Xem robot hỗ trợ một quả tim co bóp từ bên ngoài, hi vọng mới của hàng triệu bệnh nhân suy tim

    zknight,  

    Phương pháp ưu việt hơn việc cấy ghép bơm nhân tạo vào tim.

    Hình ảnh kỳ diệu mà bạn sẽ thấy dưới đây là một thiết bị robot, nó đang xoa bóp bên ngoài một quả tim lợn bị suy tâm thất trái. Robot ôm trọn một nửa quả tim giúp nó đập đều đặn và bơm máu đi khắp cơ thể, điều mà lẽ ra một quả tim bị suy không thể thực hiện được.

    Hiện nay, người bệnh bị suy tim thường được cấy ghép các thiết bị bơm nhân tạo vào bên trong tim. Nguy cơ từ thủ thuật này không phải nhỏ, bao gồm: nhiễm trùng, bơm lệch tâm thất khiến suy tim lan rộng và bệnh phân phải sử dụng thuốc chống đông máu.

    Một vòng tay robot ôm lấy tim, xoa bóp nó từ phía ngoài như thế này sẽ trở thành niềm hi vọng tốt hơn cho hàng triệu bệnh nhân suy tim. Đặc biệt, các bệnh nhi với điều kiện tim bẩm sinh cũng có thể sử dụng nó, bởi suy tim ở trẻ nhỏ thường chỉ xảy ra ở một bên và mổ tim để đặt máy bơm khi đó là một thủ thuật tương đối rủi ro.

     Xem robot hỗ trợ một quả tim co bóp từ bên ngoài, hi vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân suy tim

    Xem robot hỗ trợ một quả tim co bóp từ bên ngoài, hi vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân suy tim

    Thiết bị robot được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Nhi Boston, Hoa Kỳ. Nó bao gồm 3 phần: Một thanh nẹp cứng hình chữ ‘C’ bao quanh trái tim, một neo dính nó vào trái tim và một vòng cao su mềm đóng giả cơ tim đang co bóp.

    Chúng tôi bắt đầu phát triển công nghệ mới này cho bệnh suy một tâm thất, khi bệnh nhân bị suy chỉ một bên trái hoặc phải, giúp họ hút máu vào buồng tim rồi bơm trở lại hệ thống tuần hoàn”, Tiến sĩ Nikolay Vasilyev, tác giả nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết.

    Ở đây, thanh nẹp cứng sẽ giữ cố định vách ngăn tim, bảo vệ phần bên phải trái tim còn khỏe mạnh khỏi tác động cơ học khi thiết bị bóp trợ giúp phần tim suy bên trái”.

    Nẹp hình chữ C được neo xung quanh tim bằng một chiếc kim cắm vào vách ngăn tim. Chính bởi nó được ghim vào bức tường mô ngăn cách giữa các buồng tim, khi vòng cao su co thắt ở một bên tim sẽ không ảnh hưởng đến bên tim còn lại.

    Cấu trúc thiết bị này cũng giúp hút máu vào tâm thất hiệu quả hơn. “Khi bộ phận truyền động vào nhịp nghỉ, các dải cao su đàn hồi được thiết kế đặc biệt sẽ giúp vách ngăn tim trở lại vị trí ban đầu, nạp đầy máu vào buồng”, Tiến sĩ Vasilyev mô tả.

    Trong thử nghiệm trên động vật, cụ thể là một trái tim lợn, thiết bị này đã hoạt động hiệu quả. Nó cải thiện hoạt động của tâm thất bị suy, đẩy máu mạnh hơn nhiều mà không ảnh hưởng đến tâm thất khỏe mạnh còn lại.

     Cấu tạo của thiết bị hỗ trợ suy tim mới được phát triển bởi Bệnh viện Nhi Boston

    Cấu tạo của thiết bị hỗ trợ suy tim mới được phát triển bởi Bệnh viện Nhi Boston

    Trong phương pháp ghép bơm mini truyền thống, máy bơm được cố định vào tâm thất trái có thể gây ra hiệu ứng dịch chuyển vách ngăn. Máu sau đó được đẩy tất cả về phía tâm thất phải làm cho nó hoạt động quá tải và căng phồng lên như bóng. Tiến sĩ Vasilyev nói điều này có thể gây ra suy nốt tâm thất phải.

    Ngoài ra, một robot xoa bóp bên ngoài tim cũng có điểm ưu việt là nó chỉ can thiệp phía ngoài hệ tuần hoàn tự nhiên. Máu không phải chảy qua một thiết bị nhân tạo nào, không qua bơm nên bệnh nhân giảm được nguy cơ nhiễm trùng.

    Gắn một chiếc bơm trong tim cũng đòi hỏi bệnh nhân phải uống thuốc chống đông máu suốt đời. Đối với bệnh nhi, điều này khá nguy hiểm bởi điểm cân bằng của thuốc chống đông là khó điều chỉnh. Nếu không cẩn thận, thuốc không đủ liều sẽ khiến máu đông trong hệ thống bơm, quá liều lại có thể gây mất máu khi trẻ gặp tổn thương.

    Xem robot hỗ trợ một quả tim co bóp từ phía bên ngoài

    Hiện tại, “vòng tay” robot của Tiến sĩ Vasilyev đang được thử nghiệm trên lợn. Nó chưa được gắn vĩnh viễn vào cơ thể của con lợn bị suy tim. Nhóm của Vasilyev dự định sẽ tiếp tục cải tiến thiết kế cho robot này, thu nhỏ các thành phần và khiến chúng linh hoạt hơn.

    Sau đó, vòng tay phiên bản mới sẽ được thử gắn bao quanh tim những con lợn trong vài tháng. Nếu thành công, nhóm của Tiến sĩ Vasilyev sẽ đặt kế hoạch cho một thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân là con người.

    "Chúng tôi đang có kế hoạch nghiên cứu hiệu quả lâu dài của công nghệ này trên động vật và sau đó chuyển sang thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người", Tiến sĩ Vasilyev cho biết. "Đưa thiết bị y tế như thế này ra ngoài thị trường sẽ mất một thời gian dài, những thủ tục cần phải đạt được có thể mất từ 2-3 năm".

    Nghe có vẻ đó là một thời gian dài, nhưng nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, hàng triệu bệnh nhân suy tim vẫn sẵn sàng chờ đợi chiếc vòng kì diệu này.

    Tham khảo ScienceAlert, Dailymail

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ