Lâu lắm tôi mới có thể dùng cụm từ ‘bé hạt tiêu’ để miêu tả một chiếc smartphone!
Dù đã được trải nghiệm khá nhiều smartphone nhưng một trong những dòng sản phẩm khiến tôi ấn tượng mãi về sau là dòng Samsung Galaxy S10, đặc biệt là chiếc Galaxy S10e. Đây là một chiếc máy sở hữu thiết kế đẹp mắt, cấu hình mạnh và đặc biệt là có kích thước rất vừa tay, luôn cho cảm giác thoải mái khi sử dụng.
Cái ‘vibe’ của một chiếc smartphone nhỏ gọn nhưng mạnh mẽ, kèm theo vẻ ngoài bắt mắt đó lại được tôi tìm thấy ở một sản phẩm từ hãng khác là Xiaomi 14.
Smartphone ngày càng ‘cồng kềnh’
Việc smartphone hiện nay ngày càng có kích thước lớn hơn có lẽ đã không còn là chuyện lạ với mọi người nữa rồi. Chạm ngưỡng 6.7, 6.8 inch như iPhone 15 Pro Max, Galaxy S24 Ultra thì các hãng vẫn chưa hài lòng, sản xuất cả những smartphone có thể gập đôi lại để trang bị những màn hình còn to hơn.
Cá nhân tôi lại không thích điều này, vì smartphone lớn có thể đem lại diện tích hiển thị rộng mở hơn nhưng cũng đem lại nhiều điều bất tiện trong quá trình sử dụng. Máy lớn cầm trên tay sẽ cho cảm giác hơi ‘ngửa’ ra phía trước, rất khó để sử dụng 1 tay, nếu có lấy máy ra để dùng ngoài đường (chụp nhanh 1 kiểu ảnh, mở nhạc, trả lời tin nhắn…) thì cũng sợ rơi vì cầm máy không chắc được trong tay.
Đây là lý do những chiếc smartphone ‘be bé’ như Galaxy S10e hay giờ là Xiaomi 14 lại được tôi để tâm tới. Xiaomi 14 về bản chất thì cũng không quá nhỏ với màn hình kích thước 6.36 inch, nhưng vẫn là một kích thước có thể cầm gọn trong lòng bàn tay. Bên cạnh đó, các cạnh bên của máy được làm phẳng với các góc được vát cong hợp lý, càng làm tính công thái học của máy trở nên vượt trội so với những chiếc máy tôi được sử dụng trong thời gian gần đây.
Về thiết kế, đây cũng là một chiếc smartphone mà tôi đánh giá là đẹp một cách sang trọng. Mặt lưng máy được làm bằng kính, với phiên bản tôi đang sử dụng có màu xanh ngọc nhìn khá nhẹ nhàng, tinh tế và ‘ra dáng’ một chiếc smartphone thuộc phân khúc cao cấp. Nhược điểm nhỏ ở đây là mặt kính được làm bóng nên rất dễ dính dấu vân tay, cần phải lau chùi thường xuyên để không bị bẩn.
Nhìn ở mặt sau này thì thứ ‘đập vào mắt’ mọi người sẽ không phải là màu sắc mặt lưng mà là cụm camera, chiếm tới 3 phần 4 kích thước chiều ngang của máy. Rất may là Xiaomi chưa theo ‘trend’ thiết kế cụm camera không cân xứng của một số thương hiệu Trung Quốc khác và vẫn đặt 3 camera kèm một flash ở 4 góc của hình vuông, mặc dù nó to ‘tổ chảng’ nhưng vẫn có sự cân đối, thuận mắt.
Như đã đề cập, thì màn hình 6.36 inch cũng nằm ở mức ‘vừa vặn’ chứ không hẳn là ‘nhỏ’ nên vẫn cho kích thước hiển thị, tương tác thoải mái. Ngoài ra đây cũng là một màn hình với chất lượng rất cao, là dạng OLED LTPO 120Hz (giảm được tần số quét tùy theo nội dung hiển thị nhằm tiết kiệm pin), độ phân giải FullHD+ không đạt QHD+ nhưng vẫn quá sắc nét ở kích thước này, độ sáng không bao giờ ‘ngại’ ánh nắng mặt trời.
Một điểm tôi lại đánh giá cao Xiaomi 14 hơn so với 2 sản phẩm cao cấp hơn là Xiaomi 14 Pro và 14 Ultra đó là màn hình được làm phẳng hoàn toàn, thay vì làm cong cả 4 viền. Màn hình phẳng của máy sẽ dễ dán kính cường lực, và theo mắt nhìn của tôi cũng đẹp hơn so với kiểu cong cả 4 viền.
Cấu hình rất khó để chê
‘Nhỏ’ nhưng không ‘có võ’ thì cũng không để làm gì cả! Xiaomi 14 có kích thước vừa đủ cầm trong tay nhưng cấu hình lại không thua kém nhiều so với các sản phẩm cao cấp hơn. Vi xử lý được sử dụng vẫn là Snapdragon 8 Gen 3 mới nhất, cũng được Xiaomi cho chạy ‘xả láng’ không bị giới hạn xung nhịp nên cho điểm số benchmark chỉ thua những máy chơi game tích hợp nhiều hệ thống tản nhiệt đặc biệt hơn thôi.
Ngược lại, máy cũng sẽ gặp hiện tượng nóng lên sau khi làm những tác dụng nặng như chạy benchmark hay chơi game trong một thời gian dài. Tôi sử dụng ốp lưng nhựa dẻo và cũng chỉ chơi một vài ván Liên Quân khi có thời gian rảnh nên đây không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng các bạn dùng máy trần (sờ tay trực tiếp vào mặt lưng kính, viền kim loại) và chơi những tựa game nặng như Asphalt 9, Genshin Impact thì cần để ý điều này.
Điểm phải cắt giảm vì kích thước của máy đó là viên pin, có dung lượng 4610 mAh thay vì đạt ngưỡng 5000 mAh của các dòng máy lớn hơn. Vì có màn hình LTPO, kèm theo hệ điều hành của Xiaomi (đã đổi tên thành HyperOS) nổi tiếng trong việc kiểm soát năng lượng thì tôi vẫn thoải mái sử dụng máy trong một ngày với trên 6 tiếng On-screen.
Ngoài ra khi hết pin thì tôi cũng không quá lo lắng vì máy được trang bị chuẩn sạc 90W (nâng cấp từ 67W của Xiaomi 13 năm ngoái), cũng chỉ cắm sạc hơn 30 phút là đầy pin rồi. Máy còn có cả chuẩn sạc không dây 50W nữa, nhưng ta sẽ phải sử dụng một đế sạc chuyên dụng từ Xiaomi, tích hợp thêm cả quạt tản nhiệt thì mới đạt được tốc độ này.
Camera tạo sự tự tin cho người chụp
Cấu hình camera của Xiaomi 14 rất dễ nhớ: máy có 3 camera tiêu cự tiêu chuẩn, siêu rộng, zoom 3.2x đều có độ phân giải cao 50MP. Camera chính và zoom xa được trang bị chống rung quang học OIS để tránh hiện tượng mờ, nhòe; còn camera góc siêu rộng thì đã có góc nhìn rộng mở, khó bị rung hơn nên không có thêm OIS.
Để miêu tả trải nghiệm chụp hình với Xiaomi 14 thì đó là “Tạo sự tự tin”, khi chụp một cảnh nào đó máy thường sẽ cho bức hình đúng với ý đồ của người chụp. Sự hợp tác với Leica đem lại 2 kiểu màu sắc cho Xiaomi 14 là Leica Authentic và Leica Vibrant, trong đó màu Authentic sẽ cho tông màu nhạt, hơi ‘trầm’ hơn còn màu Vibrant sẽ tăng sáng, tăng độ đậm màu để cho những bức ảnh rực rỡ hơn.
Tôi thích sử dụng màu Leica Vibrant, giúp ảnh chụp có cảm giác ‘có sức sống hơn’. Nói là ‘màu đậm’ nhưng cách phối màu trong ảnh của Xiaomi 14 với màu Leica Vibrant vẫn khá hài hòa, đẩy nhẹ màu vàng và cam để ảnh nhìn ấm áp hơn chứ cũng không bị lòe loẹt, bệt màu lại làm mất chi tiết.
Cách xử lý HDR của Xiaomi 14 khá thú vị: Máy sẵn sàng để những vùng tối thực sự ‘chìm vào bóng tối’ để kéo độ sáng của toàn ảnh xuống nhằm giữ lại phần sáng (highlight). Với thuật toán như vậy thì ở một số bức ảnh sẽ có cảm giác hơi tối, tuy vậy những cảm biến hình ảnh của máy cũng có đủ chất lượng để ta chỉnh sửa lại trong phần mềm hậu kỳ, kéo sáng lại những phần tối nếu muốn.
Khi chụp ảnh xóa phông, máy cho nhiều chế độ xóa phông tương đương với những ống kính của máy ảnh bao gồm 35, 50, 75 và 90mm. Màu ảnh khi chụp xóa phông cũng sẽ giống với những kiểu chụp khác, nghiêng về tông màu cam, vàng tạo cảm giác ấm áp, tuy vậy da sẽ không ‘trắng sáng’ được so với những máy có tông màu trung tính hơn.
Tiêu cự xóa phông tôi sử dụng nhiều nhất là 35mm, bên cạnh việc chụp người thì cũng dễ dàng… chụp những chú chó. Tiêu cự này đủ rộng để chụp được cả chủ thể lẫn phông nền để tạo được bức ảnh hài hòa, ngoài ra cũng không zoom quá xa trên camera tiêu chuẩn nên không sợ bị mất chất lượng.
Nếu để hỏi Xiaomi 14 thua những dòng máy đầu bảng điều gì về khả năng chụp hình, thì có lẽ chỉ là khả năng zoom. Máy có camera zoom 3.2x, và cũng thường cho ảnh đẹp ở ngưỡng 3.2x - 6x mà thôi. Có một số ảnh tôi chụp ở ngưỡng 10x thì đã vỡ nét khá nhiều, không còn đủ chất lượng để đăng tải nữa rồi.
Chiếc smartphone nhỏ mà tôi thích nhất
Có lẽ đọc bài viết bạn cũng có thể thấy rằng tôi có nhiều điều để khen Xiaomi 14 hơn là điểm chê, vì đơn giản đây là một chiếc smartphone mà tôi đánh giá cao. Nhỏ nhắn, gọn gàng là thế nhưng chiếc máy này vẫn đem lại trải nghiệm sử dụng cao cấp nhờ phần cứng không thua kém quá nhiều so với các sản phẩm với kích thước ‘khủng’ hơn.
Mức giá chính hãng của Xiaomi 14 không hề rẻ, nhất là khi so với sản phẩm đi theo đường xách tay. Tuy vậy, ở mức giá này Xiaomi 14 vẫn là một đối thủ nặng ký của những 'smartphone nhỏ' khác như Galaxy S24 hay iPhone 15 với tất cả những gì nó đem lại.
Xiaomi 14 đã có sản phẩm chính hãng tại Việt Nam với giá bán 22.9 triệu Đồng cho phiên bản 12/256GB và 24.49 triệu Đồng cho phiên bản 12/512GB (độc quyền Thế Giới Di Động). Phần quà đặt trước tới ngày 22/3 bao gồm giảm giá trực tiếp 4 triệu và gói bảo hành 24 tháng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4