Zalo tối ưu bài toán chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ

    Quang Vũ,  

    Trong bối cảnh nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực công nghệ ngày càng tăng nhưng chất lượng đầu ra chưa thật sự đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của ngành, Zalo đã và đang đẩy mạnh khía cạnh đào tạo bên trong và ngoài tổ chức.

    Phát triển công nghệ và kinh tế số là xu hướng tất yếu của thế giới cũng như tại Việt Nam. Hiện nay, nước ta đang có tiềm năng phát triển lớn nhờ vào tỷ trọng 68% dân số cả nước nằm trong độ tuổi lao động.

    Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của báo cáo "Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số", vào tháng 6/2023, chỉ 1,1% tổng số người lao động tại Việt Nam đang tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Dự báo đến 2025, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư mỗi năm. Nguyên nhân đến từ việc chỉ 30% lực lượng nhân sự và cử nhân ngành công nghệ thông tin có khả năng đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc.

    Là tổ chức công nghệ hàng đầu Việt Nam với nhiều sản phẩm lớn đang phục vụ hàng chục triệu người dùng thường xuyên, Zalo đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để có thể đón đầu những làn sóng công nghệ thách thức trên toàn cầu.

    Khi chất lượng nguồn nhân lực là bài toán của các công ty công nghệ nói chung và Zalo nói riêng

    Zalo là tổ chức công nghệ được biết đến rộng rãi với các sản phẩm nổi tiếng như ứng dụng liên lạc Zalo, Zing MP3. Bên cạnh những sản phẩm đã trưởng thành trên thị trường, Zalo cũng đón đầu những công nghệ toàn cầu tiên tiến bậc nhất và tối ưu trên các sản phẩm mới phục vụ cho người Việt. Các sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như trợ lý giọng nói tiếng Việt Kiki, mô hình ngôn ngữ lớn LLM, Zalo AI Avatar, Zalo Mini App (nền tảng cho phép các tổ chức và doanh nghiệp tích hợp, phát triển sản phẩm, dịch vụ trên ứng dụng Zalo)...

    Zalo tối ưu bài toán chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ- Ảnh 1.

    Với những sản phẩm mang tính đặc thù và đầy thách thức như của Zalo, việc tìm kiếm cũng như phát triển nguồn nhân lực thật sự phù hợp với chiến lược của tổ chức là điều tiên quyết để Zalo có thể duy trì vị thế trên thị trường.

    Khi các sản phẩm công nghệ của Zalo ngày càng được tích hợp nhiều công nghệ mới hiện đại, các kỹ sư công nghệ tại đây buộc phải có khả năng thích ứng với xu hướng, học hỏi nhanh chóng. Điều này đòi hỏi mỗi nhân sự phải có trình độ chuyên môn vững vàng, bề dày kinh nghiệm thực chiến và không ngừng trau dồi những kiến thức mới.      

    Mặt khác, với mục tiêu đưa sản phẩm ngày một đi xa và mang tới nhiều hơn những giá trị cho người dùng, đội ngũ nhân sự Zalo cũng cần có sự gắn kết nhất định với sản phẩm. Từ việc tham gia vào giai đoạn tìm hiểu về người dùng, hành trình phát triển sản phẩm cho tới quá trình tối ưu hóa liên tục với thêm nhiều tính năng giúp gia tăng trải nghiệm. Đây đều là những chất xúc tác quan trọng làm nên sự thành công lâu dài của các ứng dụng số "cộp mác" Zalo.

    Những yêu cầu kể trên đã đặt ra một "bài toán" lớn cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự tại Zalo, đòi hỏi tổ chức có chiến lược lâu dài cho việc duy trì, kế thừa và phát triển bền vững trong tương lai.

    Zalo ngày càng đẩy mạnh các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao

    Phát triển trong lĩnh vực thách thức với nhiều bài toán khó xoay quanh việc tối ưu trải nghiệm người dùng, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều các doanh nghiệp phát triển bền vững không thể bỏ qua. Tại Zalo, nhiều chương trình đào tạo đã và đang được triển khai để giúp nhân sự nâng cao không chỉ chuyên môn mà còn về năng lực quản trị đội nhóm.

    Thời gian qua, Zalo đã kết hợp với các đại học hàng đầu khu vực như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Đại học Fulbright Việt Nam để phát triển chương trình đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận me.grow. Dưới hình thức khóa học ngắn, chương trình mang tới nhiều chủ đề học tập thiết yếu như kỹ năng quản lý, kỹ năng kể chuyện bằng dữ liệu, kỹ năng khai vấn về động lực.

    Zalo tối ưu bài toán chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ- Ảnh 2.

    Từ những trải nghiệm với chương trình, anh Lê Anh Tú cho biết: "Các chương trình đào tạo của Zalo không chỉ là lý thuyết nền tảng mà còn kết hợp phân tích các tình huống, trải nghiệm thực tế. Nhờ vậy, năng lực, tư duy và khả năng vận dụng kiến thức vào công việc của nhân sự được trau dồi và tiến bộ dần theo thời gian."

    Bên cạnh các chương trình đào tạo bài bản, Zalo còn tổ chức nhiều chuỗi chia sẻ công nghệ trong nội bộ (được biết đến với tên gọi Tech Talk) để giúp các thành viên trao đổi về chuyên môn cũng như cập nhật các xu hướng công nghệ mới. Một số chủ đề tiêu biểu có thể kể đến như E2EE (mã hóa đầu cuối), Local AI Phone (AI hoạt động trực tiếp trên thiết bị di động),...

    Ngoài ra, Zalo còn tiên phong trong việc đào tạo thế hệ phát triển sản phẩm công nghệ trẻ thông qua chương trình Zalo Product Management Trainee (Zalo PMT). Được triển khai từ năm 2019, chương trình thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia.

    Zalo tối ưu bài toán chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ- Ảnh 3.

    Với lộ trình đào tạo bài bản được trực tiếp xây dựng bởi các Product Manager (Quản lý phát triển sản phẩm) giàu kinh nghiệm tại Zalo, chương trình đã mang tới cho các thực tập sinh nhiều chủ đề giảng dạy mang tính thực tiễn. Song song đó, các bạn cũng được trao quyền thực hiện các dự án phát triển tính năng mới cho các sản phẩm được hàng triệu người Việt sử dụng như Zalo, Kiki, Zing MP3.

    Chia sẻ về tính thực tiễn của chương trình, bạn Trần Quỳnh Anh - một trong sáu tập sự viên của Zalo PMT 2024 cho biết: "Zalo PMT là trải nghiệm giúp em tiến gần hơn tới công việc của một người phát triển sản phẩm công nghệ. Hơn 4 tháng đồng hành cùng chương trình, em đã vừa được học kiến thức chuyên môn từ các anh chị Product Manager lâu năm, vừa áp dụng nền tảng này vào việc cải tiến tính năng cho các sản phẩm thực tế của Zalo. Cảm giác được chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề của hàng triệu người dùng thật sự rất khác biệt so với bất kỳ cuộc thi hay kỳ thực tập nào mà em đã từng trải qua."

    Sau 6 năm tổ chức, nhiều dự án của các thực tập sinh đã được đưa vào ứng dụng thực tế và mang lại những tác động tích cực cho người dùng. Những nhân tố xuất sắc cũng nhận được cơ hội làm việc chính thức tại Zalo sau khi tốt nghiệp chương trình.

    Theo ghi nhận, Zalo PMT 2024 đã thu hút hơn 700 đơn ứng tuyển. Chương trình đang đi vào những chặng cuối với các dự án phát triển sản phẩm thực tế. Các thực tập sinh dự kiến sẽ tốt nghiệp vào nửa cuối tháng 7/2024.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ