Các loại xe điện cần phải nhẹ, cho nên nó phải được tạo ra từ các kim loại cao cấp. Viên pin Lithium là ví dụ, nó rất nhẹ và có hiệu năng cao và đó là lí do pin trên xe điện cung cấp nhiều năng lượng mà không khiến xe nặng thêm.
Vậy là Elon Musk đã trình làng chiếc Tesla Model 3. Nếu bạn có ý định mua một chiếc xe điện thì có lẽ bạn đang cảm thấy rất tốt về bản thân bởi vì theo Tesla, nó không chỉ là chiếc xe mạnh mẽ mà nó còn hoàn toàn không thải những chất gây ô nhiễm cho môi trường như xe chạy bằng xăng bình thường.
Tuy nhiên, công ty Tesla có thực sự "xanh" không? Công ty đầu tư nghiên cứu về công nghệ Devonshire vừa qua đã tiến hành một cuộc điều tra và kết luận rằng những lợi ích về mặt môi trường của Tesla là một sự cường điệu hóa. Devonshire không nói Tesla gian lận về khí thải như Volkswagen hay thải ra khói như những chiếc xe chạy xăng thông thường nhưng họ cho rằng Tesla đang thải ra các chất gây ô nhiễm môi trường theo một cách khác. Mỗi công đoạn sản xuất ra chiếc xe điện thì nó sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường không nhỏ, mặc dù nó không rõ ràng như những làn khói được thải ra trên xe ô tô nguyên thủy.
Hãy bắt đầu với những điều cơ bản nhất. Xe điện không cần nhiên liệu xăng nhưng nó vẫn cần năng lượng từ việc đốt cháy phân tử carbon. Nó sẽ phụ thuộc vào việc dòng điện được tạo ra như thế nào trong xe. "Nếu bạn dùng công nghệ tái tạo điện năng bằng cách đốt cháy than đá thì nó không tốt hơn xe chạy bằng xăng mấy", nhà nghiên cứu Virginia McConnell từ công ty Resources for the Future cho biết. Nếu hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió thì lúc ấy xe điện sẽ tương đối thân thiện với môi trường nếu xét về khía cạnh chất thải.
Hơn nữa, việc sản xuất xăng để làm nguyên liệu cho xe cũng không phải đơn giản, các công đoạn tạo ra xăng như lọc, xử lí và vận chuyển sẽ thải ra carbon vào môi trường. Để so sánh, năng lượng để làm ra 1 galông (khoảng 3,8 lít) xăng đủ để xe Tesla Model S chạy trong 20 dặm (khoảng 32km). Theo phát biểu của đại diện Tesla, mỗi chiếc Model S sẽ thải ra lượng carbon/dặm ít hơn 4 lần so với xe thông thường.
Đằng sau làn khói thải
Tuy nhiên khi xem xét các khía cạnh khác thì mọi chuyện lại bắt đầu phức tạp thêm. Các loại xe điện cần phải nhẹ, cho nên nó phải được tạo ra từ các kim loại cao cấp. Viên pin Lithium là ví dụ, nó rất nhẹ và có hiệu năng cao và đó là lí do pin trên xe điện cung cấp nhiều năng lượng mà không khiến xe nặng thêm. Mặt khác, các kim loại hiếm cũng được sử dụng khắp trên xe, chủ yếu là nam châm hiếm.
Những kim loại hiếm này đến từ các nơi khác - thường là các mỏ khoáng sản hủy hoại môi trường. Tuy nhiên nó không chỉ cung cấp cho mỗi Tesla. Các loại xe điện khác cũng sử dụng các kim loại đến từ những nguồn này. Thậm chí cả những tấm pin mặt trời cũng sử dụng những hợp chất được khai thác từ các mỏ khoáng sản trên và việc làm ra nó cũng không "xanh" mấy, theo lời của ông David Abraham, tác giả cuốn sách The Elements of Power.
Các kim loại hiếm chỉ tồn tại với số lượng rất nhỏ và phải đào rất nhiều, rất sâu mới đủ để khai thác được số lượng cần thiết. Ở các mỏ khoáng sản tỉnh Giang Tây (trung Quốc), các công nhân phải đào các cái lỗ sâu đến 2,4 mét và đổ amoni sunfat vào để làm tan lớp đất sét, sau đó họ sẽ múc từng lớp đất trong cái lỗ đó rồi dùng axít để tách lọc. Các hạt kim loại hiếm nhỏ li ti được tách ra sẽ được nung chảy và thành phẩm được chuyển đến các công ty công nghệ.
Khối lượng kim loại hiếm này chỉ chiếm khoảng 0,25 tổng khối lượng đất đá được đào lên. 99,8% số đất đá đã nhiễm chất hóa học còn lại sẽ bị thải ra môi trường. Tác hại của nó không thể lường trước được, tương tự như tác hại của việc tràn dầu ở biển.
Việc đào mỏ khoáng sản gây ra sự ô nhiễm tiềm ẩn, khai thác kim loại ở tỉnh Giang Tây tương đối dễ vì chỉ cần đào lớp đất sét nhưng đối với các địa hình nhiều đá khác thì phải dùng thiết bị chuyên dụng để phá đá, hơn nữa các lò nấu kim loại phải dùng than đá để vận hành. Những việc trên thải ra rất nhiều khí carbon dioxide (CO2) ra môi trường. Thực tế, việc sản xuất ra xe chạy điện thải ra nhiều carbon hơn so với xe thông thường, chủ yếu là vì hệ thống pin của nó, theo Union of Concerned Scientists cho biết.
Tuy các xe điện thải ra ít chất độc hại trong quá trình vận hành hơn xe thông thường, nhưng các khách hàng và nhà đầu tư cần nên biết rõ quá trình làm ra xe như thế nào. "Chúng ta không thể nói các mỏ khai thác khoáng sản không liên quan gì đến Tesla. Thực chất, chúng liên quan với nhau một cách phức tạp", ông Abraham cho biết.
Sự sống sau cái chết
Sau 15 năm, khi chiếc xe Tesla Model 3 đã đến lúc tàn lụi. Vậy khối pin trong xe sẽ đi về đâu? Tin tốt là nó sẽ không bị thải ra bãi phế liệu. theo nhà nghiên cứu Shanika Amarakoon, công nghệ pin hiện nay cho phép các nhà sản xuất tái chế được rất nhiều từ những viên pin cũ.
Tesla Model S.
Viên pin trên xe điện của Tesla có khối lượng không nhỏ, ví dụ như trên mẫu Model S là 500kg. Khối lượng của nó lớn hơn nhiều so với các viên pin trong nhà máy tái chế cho nên việc tái chế nó sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn bình thường, hơn nữa hiện nay số lượng nhà máy tái chế pin không nhiều. "Thử thách chúng ta gặp phải khi tái chế pin là rất lớn vì công nghệ tái chế hiện nay chưa phát triển để việc tái chế trở nên có lợi về mặt kinh tế", Abraham cho biết. Nhưng có lẽ nó sẽ thay đổi khi xe điện trở thành phương tiện thông thường của thế giới. Càng nhiều khối pin được sản xuất thì càng nhiều động lực để con người tìm cách tái chế chúng.
Theo đại diện Tesla cho biết, họ đã tái chế những bộ pin bị gửi trả và trong tương lai họ sẽ đẩy mạnh việc này cùng với sự phát triển của xe ô tô chạy điện.
"Chúng ta cần hiểu rõ chúng ta đang làm gì và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến môi trường. Hy vọng rằng nếu mọi người mua nhiều phương tiện di chuyển chạy bằng điện, công nghệ làm ra chúng sẽ phát triển hơn nữa", Abraham cho biết.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI