YouTube chọn thumbnail cho video bạn tải lên như thế nào?

    Nguyễn Hải,  

    Dù chỉ là một yếu tố nhỏ nhoi ít người chú ý đến, nhưng các thumbnail hay hình đại diện cho video, là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt cho website lừng danh này.

    YouTube giờ không chỉ là nơi chia sẻ những đoạn clip vui của người dùng nữa, đây còn là sân khấu để các nghệ sĩ trình diễn khả năng của mình. Nhưng nếu coi những người làm ra các đoạn clip trên YouTube là các nghệ sĩ thì cách thức để bạn click vào một clip nào đó trên trang web này đúng là một nghệ thuật.

    Và đó là nghệ thuật của việc tự động lựa chọn ra một hình ảnh đại diện (thumbnail) cho đoạn clip đó trên trang YouTube. Dù chỉ là một bức hình nhưng nó không chỉ mô tả hay đại diện cho đoạn video đó mà còn tạo ra sự hấp dẫn nhằm thu hút người dùng click vào đoạn video đó. Nếu không, nó sẽ chỉ tạo ra một trải nghiệm tồi tệ cho người dùng khi xem một đoạn clip với nội dung không như kỳ vọng, không những thế nó còn ít có khả năng được người dùng để mắt đến nếu hình đại diện không hấp dẫn.

    Ngay cả khi hình ảnh đại diện được người dùng cung cấp khi tải video lên, nó vẫn có thể không phản ánh chính xác chương trình truyền thông đó, cũng như đó là một quá trình tốn thời gian khi người dùng có thể sẽ phải tải lên hàng trăm chương trình như vậy.

     So sánh giữa thuật toán cũ và mới khi lựa chọn hình đại diện của YouTube.

    So sánh giữa thuật toán cũ và mới khi lựa chọn hình đại diện của YouTube.

    Do vậy, YouTube cần một thuật toán tự động để giải quyết vấn đề này. Trước đây, các thuật toán của YouTube thường lựa chọn hình đại diện dựa trên các mốc thời gian của đoạn clip, ví dụ các mốc thời gian ¼ ½ và ¾ thời lượng của đoạn video. Nhưng rõ ràng, với những clip nội dung ngày càng phong phú và phức tạp, cách làm này không còn phù hợp.

    Đó là lý do tại sao Google cần tạo ra một thuật toán mới để tự động lựa chọn hình ảnh đại diện không chỉ mô tả chính xác nội dung mà còn cho thấy sự hấp dẫn của chương trình truyền thông đó. Chỉ đến gần đây, khi Google công bố bằng sáng chế của mình về thuật toán đó, chúng ta mới có cái nhìn rõ hơn về cách thức YouTube tạo ra các hình đại diện cho clip.

    Theo như bằng sáng chế của Google, công ty sử dụng một tiện ích lựa chọn hình ảnh đại diện sẽ chọn ra hàng loạt các hình ảnh đại diện tiềm năng từ một bộ các khung hình. Sau đó một thuật toán xếp hạng hình ảnh đại diện tiềm năng sẽ kiểm tra và xếp hạng mỗi hình ảnh tiềm năng được lựa chọn dựa trên các thước đo mục tiêu.

    Các tiêu chí để thước đo mục tiêu xếp hạng các hình đại diện tiềm năng bao gồm:

    - Số lượt Click Through Rates: số lượt click vào hình đại diện chia cho thời gian hiển thị của hình đại diện đó, biểu hiện dưới dạng %.

    - Số lượt xem hoàn tất: số lần đoạn video được xem đến hết sau khi người dùng nhìn thấy hình đại diện được lựa chọn.

    - Số lượt xem ngắn: số lần đoạn video chỉ được xem trong một khoảng thời gian ngắn hay không xem đến khi kết thúc sau khi người dùng nhìn thấy hình ảnh đại diện được lựa chọn.

    - Doanh thu tạo ra từ đoạn video sau khi một số hình ảnh đại diện cụ thể được lựa chọn để hiển thị cho các đường link quảng cáo hay các cơ chế tạo doanh thu khác.

    - Số lượt xem theo tỷ lệ mỗi phiên: ví dụ như số lần đoạn video được xem trong một khoảng thời gian cụ thể.

     Sự khác biệt về chất lượng giữa các thời điểm khác nhau của hình nền trong cùng một đoạn video.

    Sự khác biệt về chất lượng giữa các thời điểm khác nhau của hình nền trong cùng một đoạn video.

    Ngoài ra, một tiện ích học tập xác suất cũng được công ty sử dụng là giải thuật Simulated Annealing (giải thuật mô phỏng luyện kim) nhằm xác định xác suất của một hình ảnh đại diện tiềm năng được lựa chọn có phải là tối ưu hay không. Xác suất này là một hàm tỷ số giữa điểm số của hình ảnh đại diện được lựa chọn và tổng số điểm của tất cả các hình ảnh đại diện được lựa chọn bởi tiện ích lựa chọn hình ảnh đại diện.

    Hơn nữa, bên cạnh thuật toán lựa chọn hình ảnh đại diện và tính toán xác suất tối ưu của các hình ảnh đó, một phần khác của kỹ thuật này ảnh hưởng đến việc lựa chọn hình ảnh đại diện là cách thức hiển thị đoạn video đó. Ví dụ một bộ hình ảnh đại diện sẽ được tạo ra nếu đoạn video được xuất hiện trong các công cụ chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng một bộ hình ảnh đại diện khác sẽ được tạo ra nếu người dùng sử dụng các từ khóa để tìm kiếm đoạn video đó.

    Tuy nhiên, tất cả các công cụ này đều chỉ nhằm một mục đích cuối cùng, đưa ra một bức hình đại diện tối ưu cho người xem, để họ cảm thấy hứng thú khi click vào đoạn video đó, và không phải thất vọng vì những gì mình đã nhận được.

    Dù chỉ là một yếu tố nhỏ trong toàn bộ YouTube, nhưng nó là yếu tố góp phần quan trọng làm nên sự khác biệt của trang web chia sẻ video này so với các đối thủ cạnh tranh khác, ví dụ như Vimeo, khi họ thường thiếu đi tính năng này trong sản phẩm của mình.

    Tham khảo TheNextWeb

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ