"Xấu số" như laptop và tablet mang tên Google Pixel: Hiếm khi được "cha đẻ" duy trì quá 1 năm
Gần như năm nào Google cũng khai tử dòng tablet/laptop của năm trước để vén màn một dòng sản phẩm mới.
Khi những chiếc smartphone Pixel liên tục cách mạng hóa lĩnh vực nhiếp ảnh di động, có lẽ chỉ còn rất ít người nhớ được cội nguồn thực sự của tên gọi "Pixel". "Pixel" ban đầu không nói đến pixel trên cảm biến camera, mà là tới những tấm màn siêu sắc nét trên laptop và tablet của riêng Google. Năm 2013, Google vén màn ChromeBook Pixel với tấm màn 12,8 inch độ phân giải 2560 x 1700. Năm 2015, bên cạnh bản nâng cấp của ChromeBook Pixel và cả 2 mẫu điện thoại Nexus cuối cùng, Google vén màn tablet Pixel C chạy Android trên tấm màn 10.2 inch độ phân giải 2560 x 1800.
Điểm khởi đầu của Google Pixel là trên laptop chứ không phải smartphone.
Khởi đầu là vậy nhưng khi smartphone Pixel tiếp tục gây sốc trên lĩnh vực camera thì laptop và tablet Pixel không có gì ngoài những thất bại muối mặt. Năm 2016, khi ra mắt chiếc điện thoại Pixel đầu tiên, Google hoàn toàn không đả động gì đến tablet hay laptop. Năm 2017, thay vì phát triển tiếp tablet Android, Google loại quay về phát triển laptop Chrome OS có tên gọi Pixelbook. Lịch sử của cả tablet Pixel chạy Android lẫn ChromeBook Pixel đều chấm dứt tại đây.
Năm 2018, Google không sản xuất thiết bị lai nữa. Pixelbook không có phiên bản 2 mà bị thay thế hoàn toàn bởi một chiếc tablet lai mang tên gọi Pixel Slate. Dù mang kiểu dáng chính là tablet nhưng Pixel Slate lại chạy Chrome OS, cùng lúc hỗ trợ ứng dụng Android.
Những tưởng tầm nhìn đa dạng này sẽ mang lại thành công thì chỉ vài tháng sau, tháng 6 năm 2019, Google đã khẳng định sẽ khai tử toàn bộ dòng sản phẩm Pixel Slate, sẽ ngừng phát triển thiết bị lai. Sau tất cả, Google lại quay trở về phát triển laptop chạy ChromeOS, và lần này sản phẩm được đặt tên Pixelbook Go.
Pixel C: Điểm khởi đầu và cái kết cho tablet Pixel chạy Android.
Pixel Slate: Cả dòng sản phẩm bị khai tử khi mới chỉ 8 tháng tuổi đời.
Nếu bạn đọc đến đây và cảm thấy rối loạn thì hãy tóm tắt một cách đơn giản như thế này: trong lịch sử của gia đình Google Pixel, trừ smartphone ra, chỉ có duy nhất ChromeBook Pixel và Pixelbook là có đến thế hệ thứ hai. Chẳng có bất kỳ một dòng laptop hay tablet nào của Google được làm mới thường niên theo cùng một cách Apple làm mới iPad, Microsoft làm mới Surface. Năm này qua năm khác Google vẫn cứ loay hoay chuyển qua chuyển lại giữa laptop, tablet và thiết bị lai, giữa Chrome OS và Android – riêng Pixel Slate chạy Chrome OS lại còn được quảng bá hỗ trợ hết ứng dụng Android nữa chứ! Đến tận năm 2019, Google vẫn chưa có một thành công nào cả.
Ngay cả số phận của Pixelbook Go có lẽ cũng sẽ chẳng sáng sủa cho lắm. Mức giá 650 USD của chiếc laptop này quả thật là đã rẻ hơn rất nhiều so với mức giá 1500 USD của ChromeBook Pixel ngày trước, nhưng khung giá này vẫn là quá đắt để lựa chọn ChromeBook thay vì laptop chạy Windows. Ngay đến cả một sản phẩm tương đối cao cấp như Surface Pro 6 cũng có giá khởi điểm chỉ còn 700 USD mà thôi. Chắc chắn sẽ chẳng có ai dại dột tới mức tiết kiệm 50 USD để rồi phải chấp nhận trải nghiệm tù túng của Chrome OS cả.
Tệ hại nhất, cây bút stylus được bán kèm Pixelbook năm 2017 giờ cũng không hề tương thích với Pixelbook Go. Apple và Microsoft không phải là hoàn hảo, nhưng cũng sẽ không đưa ra những chiến lược sản phẩm rối loạn và gây khó cho người dùng như vậy.
Sản phẩm của Google thực sự không có cửa để cạnh tranh với Microsoft hay Apple.
Đến cuối cùng, ChromeBook của Google sẽ chẳng bao giờ có cửa cạnh tranh với Microsoft khi Chrome OS vẫn chỉ là một hệ điều hành quá giới hạn tập trung cho phần cứng giá siêu rẻ. Tablet của Google cũng chẳng thể nào cạnh tranh với iPad: khởi điểm 300 USD, chất lượng trải nghiệm phần mềm trên iPad là không có đối thủ. Trong cuộc chiến tablet và laptop, Google chỉ có thể chuốc lấy thất bại trước những kẻ đi trước.
Mà chừng nào Google còn tìm được một tầm nhìn thực tế và hiệu quả, những chiếc tablet và laptop mang tên Pixel sẽ còn tiếp tục lận đận. Hoặc là, Google sẽ chấm dứt tất cả và làm điều mà ai cũng nhìn thấy từ lâu: từ bỏ cuộc chơi, bởi đánh bại Apple và Microsoft thực sự là bất khả thi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming