Xiaomi đã đánh bại Apple và Samsung như thế nào?
Xiaomi đang ăn “bữa trưa" của Samsung và thưởng thức “bữa tối" của Apple ngay trên Trung Quốc - thị trường tiêu thụ smartphone lớn nhất thế giới
Theo báo cáo mới nhất của Canalys, Hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi vừa vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 của Trung Quốc – chỉ sau 4 năm thành lập.
Vào quý 3/2014, Xiaomi đã chuyển 15 triệu smartphone đến tay người tiêu dùng, tăng 240% so với 4,4 triệu sản phẩm một năm trước đó. Cùng thời gian này, Samsung chỉ xuất xưởng 13,2 triệu smartphone (so với 15,5 triệu cùng kỳ năm trước). Xiaomi hiện kiểm soát 14% thị trường smartphone của Trung Quốc, và gần đây đã trở thành hãng sản xuất lớn thứ năm trên thế giới.
Khách hàng Trung Quốc giờ đây đang ủng hộ rất nhiều thương hiệu trong nước - bao gồm Xiaomi, Lenovo, Yulong, Huawei, BBK, ZTE, OPPO, và K-Touch - các hãng này đã cung cấp hơn 70 triệu smartphone, chiếm 65% thị phần. Samsung và Apple hai công ty nước ngoài duy nhất có mặt trong top 10 các nhà sản xuất smartphone ở nước này, chỉ bán ra 20 triệu sản phẩm và chiếm 18% thị phần.
Xiaomi có kế hoạch bán 60 triệu điện thoại di động trong năm nay và 100 triệu vào năm 2015. Điều này sẽ giúp Xiaomi ngày càng thu ngắn khoảng cách trong cuộc đua cung cấp smartphone với Apple (kỷ lục của Apple là 150 triệu chiếc vào năm 2013).
Làm thế nào mà Xiaomi từ một công ty startup đã phát triển như vũ bão trên thị trường smartphone vốn đã bão hoà nhiều năm qua để trở thành đối thủ đáng gờm của Samsung và Apple tại thị trường Trung Quốc? Nhiều nhà đầu tư Mỹ ban đầu chỉ xem Xiaomi như chỉ là một nhà sản xuất hàng nhái của Trung Quốc bằng cách sao chép các thiết bị cao cấp và bán chúng với giá thấp hơn để thành công.
Lei Jun - CEO của Xiaomi không phủ nhận điều này. Ông không hề ngại ngùng hay thấy xấu hổ khi sao chép Apple. Trong các sự kiện của Xiaomi, Lei Jun ăn mặc giống như Steve Jobs với quần Jeans và áo đen. Thậm chí câu nói gợi mở của Steve Jobs “one more thing" để giới thiệu sản phẩm “chủ chốt” của Apple khi gần kết thúc sự kiện cũng được sao chép lại. Flagship mới nhất của Xiaomi “Mi3” và “Mi4” sao chép thiết kế từ Galaxy S5 và Iphone5.
Nhưng việc sao chép trên không thể giúp Xiaomi trở thành một gã khổng lồ như hiện tại. Phân tích sâu hơn vào chiến lược của Xiaomi chúng ta sẽ thấy thế mạnh độc đáo của công ty này.
Phó chủ tịch toàn cầu của Xiaomi, Hugo Barra (đã từng là phó chủ tịch và cựu phát ngôn viên cho bộ phận Android của Google) cho biết: “Chiến lược bán hàng của Xiaomi là vận chuyển trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng, không thông qua bên thứ 3 và cũng không cần nhà phân phối. Xiaomi bán sản phẩm với tỷ suất lợi nhuận thấp nhất vì nó bỏ ra rất ít chi phí để quảng cáo cũng như không phải tích lũy hàng tồn kho”.
Xiaomi trang bị cho smartphone của mình cấu hình rất tốt - “flagship” Mi 3 sở hữu bộ xử lý 2,3 GHz Qualcomm Snapdragon, 2GB RAM, máy ảnh 13 megapixel và chạy trên custom ROM MIUI nổi tiếng do chính Xiaomi phát triển.
Và giá cho một chiếc smartphone có cấu hình tương đương Samsung Galaxy S5 (có giá từ 500-650USD) chỉ là 230USD. Khách hàng ở Trung Quốc không thể có sự lựa chọn tốt hơn với mức giá này. Ngoài ra, doanh số bán hàng mạnh mẽ của Xiaomi ở Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy bởi hai yếu tố khác - niềm tự hào quốc gia và mức giá “cắt cổ" của các sản phẩm nước ngoài.
Trước khi Xiaomi xuất hiện, thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc đã bị bão hòa bởi các thiết bị Android có chất lượng thấp làm nhái các sản phẩm iPhone, Samsung Galaxy, Note... Từ mớ hỗn độn đó, số ít các công ty trong nước như Lenovo và Huawei bắt đầu sản xuất các smartphone mà người tiêu dùng Trung Quốc có thể tự hào. Tuy nhiên, Lenovo và Huawei không thể đưa ra mức giá cạnh tranh như Xiaomi khi nó ra mắt smartphone đầu tiên vào năm 2011 với chiến lược: “Bán sản phẩm cao cấp với giá bình dân".
Người tiêu dùng Trung Quốc biết rằng các giá bán sản phẩm của Apple ở nước mình cao hơn các nước khác. Ví dụ, trên Taobao, một chiếc iPhone 5 Unlock có giá khoảng 4.600 nhân dân tệ (746 USD), trong khi đó giá của phiên bản này trên trang chủ của Apple chỉ là 649 USD.
Thực tế sản phẩm Apple ở Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng của phí vận chuyển và nhập khẩu, nhưng những gì mà người tiêu dùng quan tâm là tại sao họ lại phải bỏ ra gần 100 USD cho mỗi sản phẩm. Trong quá khứ, các thương hiệu như Starbucks, Audi, Subaru cũng đã bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc yêu cầu làm rõ vấn đề này. Khi Xiaomi xuất hiện với chất lượng tốt và giá cả phải chăng, việc nó đánh bại Apple và Samsung trên sân nhà là chuyện hiển nhiên.
Thất bại trước Xiaomi ở thị trường Trung Quốc, Apple và Samsung còn phải lo lắng để mắt tới kế hoạch tiếp theo của Xiaomi là mở rộng thị trường sang Indonesia và Brazil. Nếu Xiaomi có thể nhập khẩu smartphone của mình vào thị trường châu Âu thì một cuộc chiến giá cả sẽ xảy ra ngay lập tức - khi smartphone cao cấp được bán với giá bình dân.
Người tiêu dùng mong đợi điều này - nhưng nó sẽ là một tin khủng khiếp đối với Apple và Samsung, hai nhà sản xuất đã quen với việc thu lợi nhuận cao từ doanh số bán hàng. Chiến thắng của Xiaomi trước Samsung và Apple trên thị trường Trung Quốc có thể mới là sự khởi đầu của Xiaomi trên thị trường smartphone toàn cầu. Apple và Samsung, hãy dè chừng!
Tham khảo: fool
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"