Chỉnh nhầm hướng ăng-ten, NASA vừa vô tình tự cắt đứt liên lạc với tàu thăm dò phóng từ 46 năm trước
Mặc dù gặp sự cố, NASA tuyên bố sẽ không kết thúc sứ mệnh khám phá không gian kéo dài gần 46 năm của tàu Voyager 2.
Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã tiết lộ sự cố gián đoạn liên lạc với tàu thăm dò Voyager 2, vốn đang bay cách Trái đất hàng chục tỷ km. Đáng nói, sự cố này bắt nguồn từ sơ suất của chính NASA, khi cơ quan vũ trụ này đã điều khiển sai hướng ăng ten trên tàu, theo trang The Register.
Vào thời điểm tin tức được công bố, ăng-ten trên tàu Voyager 2 vẫn trong tình trạng chệch hướng đến 2 độ so với Trái đất trong hơn 1 tuần. Điều này khiến tàu không có khả năng nhận mệnh lệnh hoặc truyền ngược dữ liệu về ăng-ten mặt đất do Mạng không gian sâu (DSN) vận hành.
NASA cho rằng sự cố trên chỉ là tạm thời. Cơ quan này cũng tuyên bố sẽ không kết thúc sứ mệnh khám phá không gian kéo dài gần 46 năm của tàu Voyager 2 nó được lập trình để hiệu chỉnh lại vị trí của mình vài lần trong năm. Ngày 15/10 là lần thiết lập lại theo lịch trình tiếp theo.
Hiện tại, quỹ đạo của tàu Voyager 2 dự kiến sẽ không thay đổi. Tàu thăm dò hiện cách Trái đất khoảng 32 tỷ km và đi xa hơn 15 km mỗi giây. Trục trặc trên không ảnh hưởng đến tàu Voyager 1, hiện đang cách Trái đất gần 24 tỷ km và bay với tốc độ 17 km/giây trong khi vẫn giữ liên lạc với NASA.
Được biết, hệ thống điện của Voyager 2 đã được tinh chỉnh vào đầu năm nay với hy vọng kéo dài tuổi thọ hoạt động của nó. Nếu sự điều chỉnh này mang lại kết quả tốt, NASA sẽ áp dụng nó đối với tàu Voyager 1.
Vào năm 2022, Voyager 1 cũng gặp sự cố gián đoạn thông tin liên lạc. Các nhà nghiên cứu phát hiện con tàu đã gửi thông tin một cách chập chờn và đứt quãng cho nhóm vận hành ở Trái đất.
Theo đó, dường như dữ liệu đã được định tuyến không chính xác bởi một máy tính đã không hoạt động trong nhiều năm. Các kỹ sư vào thời điểm đó đã thực hiện việc "phẫu thuật từ xa" để khắc phục sự cố. Điều này về cơ bản có nghĩa là các kĩ sư sẽ ra lệnh cho hệ thống kiểm soát và khớp nối hành vi (AACS) tiếp tục gửi dữ liệu đến đúng máy tính trên tàu. Kết quả, sự cố truyền dữ liệu đã được khắc phục thành công.
Trước đây, các kỹ sư NASA đã so sánh việc duy trì hoạt động của hai tàu thăm dò với việc duy trì hoạt động của một chiếc ô tô cũ. Công nghệ trên tàu đã lỗi thời nghiêm trọng, nhưng nó vẫn tiếp tục được bảo trì thường xuyên để có thể tiếp tục hoạt động – một xu hướng thường thấy trong tàu vũ trụ của những thập kỷ trước.
Tuy nhiên, trong khi những chiếc ô tô cũ có thể được xử lý thủ công một cách dễ dàng trong thời gian thực, việc bảo trì và sửa chữa từ xa với hai con tàu Voyager lại không diễn ra trong tức khắc. Hiện tại, tàu Voyager 1 và 2 cách Trái đất hơn 20 giờ ánh sáng, trong khi việc liên lạc truyền dữ liệu diễn ra với tốc độ truyền phát cực chậm, chỉ khoảng 160 bit mỗi giây.
Tham khảo The Register.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời