Xem xong sự kiện iPhone X, có lẽ Google sẽ phải "chồng" tiền mua vội HTC

    L.G.V.H,  

    Những gì Apple đã trình diễn với iPhone X cho thấy một gã khổng lồ smartphone vừa nắm cả phần cứng lẫn phần mềm có thể làm được những điều khủng khiếp đến chừng nào.

    Như vậy, sự kiện công nghệ được nhiều người chú ý nhất đã đi qua. Các fan của Apple đã được chiêm ngưỡng chân dung của iPhone X. Họ đã bắt đầu quá trình đợi chờ mòn mỏi từ nay đến... tháng 11 mới được chạm tay vào tuyệt phẩm này.

    Nhưng điều thực sự đáng quan tâm là bên lề sự kiện, đối thủ lớn nhất của Apple đang làm gì. Các tin đồn cho rằng Google đang đi vào giai đoạn đàm phán cuối cùng để mua HTC, công ty gia công Pixel 2 và cũng là cái tên từng được Google chọn để ra mắt chiếc smartphone Android đầu tiên, HTC G1.

    HTC đã ở bên cạnh Google từ khi Android vẫn chưa chuyển mình theo hướng của iPhone.
    HTC đã ở bên cạnh Google từ khi Android vẫn chưa chuyển mình theo hướng của iPhone.

    Có rất nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh việc Google nên hay không nên mua HTC. Phe "không nên" thì cho rằng kịch bản Motorola có thể lặp lại, và rằng Google có thể làm mếch lòng các đối tác như Samsung, LG, Sony. Phe bỏ phiếu "nên" thì lại tin rằng việc sáp nhập một tên tuổi phần cứng chất lượng như HTC có thể giúp Google tạo ra những chiếc điện thoại kết hợp nhuần nhuyễn phần cứng và phần mềm hơn nữa. Rõ ràng là Pixel cần phải tiến bộ rõ rệt để có thể cạnh tranh với chính các đối thủ Android chứ chưa nói đến iPhone.

    Nếu Google còn chần chừ, những gì Apple vừa thể hiện với iPhone X ngày hôm qua rõ ràng sẽ khiến gã khổng lồ tìm kiếm càng thêm nóng ruột.

    Màn giới thiệu này mang tính chất dằn mặt cực kỳ rõ ràng với các đối thủ trong ngành smartphone và ngành thiết kế chip.
    Màn giới thiệu này mang tính chất "dằn mặt" cực kỳ rõ ràng với các đối thủ trong ngành smartphone và ngành thiết kế chip.

    Đầu tiên, với iPhone X (và cả bộ đôi iPhone 8/8 Plus), Apple đã chính thức lật đổ binh đoàn Android về mọi khía cạnh của sức mạnh tính toán. iPhone từ trước đến nay vốn có tốc độ tải app luôn nhanh hơn Android và cũng có hiệu năng đơn nhân mà Qualcomm hay Samsung không thể nào theo kịp, song với A11 Bionic, Apple đã vượt mặt nốt cả hiệu năng đa nhân của Snapdragon 835 một cách tích cực. Mạch controller riêng cho phép Apple có thể kích hoạt một số lượng nhân tùy biến trên A11 Bionic trong khi Snapdragon và các mẫu Exynos chỉ có thể kích hoạt 1 trong 2 bộ 4 nhân big hoặc LITTLE (hoặc kích hoạt cả 8 để... gian lận benchmark).

    Sức mạnh vượt trội cùng với các cải tiến phần cứng khác cho phép iPhone X sở hữu một loạt các tính năng chất lượng mà Android dù có mơ cũng chẳng thể vươn tới: hiệu ứng hình ảnh nhận diện mặt 3D ở mức độ sai sót chỉ 1/1.000.000 (KGI Securities cho rằng Qualcomm sẽ phải mất 2 năm mới vươn tới mốc này). Không một hãng Android nào có thể tạo ra hiệu ứng Snapchat gần với bề mặt thực như iPhone. Ảnh chụp cũng nhờ sức mạnh từ A11 mà trở nên choáng ngợp hơn đáng kể so với trước đây.

    Dĩ nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong tương lai mà A11 Bionic có thể mang tới. Sự tiến bộ vượt bậc của iPhone cũng là sự tiến bộ vượt bậc của iOS: các công nghệ như BNNS, ARKit, Metal 2 hay CoreML hứa hẹn sẽ giúp các nhà phát triển phần mềm đạt tới các giới hạn không tưởng hơn trong tương lai.

    Qualcomm có thể mạnh miệng tuyên bố Android đi trước iPhone trên nhiều lĩnh vực, nhưng chắc chắn không một con chip Qualcomm nào của năm nay hay năm sau có thể đạt đến con số này.
    Qualcomm có thể mạnh miệng tuyên bố Android đi trước iPhone trên nhiều lĩnh vực, nhưng chắc chắn không một con chip Qualcomm nào của năm nay hay năm sau có thể đạt đến con số này.

    Cùng lúc, Google chắc chắn sẽ mất rất lâu để tạo ra những thành tựu công nghệ ngang tầm với những gì Apple vừa thể hiện. Google hiểu rất rõ ràng, sở dĩ Apple có thể làm được những điều này là bởi Apple kiểm soát cực kỳ sâu cả phần cứng lẫn phần mềm. Apple không chỉ kiểm soát cách các ứng dụng truy cập vào phần cứng (qua driver và hệ điều hành) mà còn tùy biến cả một loạt chip trên điện thoại. Ngoài Apple ra, chẳng có một công ty nào tùy biến sâu vào ISP (chip xử lý hình ảnh) hay tự tạo... chip cảm biến chuyển động cho điện thoại của mình cả.

    Tất cả các nhà sản xuất Android đều chỉ mang thêm một vài tính năng phần mềm không mấy hữu ích để cố tỏ ra khác biệt so với các đối thủ còn lại. Ngay đến cả Samsung cũng thường bị phản đối trong thời đại phần mềm rác của Galaxy S3, S4 và mới đây là vì trợ lý ảo Bixby. Trên khía cạnh phần cứng, cuộc đua Android chủ yếu vẫn tập trung quanh các yếu tố như màn hình, camera và số nhân/xung nhịp chip. Trọng trách bắt kịp những cuộc cách mạng về chip như 64-bit của A7 hay gần đây là nhận diện 3D trên A11 Bionic hoàn toàn thuộc về Qualcomm, trong khi những nền tảng thực sự ý nghĩa như ARCore chỉ có Google tự đảm trách.

    Pixel 2 (hoặc 3, 4, 5) chỉ có thể là đối trọng công nghệ của iPhone X nếu HTC về với Google.
    Pixel 2 (hoặc 3, 4, 5) chỉ có thể là đối trọng công nghệ của iPhone X nếu HTC về với Google.

    Bước sang thời đại của những "siêu công nghệ" như AR và AI, Google không thể tiếp tục mô hình Android một cách rời rạc như hiện nay nữa. Các nỗ lực đột phá phần cứng và phần mềm cần phải có một tầm nhìn tập trung thay vì bị chia năm xẻ bảy cho các đối tác sẵn sàng "đâm lén" nhau bất cứ lúc nào: Samsung đã từng manh mún Tizen, nhiều hãng Android đã bắt tay với Microsoft, còn Google thì cũng đã có Pixel. Năng lực công nghệ của Google chắc chắn không hề thua kém Apple, nhưng để năng lực ấy biến thành thực lực, gã khổng lồ tìm kiếm cần phải chuyển mình thành một gã khổng lồ phần cứng càng sớm càng tốt.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ