Xét nghiệm miễn phí nễu nghi nhiễm Zika

    PV,  

    Virus Zika không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu ở nước ta với việc phát hiện 2 bệnh nhân ở Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Nỗi lo sợ dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam là hoàn toàn có thể, khi muỗi aedes là loại muỗi truyền bệnh Zika cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vẫn luôn gây dịch ở nước ta.

    TP Hồ Chí Minh công bố dịch Zika Đà Nẵng phản hồi thông tin phát hiện muỗi truyền bệnh Zika tại sân bay Sân bay Đà Nẵng tăng cường kiểm soát vi rút Zika Theo dõi chặt sức khỏe phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika

    Chúng ta đã thực sự sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này hay chưa và cần phải làm gì để hạn chế tối đa hậu quả của căn bệnh chết người đã được Tổ chức Y tế thế giới công bố là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh cùng hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

    Trong bối cảnh dịch bệnh đang là vấn đề nóng, PV Báo CAND có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

    Việc Việt Nam đã xuất hiện bệnh do virus Zika đang khiến người dân hết sức hoang mang. Một trong những vấn đề quan trọng nhất của việc ứng phó với bệnh Zika là xét nghiệm virus. Vậy công tác này ở nước ta hiện ra sao thưa ông?

    PGS.TS. Trần Đắc Phu: Trong các bước sẵn sàng ứng phó kiểm soát với dịch bệnh do virus Zika, quan trọng nhất là khâu chẩn đoán. Chỉ khi có đủ năng lực chẩn đoán virus thì mới có thể khẳng định được là virus này đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa và khi đã có thì ở mức độ nào. Hiện Việt Nam đủ năng lực chẩn đoán virus Zika. Vì là xét nghiệm không đòi hỏi an toàn theo cấp 3, khả năng phát tán không lớn nên các viện hay trung tâm y tế dự phòng có máy đều có thể làm được.

    Cả nước đã có 6 cơ sở có thể xét nghiệm một cách chính xác bệnh nhân có nhiễm virus Zika hay không là: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và sắp tới là Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Để chẩn đoán đúng, cần làm 2 phương pháp: Chẩn đoán huyết thanh và chẩn đoán phân tử. Nhưng chẩn đoán huyết thanh sẽ có thể dẫn tới sai số nên chúng ta hướng tới chẩn đoán phân tử.

    Tuy nhiên, những ca đầu tiên, như vừa qua, phải tiến hành xét nghiệm chéo để đảm bảo tính chính xác như 2 ca nhiễm Zika đầu tiên ở Việt Nam: Ca ở Khánh Hòa đã được xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang rồi xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; ca ở TP Hồ Chí Minh cũng xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sau đó lại được xét nghiệm chéo tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trường Đại học Nagasaki trước khi công bố chính thức.

    Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh là nơi chẩn đoán xác định cuối cùng sau khi các nơi xét nghiệm có Zika. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh phải gửi mẫu những ca đầu tiên về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để kiểm định trước khi công bố.

     PGS.TS Trần Đắc Phu.

    PGS.TS Trần Đắc Phu.

    Việc một số báo đưa thông tin về 4 ca nhiễm ở Khánh Hòa trước ngày 30-3, lại có báo cho rằng đó là do có sự nhầm lẫn với mẫu đối chứng, khiến dấy lên một số ý kiến cho rằng, hoặc là nhân lực xét nghiệm có vấn đề hoặc Bộ Y tế giấu dịch?

    PGS.TS. Trần Đắc Phu: Cùng với hệ thống xét nghiệm, nhân lực trong xét nghiệm cũng đảm bảo. Tuy nhiên, việc mẫu xét nghiệm có dấu hiệu nghi ngờ dương tính với Zika và phải tiến hành xét nghiệm chéo để xác định cuối cùng là bình thường.

    Còn Bộ Y tế hoàn toàn minh bạch trong việc công bố dịch, để dư luận hoàn toàn yên tâm, hơn nữa, điều đó là cần thiết để người dân biết và chủ động có các biện pháp phòng bệnh, như với 2 trường hợp nhiễm Zika vừa công bố ngày 5-4. Người dân cần phải tin tưởng vào người phát ngôn của Bộ Y tế về dịch bệnh là Cục Y tế dự phòng, thay vì tin vào những thông tin không chính thống.

    Phản ứng của Bộ Y tế trong việc sẵn sàng ứng phó với dịch Zika cũng như trước sự xuất hiện của các bệnh nhân nhiễm virus Zika tại Việt Nam là rất tốt. Nhưng khả năng ngăn chặn được dịch này ra sao thưa ông?

    PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bộ Y tế đã làm mọi việc để hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh do virus Zika, tuy nhiên, phải thấy rằng ngăn chặn dịch bệnh là điều rất khó khăn, giống như dịch sốt xuất huyết vậy. Bởi bệnh Zika là nhóm B, nên không cách ly, cũng không hạn chế đi lại, trong khi không thể giải quyết hết được muỗi truyền bệnh. Chúng ta chỉ còn cách tốt nhất là quản lý tư vấn đầy đủ cho phụ nữ có thai, còn những người dân mắc thì thường là nhẹ và không có tử vong. Người dân cũng không nên hoang mang vì không phải phụ nữ có thai nào cũng mắc Zika và không phải người phụ nữ có thai nào mắc Zika cũng có con bị teo não.

    Trong hướng dẫn tạm thời việc chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh có dịch Zika do Bộ Y tế ban hành ngày 6-4, có ghi: “Nếu xác định có chứng đầu nhỏ, cần tư vấn cho phụ nữ mang thai và gia đình họ để quyết định giữ thai hay không. Nếu gia đình quyết định giữ thai thì phải tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh”. Tại sao không can thiệp để họ ngừng thai nghén khi đứa bé ra đời sẽ phải chịu hậu quả nặng nề?

    PGS.TS. Trần Đắc Phu: Quyền giữ thai hay không là quyền sinh đẻ của phụ nữ. Bác sĩ chỉ có thể tư vấn cho bệnh nhân biết hậu quả có thể xảy ra khi thai nhi đã bị nhiễm virus Zika và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người mẹ.

    Người dân cần làm gì khi phát hiện dấu hiệu nhiễm virus Zika, thưa ông?

    PGS.TS. Trần Đắc Phu: Nếu phát hiện những dấu hiệu nhiễm Zika với các triệu chứng sốt nhẹ, viêm kết mạc, nhức đầu, đau khớp, phát ban trên da.., người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất lấy mẫu bệnh phẩm, hay gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế là 0989 671 115 để xét nghiệm miễn phí.

    Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện sẽ cử cán bộ y tế đến lấy mẫu xét nghiệm, thời gian lấy máu chỉ kéo dài 10-15 phút. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển về phòng xét nghiệm có năng lực xét nghiệm virus Zika trong thời gian nhanh nhất. Thời gian từ lúc tiếp nhận mẫu bệnh phẩm đến khi có kết quả khoảng 24 giờ. Người bị nghi nhiễm sau khi đã lấy mẫu bệnh phẩm sẽ ở lại cơ sở y tế để tránh lây nhiễm và sẽ không phải đóng bất kỳ chi phí xét nghiệm nào.

    Trong khi chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh thì người dân cần chú ý những gì để phòng bệnh do virus Zika, thưa ông?

    PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes. Ngoài ra bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

    Để phòng chống dịch bệnh, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt và nhất là, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Phòng muỗi đốt bằng ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi. Diệt muỗi bằng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.

    Với dịch do virus Zika, không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi/về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị. Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/về từ vùng dịch virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika.

    Đặc biệt với phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai: Chú ý áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết, như Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh.

    Phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu bị sốt, phát ban v.v… cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika. Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus Zika cho mẹ và con.

    Cảm ơn ông!

    Theo CAND

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ