Tiêu chí "nhanh và rẻ" của xe buýt Hà Nội gần như không còn tác dụng trong thời điểm hiện tại.
Mới đây, UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông vận tải và Tổng công ty Vận tải đã phối hợp tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng và phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
Nhiều chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ những hạn chế trong việc phát triển xe buýt. Trong đó, những người làm giao thông chủ yếu chỉ vào vấn đề hạ tầng cơ sở phục vụ xe buýt.
Đáng chú ý, khi nói Về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt tại Hà Nội, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng ủy ban ATGT quốc gia đưa ra ý kiến: “Nếu không thể tăng số lượng xe thì còn cách là đưa xe 2 tầng vào hoạt động”.
TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng ủy ban ATGT quốc gia. Ảnh: Khánh An.
Vấn đề sử dụng xe buýt 2 tầng đã được người dân quan tâm từ rất lâu. Chính vì vậy, khi TS. Trần Hữu Minh đưa ra thông tin này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
- Thưa ông, nhiều người cho rằng việc áp dụng xe buýt 2 tầng ở các thành phố lớn không phải là một ý tưởng mới?
- Đúng vậy. Giải pháp này không có gì mới. Trên thế giới, người ta đã làm từ hàng chục năm nay. Đến nay có rất nhiều nước trên thế giới đã dùng xe buýt 2 tầng để vận chuyển hành khách công cộng thường xuyên như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Canada…
Tại Châu Á, các quốc gia như Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản... đều đã sử dụng xe buýt 2 tầng cho các tuyến có nhu cầu đi lại lớn.
- Tại sao đến bây giờ, ông vẫn đề xuất ý tưởng sử dụng xe buýt 2 tầng ở Hà Nội?
- Sau giai đoạn phát triển “thần kỳ” của xe buýt Hà Nội (đầu những năm 2000) với tiêu chí “nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy”, hiện nay, sản lượng xe buýt Hà Nội đang có xu hướng giảm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Tôi cho rằng, xe buýt hiện nay không nhanh được hơn xe đạp. Do phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh, xe buýt không được ưu tiên phải vật lộn trong dòng phương tiện cá nhân.
Thêm nữa, giới trẻ hiện nay sử dụng xe đạp điện với tốc độ nhanh hơn xe đạp truyền thống và tiện lợi hơn xe buýt.
Giá vé xe buýt rẻ hơn chi phí đi xe máy. Tuy nhiên, thời gian đi lại bằng xe buýt quá dài khiến phương tiện này trở lên đắt hơn xe máy (về mặt kinh tế) đối với rất nhiều người dân đang làm việc.
Bởi vậy trong bối cảnh ngày càng nhiều nhiều hành khách “bỏ rơi” xe buýt, không thu hút được thêm hành khách mới, việc sụt giảm sản lượng buýt tại Hà Nội (và kể cả TP.HCM) là điều dễ hiểu.
Có thể thấy những khẩu hiểu và tiêu chí ngày nào làm nên sự phát triển đột phá “thần kỳ” của xe buýt Hà Nội đã gần như không còn tác dụng. Chính vì vậy, tôi cho rằng, giải pháp xe buýt 2 tầng sẽ xử lý được vấn đề quá tải và chất lượng dịch vụ trên xe là hợp lý ở thời điểm này.
Thực tế cho thấy có nhiều tuyến xe buýt Hà Nội đã vượt xa công suất thiết kế. Có những tuyến hệ số sử dụng ghế xe lên tới 140-200% vào giờ cao điểm.
Nếu đứng ngoài quan sát, chúng ta có thể thấy kinh ngạc vì xe buýt hiệu quả, có thể chở được nhiều người. Nhưng với những người phải đứng trên xe buýt trong một điều kiện chật chội như vậy thì quả thật quá kinh hoàng.
Tôi và nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem lại giới hạn công suất để bảo đảm tiện nghi cho hành khách trên xe buýt.
- Theo đề án của ông, nếu áp dụng, xe buýt 2 tầng nên chạy theo tuyến nào ở Hà Nội? Hà Nội sẽ cần bao nhiêu xe buýt 2 tầng?
- Không phải tuyến nào cũng cần xe buýt 2 tầng. Nguyên tắc chung là sử dụng phương tiện này tại những tuyến xe buýt có lưu lượng hành khách lớn hoặc đang quá tải về công suất nhưng không thể tăng thêm số lượng xe buýt.
Tôi cho rằng, việc sử dụng xe buýt 2 tầng chạy trên tuyến nào, cần bao nhiêu xe thì cần có khảo sát chi tiết về nhu cầu, hạ tầng, thực trạng giao thông...
Theo đánh giá sơ bộ tại Hà Nội, các tuyến trục chính như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy Xuân Thủy, Giải Phóng, Ngọc Khánh, Nguyễn Thái Học, vành đai III... đều có thể sử dụng xe buýt 2 tầng.
Cần lưu ý là việc sử dụng xe buýt 2 tầng rất linh hoạt. Vào giờ thấp điểm có thể dùng xe buýt 1 tầng, trong khi vào giờ cao điểm cùng tuyến đó có thể dùng xe buýt 2 tầng.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Minh nếu xe buýt 2 tầng được đưa vào sử dụng ở Hà Nội sẽ rất nhiều vấn đề phải tính toán lại. Ảnh minh họa: EJ.
- Việc áp dụng xe buýt 2 tầng liệu có giảm được tình trạng tắc đường ở Hà Nội không, thưa ông?
- Theo logic mà phần lớn các chuyên gia đều đồng ý, khi có thêm công suất xe buýt sẽ tăng khả năng chuyên chở và giảm số lượng phương tiện cơ giới cá nhân. Qua đó tôi cho rằng, chắc chắn sẽ giúp giảm ách tắc giao thông. Đây là điều mà phần lớn chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy.
Để phát huy tối đa tác dụng của xe buýt 2 tầng trong giảm ùn tắc, cần phải có thêm nhiều các giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể, phải có không gian ưu tiên cho xe buýt tại các nút để xe thoát qua nút nhanh hơn, kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè để có không gian cho người đi bộ tiếp cận xe buýt, wifi miễn phí trên xe buýt...
- Ông có thể tính toán nếu áp dụng xe buýt 2 tầng ở Hà Nội sẽ giảm được bao nhiêu % tắc đường?
- Muốn biết xe buýt 2 tầng giảm ách tắc bao nhiêu % thì phải qua tính toán cụ thể bằng những mô hình mô phỏng giao thông đã được hiệu chỉnh và kiểm định trong điều kiện thực tế cụ thể.
Những công cụ mô phỏng giao thông hiện đại như CUBE, VISUM, VISSIM, SATURN... Một số cơ sở nghiên cứu về giao thông vận tải Việt Nam đã có công cụ này. Nếu có yêu cầu, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá cụ thể tác dụng giảm ùn tắc của xe buýt 2 tầng.
- Nhiều chuyên gia lo lắng, cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện nay chưa phù hợp với xe buýt 2 tầng?
- Theo các quy định hiện nay, xe buýt 2 tầng có thể đưa vào vận hành mà không gặp khó khăn gì lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số tuyến đường có thể chạy được ngay nhưng có một số địa điểm không phù hợp như có cầu vượt, đường dây điện… Nhưng hoàn toàn có thể có giải pháp kỹ thuật khắc phục để cho hạ tầng trở nên phù hợp cho xe buýt 2 tầng.
Các thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các thành phố khác đều có thể áp dụng loại xe buýt này.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI