Xác ướp Ai Cập hàng nghìn năm tuổi có mùi gì?

    Anh Việt,  

    Một nghiên cứu mới đây đã phân tích mùi của xác ướp Ai Cập cổ đại, và kết quả cho thấy chúng không hề đáng sợ như nhiều người nghĩ. Vậy những xác ướp hàng nghìn năm tuổi này thực sự có mùi gì?

    Hơn 3.000 năm trôi qua, người ta có thể tưởng tượng rằng các xác ướp Ai Cập phải bốc mùi kinh khủng, nhưng thực tế lại khác xa. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy các xác ướp vẫn giữ được mùi hương khá dễ chịu nhờ vào các loại dầu thơm và sáp được sử dụng trong quá trình ướp xác.

    Theo nghiên cứu được công bố trên Journal of the American Chemical Society, một nhóm các chuyên gia về khứu giác đã tiến hành phân tích mùi của chín xác ướp tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, trong đó có những xác ướp có niên đại từ khoảng năm 1539 TCN. Bằng cách kết hợp cảm nhận của các chuyên gia và phân tích hóa học, họ phát hiện ra rằng phần lớn các xác ướp tỏa ra mùi gỗ, mùi cay nồng và cả hương ngọt nhẹ, thay vì mùi hôi thối như nhiều người tưởng tượng.

    Xác ướp Ai Cập hàng nghìn năm tuổi có mùi gì?- Ảnh 1.

    Theo thống kê từ nhóm nghiên cứu, 78% xác ướp có mùi gỗ, 67% có mùi cay nồng và 56% có hương ngọt nhẹ. Chỉ 33% trong số đó có dấu hiệu mùi ôi thiu hoặc ẩm mốc, trong khi một số khác còn mang theo mùi hương trầm giống như nhang. Các nhà khoa học cũng đánh giá mức độ mùi của xác ướp là "trung bình", với tông mùi tổng thể nghiêng về hướng "hơi dễ chịu".

    Không chỉ dựa vào cảm nhận của con người, nhóm nghiên cứu còn sử dụng một thiết bị "mũi điện tử" để phân tích các hợp chất bay hơi phát ra từ xác ướp. Họ xác định được sự có mặt của pinene, limonene và verbenone, những hợp chất thường có trong nhựa thông, gỗ tuyết tùng, trầm hương, nhựa cây myrrh, nhựa thơm frankincense, cũng như các loại thảo mộc như xạ hương, oải hương, bạch đàn.

    Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng các xác ướp trưng bày có mùi mạnh hơn và phức tạp hơn so với những xác ướp được lưu trữ. Nguyên nhân có thể là do các hợp chất bay hơi bị tích tụ trong các tủ trưng bày, tạo ra sự pha trộn giữa mùi nguyên bản từ quá trình ướp xác và các hợp chất từ bảo quản hiện đại, như thuốc trừ sâu, dầu thực vật và vi khuẩn.

    Dựa trên kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đề xuất rằng mùi hương của xác ướp cũng là một phần quan trọng của di sản khảo cổ và văn hóa, cần được bảo tồn giống như cách mà chúng ta bảo vệ các hiện vật lịch sử khác. Điều này đặt ra một hướng đi mới trong việc bảo quản xác ướp, không chỉ tập trung vào hình thức mà còn chú trọng đến giá trị "di sản khứu giác" của chúng.

    Anh Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ