrup nói.

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 4.

    Thủ môn Hugo Lloris của đội tuyển Pháp

    Trong khi lợi ích về mặt sức bền đã được chứng minh, việc súc miệng bằng carbohydrate vẫn đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu nó có giúp cải thiện các kỹ năng cụ thể trong bóng đá?

    Có những nghiên cứu cho thấy tác động tích cực của carbohydrate đến việc đi bóng, chuyền và chọn điểm rơi. Nhưng cũng có những nghiên cứu khác cho thấy nó không có tác dụng. Jeukendrup cho biết đó là điều bình thường ở thời điểm này.

    Đo lường kỹ năng trong bóng đá là điều vô cùng phức tạp. Có rất nhiều biến số ảnh hưởng đến chúng, trong khi khoa học trong lĩnh vực này chưa phát triển đủ lâu. Sẽ vẫn còn hàng loạt câu hỏi, đại loại như:

    Liệu việc súc miệng bằng carbohydrate nó có ảnh hưởng đến chức năng nhận thức? Khả năng ra quyết định? Thời gian phản ứng của cầu thủ?

    Liệu việc súc miệng có cho phép cầu thủ đi bóng nhanh hơn một chút vào 15 phút cuối cùng của trận đấu? Liệu nó có khiến họ tỉnh táo để quyết định nhanh hơn một giây? Hoặc giúp một tiền đạo tung ra cú sút chính xác và hiểm hóc hơn?

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 5.

    Một khoảng khắc thú vị của Cristiano Ronaldo khi ăn súc miệng rồi nhổ ra sân

    Liệu có phải chính việc hay súc miệng bằng carbohydrate đã giúp đội tuyển Anh trong hơn 30 phút hiệp phụ với Colombia ở vòng đấu loại trực tiếp. Nó góp phần thế nào vào chiến thắng của họ trên chấm 11m?

    "Tôi sẽ không nghĩ xa xôi đến vậy", Ian Rollo, nhà khoa học cao cấp tại Viện Khoa học Thể thao Gatorade ở Anh cười. Tại thời điểm này, không có dữ liệu khoa học nào có thể xác nhận việc súc miệng bằng carbohydrate đóng góp vào thành công của một quả penalty.

    Tuy nhiên, Rollo khuyến khích các cầu thủ, và bất cứ ai có thể áp dụng mẹo nhỏ này vào đời sống. Việc súc miệng bằng carbohydrate không gây hại, ngoại trừ việc nguy cơ bị sâu răng sẽ tăng lên một chút vì đồ uống có đường. "Vậy tại sao bạn không làm điều đó?", Rollo nói.

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 6.

    Shinji Kagawa của đội tuyển Nhật Bản

    Unit Nutrition, một công ty tại New York đã tung ra thị trường một sản phẩm nước súc miệng carbohydrate phiên bản thương mại. Và các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Michigan đang tìm hiểu xem nó có tác dụng với vận động viên, hay thậm chí là sinh viên trong hoạt động học tập của họ hay không.

    Họ tiến hành các thí nghiệm đo lường hoạt động não bộ của sinh viên đại học. Kết quả sơ bộ cho thấy việc súc miệng bằng carbohydrate tạo ra phản ứng tăng hiệu suất kéo dài khoảng 15 phút. Nó dừng như có tác dụng chống mệt mỏi và tăng cường tập trung, phó giáo sư David Ferguson, một nhà sinh lý học thể thao tại Đại học Bang Michigan cho biết.

    Tuy nhiên, ông nói rằng việc súc miệng bằng carbohydrate không giúp các cầu thủ “chạy nhanh hơn hoặc tung ra cú sút hiểm hóc hơn”. "Nó chỉ đơn giản tối đa hóa sự tập trung của họ, để họ không bị mệt mỏi. Nhờ vậy, các cầu thủ có thể giữ được phong độ và chơi tốt như năng lực của họ”.

    World Cup 2018: Tại sao các cầu thủ thi nhau súc miệng rồi nhổ nước ra sân? - Ảnh 7.

    Ngôi sao trẻ đang nổi Mbappe cũng không ngoại lệ, đây là một khoảnh khắc súc miệng của anh

    Khi trận đấu của tuyển Anh với Colombia bước vào loạt sút luân lưu, đã quá muộn để nạp carbohydrate vào máu. Nhưng có lẽ vẫn chưa muộn để “tăng cường trí não” từ việc súc miệng với carbohydrate, Trent Stellingwerff, một giám đốc tại Viện Thể thao Canada cho biết.

    Ông là đã xem hết trận đấu với vai trò là một người từng nghiên cứu hành động súc miệng với carbohydrate.

    "Bạn sẽ vận dụng mọi mẹo trong sách, để cố gắng tối đa hóa sự tập trung nhận thức sau 2 giờ của một trận đấu khá khốc liệt", Stellingwerff nói. “Liệu có một khoa học đằng sau [việc súc miệng bằng dung dịch chứa carbohydrate] trong bóng đá? Không, đó là điều tôi chưa dám chắc. Nhưng nó có gây phản tác dụng không? Tuyệt đối không”.

    Có thể các cầu thủ đang tin vào việc súc miệng như một thứ ma thuật đem lại cho họ thêm sức mạnh. Nhưng nếu bạn là họ, dám cá là bạn cũng sẽ thử.

    Tham khảo Nytimes, Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ