Zara không chỉ là tên một hãng thời trang, đó còn là một siêu người máy có khả năng đọc vị cảm xúc

    Ngocmiz,  

    Trong thời kỳ lên ngôi của trí tuệ nhân tạo, robot đang dần trở nên nhạy cảm hơn với các xúc cảm của con người, thậm chí cả với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

    Để hiện thực hóa giấc mơ robot có thể nói chuyện tự nhiên với con người, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Hongkong gần đây đã công bố một công nghệ nhận diện cảm xúc mới, một trong những nỗ lực tạo ra các tương tác tự nhiên giữa robot với con người tương tự như giữa người với người.

    Giáo sư Pascale Fung và một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Khoa học Công nghệ Hongkong đã phát triển một nguyên mẫu robot dựa trên công nghệ điện toán đám mây có khả năng nói chuyện với mọi người và được đặt tên là Zara.

     Giáo sư Pascale Fung và robot ảo Zara trên màn hình (nikkei.com)

    Giáo sư Pascale Fung và robot ảo Zara trên màn hình (nikkei.com)

    Zara, nhân vật nữ dễ thương trên màn hình máy tính thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi những thông tin như “Kỷ niệm đầu đời của bạn là gì?”, “Hãy kể cho tôi nghe về mẹ của bạn”. Bằng việc phân tích diện mạo người dùng qua webcam máy tính, Zara có thể phán đoán được một số đặc trưng của họ như giới tính, chủng tộc và chọn một trong hai ngôn ngữ được lập trình sẵn – tiếng Trung và tiếng Anh, để nói chuyện với họ.

    Cô người máy chỉ mất 5 phút để nhận diện các đặc điểm cá nhân của người ngồi trước mặt và dựa trên những đặc điểm này cũng như những cuộc trò chuyện tiếp theo để hiểu rõ hơn về người đối thoại. Tuyệt vời hơn, cô còn có thể bắt bài một số chiêu đùa nho nhỏ từ người dùng.

    Xây dựng robot giao tiếp hoàn thiện hơn

    Công nghệ robot đang trở nên ngày càng tiên tiến, tuy nhiên, theo lời giáo sư Fung, “mọi robot nên có nét tính cách riêng để giao tiếp hiệu quả hơn. Chúng không phải máy rút tiền ATM. Trong giao tiếp, khả năng đồng cảm là rất quan trọng để xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.”

    Zara có khả năng phân tích biểu cảm gương mặt và giọng nói người đối thoại để thích ứng cuộc trò chuyện cho phù hợp với người đó. Bên cạnh tiếng Trung và tiếng Anh, giáo sư Fung và các đồng sự cũng đang phát triển thêm tiếng Pháp vào danh mục ngôn ngữ sử dụng của Zara. Theo bà, một người máy có khả năng nhận diện cảm xúc và nói được nhiều thứ tiếng là “cực kỳ hiếm có trên thế giới”.

    Giáo sư Fung lần đầu công bố một phát minh này tại phiên họp hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đại Liên, đông bắc Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Đã có nhiều lời mời đưa Zara vào sản xuất hàng loạt từ các doanh nhân cũng như các nhà đầu tư.

    Zara hiện vẫn đang ở phiên bản ảo trên “mây”, tuy nhiên giáo sư đã lên kế hoạch tạo ra cơ thể thực cho cô người máy trong vòng 2 năm tới. Bà cũng hy vọng có thể thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và các công ty trong ngành công nghệ robot.

    Các robot giống người thật như Pepper và Erica của Softbank Group, robot được phát triển bởi Đại học Osaka và một số viện nghiên cứu khác gần đây cũng gây được sự chú ý lớn từ giới truyền thông Nhật Bản.

    Với tương lai đầy hứa hẹn trong thị trường robot, Fung cùng các đồng sự của bà cũng đang đối mặt với việc phải tạo ra công nghệ trí tuệ nhân tạo thực tiễn hơn giúp Zara trở nên khác biệt với các robot khác. Đến lúc đó, giáo sư kỳ vọng có thể tạo ra những robot đọc vị cảm xúc có khả năng chăm sóc người già và trẻ em.

    Tham khảo: nikkei.com

    NỔI BẬT TRANG CHỦ