Ý tưởng dùng ô khổng lồ che Trái đất khỏi ánh sáng Mặt trời để ngăn ấm lên toàn cầu

    Anh Việt, Phụ Nữ Số 

    Một trong những cách tiếp cận đơn giản nhất để giảm nhiệt độ toàn cầu là che Trái đất khỏi một phần ánh sáng Mặt trời bằng các tấm chắn

    Một trong những cách tiếp cận đơn giản nhất để giảm nhiệt độ toàn cầu là che Trái đất khỏi một phần ánh sáng Mặt trời bằng các tấm chắn

    Trong bối cảnh Trái đất đang ấm lên nhanh chóng, các nhà khoa học đã bắt tay vào việc phát triển nhiều phương pháp khác nhau để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

    Mới đây, István Szapudi, một nhà thiên văn học tại Viện Thiên văn học của Đại học Hawaii (Mỹ), đã đề xuất một phương pháp sử dụng một tấm chắn năng lượng Mặt trời để giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào Trái đất. Bản thân tấm chắn này sẽ được buộc vào một tiểu hành tinh làm đối trọng. Theo đó, các nghiên cứu kỹ thuật sử dụng phương pháp này có thể bắt đầu ngay bây giờ để tạo ra một thiết kế khả thi, vốn có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu trong vòng nhiều thập kỷ.

    Ý tưởng dùng ô khổng lồ che Trái đất khỏi ánh sáng Mặt trời để ngăn ấm lên toàn cầu - Ảnh 1.

    Được biết, đề xuất có tên "Quản lý bức xạ Mặt trời với tấm chắn Mặt trời có dây buộc,” của nhà thiên văn học István Szapudi đã được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, theo Phyx.org.

    Từ lâu nay, các nhà khoa học đều cho rằng một trong những cách tiếp cận đơn giản nhất để giảm nhiệt độ toàn cầu là che Trái đất khỏi một phần ánh sáng Mặt trời. Trên thực tế, ý tưởng sử dụng một tấm chắn che ánh sáng Mặt trời đã được đề xuất trước đây. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải nhiều trở ngại về mặt kĩ thuật.

    Chẳng hạn, để cân bằng lực hấp dẫn và ngăn áp suất bức xạ Mặt trời thổi bay, tấm chắn phải  sở hữu trọng lượng đủ lớn. Tuy nhiên, trọng lượng lớn cũng đồng nghĩa với việc nó có kích thước lớn không kém. Trong bối cảnh việc quá trình nguyên vật liệu từ Trái Đất lên không gian luôn cực kỳ khó khăn và tốn kém, việc tạo ra một tấm chắn khồng lồ cả về kích thước lẫn trọng lượng sẽ ngốn một khoản chi phí cực lớn, ngay cả khi nó sử dụng loại vật liệu nhẹ nhất.

    Đểi giải quyết việc này, nhà thiên văn học István Szapudi đã đề xuất hai giải pháp đổi mới: Tấm chắn sẽ được neo với đối trọng qua một sợi dây lớn, thay vì là tấm chắn cỡ lớn. Điều này giúp cho tổng khối lượng của tấm chắn nhỏ hơn 100 lần. Trong khi đó, việc sử dụng một tiểu hành tinh bị bắt giữ làm đối trọng để 'neo' tấm chắn sẽ giúp tiết kiệm phần lớn chi phí đưa khối lượng nguyên vật liệu từ Trái đất lên không gian để thi công.

    "Ở Hawaii, nhiều người sử dụng ô để che nắng khi họ đi dạo vào ban ngày. Tôi đang nghĩ, liệu chúng ta có thể làm điều tương tự cho Trái đất và từ đó giảm thiểu thảm họa biến đổi khí hậu sắp xảy ra không?" Szapudi nói.

    Theo ước tính của chuyên gia này, loài người có thể bắt đầu với mục tiêu giảm 1,7% bức xạ Mặt trời, lượng cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng thảm khốc của nhiệt độ toàn cầu. Ông phát hiện ra rằng việc đặt một đối trọng có dây buộc về phía Mặt trời có thể giảm trọng lượng của tấm chắn và đối trọng xuống còn khoảng 3,5 triệu tấn, nhẹ hơn khoảng một trăm lần so với ước tính trước đây đối với một tấm chắn không có dây buộc.

    Tất nhiên, con số trên vẫn quá khả năng đưa vật liệu lên không gian với công nghệ hiện tại. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách kĩ lưỡng, lá chắn thực chất chỉ chiếm 1% tổng trọng lượng (tức khoảng 35 nghìn tấn). Đây cũng là phần duy nhất được phóng từ Trái đất. Với những vật liệu mới hơn, nhẹ hơn, trọng lượng của tấm chắn có thể giảm hơn nữa. 99% còn lại của tổng trọng lượng sẽ là các tiểu hành tinh hoặc bụi Mặt trăng được sử dụng làm đối trọng. Một cấu trúc liên kết như vậy sẽ nhanh hơn và rẻ hơn để xây dựng và triển khai so với các thiết kế lá chắn khác.

    Các tên lửa lớn nhất, mạnh nhất hiện nay chỉ có thể đưa khoảng 50 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái đất. Vì vậy phương pháp quản lý bức xạ Mặt trời này vẫn sẽ là một thách thức. Tuy nhiên, sáng kiến của Szapudi có khả thi hơn so với các ý tưởng trước đó.

    Tham khảo Phyx.org

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ