Đây cũng là chiếc smartphone có kích thước to bằng nửa viên gạch xây nhà.
Smartphone đầu tiên trên thế giới? Khi đưa câu hỏi này ra, chắc hẳn sẽ có bạn nghĩ rằng chiếc iPhone của Apple đích thị là smartphone đầu tiên xuất hiện trên thế giới, hoặc cũng sẽ có người bác bỏ rằng nó phải là sản phẩm của Nokia.
Thật ra nó không phải sản phẩm của nhà "Táo", cũng chẳng phải của đại gia "nồi đồng cối đá", mà nó lại là đứa con đến từ thương hiệu IBM. Vậy chiếc smartphone cụ tổ đó là gì, lai lịch ra sao, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trước khi đi vào phần so sánh với smartphone ngày nay.
IBM Simon (tên đầy đủ là IBM Simon Personal Communicator) được bán ra tại Mỹ vào tháng 8/1994 đến tháng 2/1995 với tổng số máy bán được vào khoảng 50.000 chiếc. Được biết, chiếc điện thoại này được thiết kế bởi IBM và lắp ráp bởi công ty Mitsubishi Electric.
Vào thời điểm đó, đây được xem là thiết bị "đỉnh của đỉnh" nhờ kết hợp giữa điện thoại di động với máy tính cầm tay cá nhân PDA, mang lại sức mạnh "vô đối" mà không có chiếc điện thoại nào bì được.
Vậy ông tổ smartphone thời đó có điểm gì khác biệt so với một chiếc smartphone thời nay?
Thiết kế
IBM Simon có độ dày tới 38 mm, trong khi đơn cử iPhone 6s lại mỏng gấp 5 lần (độ dày chỉ 7,1 mm). Bên cạnh đó, cụ tổ này có chiều dài lên đến 200 mm, chiều ngang 64 mm cùng cân nặng hơn nửa ký. Chính thân hình lực lưỡng bằng nửa viên gạch xây nhà đã khiến những đối thủ khác khi nhìn vào IBM Simon cũng phải dè chừng.
Tuy nhiên, do nhu cầu người dùng ngày càng muốn nhỏ gọn để dễ mang theo nên thiết kế của smartphone ngày càng được thu hẹp lại. Tất nhiên ưu điểm là nhỏ gọn nhưng trong đó cũng chứa đựng khuyết điểm riêng. Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ nhiều trường hợp iPhone bị bẻ cong vì phần khung quá mỏng và yếu, nhưng với IBM Simon, "ông cụ già" này sẽ chấp hết tất cả.
Màn hình
IBM Simon trang bị màn hình LCD xanh kích thước 3 inch, điểm khá bất ngờ là chiếc điện thoại này cũng sử dụng bút stylus cho phép người dùng ghi chép và vẽ. Phải nói đây cũng là ông tổ của công nghệ bút stylus sau này, làm tiền đề phát triển cho các thiết bị di động dùng bút hiện nay như Samsung Galaxy Note hoặc iPad Pro .
"Đọ" màn hình cùng với smartphone thời nay.
Sau 22 năm phát triển, công nghệ màn hình cũng đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể là iPhone 6s đã được trang bị màn hình 4,7 inch cùng độ phân giải cao cho khả năng hiển thị tuyệt vời. Cũng nhờ vậy, người dùng giờ đây có thể mãn nguyện với các bộ phim được chiếu trên màn hình smartphone này cũng như thoải mái chia sẻ ảnh đẹp cho bạn bè cùng coi chung mà không còn bị bó hẹp với những chiếc điện thoại màn hình đơn sắc tẻ nhạt.
Sức mạnh phần cứng
IBM Simon sử dụng vi xử lý Vadem tốc độ "siêu èo uột" 16 MHz, cùng RAM 1 MB và bộ nhớ trong chỉ ngót nghét 1 MB. Tất nhiên với phần cứng này, bạn sẽ chẳng dùng nó để chơi game được như hiện nay.
Vậy công dụng của chiếc smartphone này là gì? Thực ra chiếc smartphone này có kha khá tính năng được người dùng thời đó ưa chuộng, chẳng hạn như ghi chú, xem lịch, cập nhật lịch làm việc, gửi mail và nhận mail, máy tính, xem đồng hồ, đặc biệt hơn một tính năng mà điện thoại ngày nay chắc có thể không làm được: gửi Fax.
Thậm chí cụ tổ này còn cho phép tải về các ứng dụng từ bên thứ ba để sử dụng tuy nhiên khá hạn chế về mặt số lượng.
Nhờ công nghệ ngày càng phát triển, iPhone nói riêng và smartphone ngày nay nói chung đã làm được nhiều hơn thế. Chúng ta có thể lướt web thoải mái, nghe nhạc, xem phim, sống ảo với mạng xã hội và đặc biệt là chụp ảnh selfie thỏa thích, điều mà IBM Simon không thể nào có được.
Thời lượng pin
Bạn chê pin của smartphone thời nay? Hãy nhìn lại IBM Simon với kỷ lục 1 giờ là hết pin.
Bạn không hài lòng với chất lượng pin của iPhone thời nay, bởi chỉ dùng mới có 1 ngày đã phải sạc pin? Nếu thế, hãy nhìn lại chiếc IBM Simon, cụ tổ này chỉ có thể sử dụng được trong một giờ đồng hồ là cạn pin. Chính vì vậy để được trải nghiệm công nghệ thuộc dạng bậc nhất thời điểm đó, người dùng đành phải "sống chung với lũ" và phải sạc thiết bị này nhiều hơn.
Chỉ mới nhiêu đây chúng ta đã thấy được công nghệ trên smartphone đã phát triển được đến đâu, sau 22 năm smartphone đã đem lại cho con người nhiều trải nghiệm hơn, phục vụ tốt hơn từ công việc, giải trí cho đến liên lạc bạn bè. Liệu sau 22 năm nữa, điện thoại di động sẽ được tiến hóa đến đâu, hay lúc đấy con người sẽ không dùng điện thoại mà thay vào đó là một thiết bị ưu việt nào khác?
Kenh14/Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming