Zoom vào cuộc sống mô phỏng môi trường sao Hỏa của các sinh viên Trung Quốc: trồng lúa mì, khoai tây bằng phân bón của chính mình
Xay lúa mì làm bánh, ăn rau được trồng từ phân người và rán côn trùng lên cho bữa tối, cuộc sống ngoài không gian chẳng giống như bất cứ chuyến dã ngoại nào.
Ngày 9/7 tại Đại học Beihang trước đây gọi là Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, 4 sinh viên bước vào một chiếc “kén” mô phỏng môi trường sống ngoài không gian với diện tích 150 mét vuông. Họ sẽ ở đó hơn sáu tháng để thử thách bản thân với nguồn thức ăn tự sản xuất. Trước đó, một nhóm khác đã hoàn tất 2 tháng trong môi trường này. Suốt quá trình đó, các sinh viên đã kể lại trải nghiệm của mình hàng tuần trên WeChat. Thay vì giống như những bản báo cáo trong phim Martian, họ tập trung vào việc nuôi trồng, chế biến và bài trí thực phẩm.
2 nhóm sinh viên tham gia thử nghiệm sống trong môi trường khép kín
Liu Hong, nhà khoa học đứng đầu dự án và thiết kế chính cho biết, môi trường mô phỏng được làm từ 3 cabin mang tên Yueong-1 (hoặc Lunar Palace 1). Dự án nằm trong nỗ lực phát triển một hệ thống “tự cung tự cấp” để duy trì sự sống phục vụ cho các chuyến thăm dò không gian của Trung Quốc.
Liu đã nhận bằng tiến sĩ về lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Đại học Lomonosov Moscow năm 1994, sau đó trở về Trung Quốc để tập trung nghiên cứu mô hình duy trì sự sống ngoài không gian. Cũng trong năm này, bà tiết lộ dự án Yuegong-1 vốn đã được bắt đầu từ năm 2004 với số tiền đầu tư hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD).
Những năm gần đây, Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng phát triển công nghệ vũ trụ. Hiện tại, nước này chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm cho các chương trình không gian (Mỹ là 40 tỷ USD) nhằm thúc đẩy kế hoạch thực hiện chuyến đổ bộ lên nửa tối của Mặt trăng vào năm tới và mong muốn đưa phi hành gia lên đó vào năm 2036. Ngoài ra, các công ty tư nhân Trung Quốc như Landspace đặt rõ mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với SpaceX.
Trong giai đoạn đầu, từ ngày 10/5, 4 sinh viên nghiên cứu mô tả cách họ tạo ra nguồn thực phẩm, từ bước gieo hạt trồng cây, bón phân cho tới lúc thu hoạch. Chất thải người sẽ được lên men, sau đó sử dụng làm chất dinh dưỡng nuôi cây, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín.
Gao Han, thành viên dự án viết vào ngày 17/5 cho biết, các nhà nghiên cứu đã tiến hành trồng lúa mì, khoai tây, cà rốt, đậu đũa và hành tây trong 2 cabin. Mỗi ngày, nhóm tưới nước và điều chỉnh ánh sáng cho cây để làm nguồn thức ăn chính. Bữa trưa đầu tiên gặt hái thành quả, họ chế biến ớt xanh, cà tím với thịt lợn thái mỏng.
Nhưng không rõ thịt lợn lấy từ đâu ra bởi chẳng có báo cáo nào về việc nuôi lợn trong cabin.
Khi lúa mì chín, các nhà nghiên cứu thu hoạch rồi nghiền nhỏ để có thể chế biến thành nhiều món ăn khác như màn thầu, bánh bao và bánh cuốn. Liu Dianlei, thành viên của nhóm thổ lộ, họ cũng cố gắng để làm bánh mì nhưng không thành công vì quá trình nghiền chưa đủ nhuyễn và còn lẫn nhiều cám.
Nguồn protein chủ yếu của nhóm là từ sâu bột. Liu cho biết, loài ấu trùng này có 3 nhiệm vụ gồm: ăn thực vật không dùng tới, tạo khí CO2 cho cây và cuối cùng là cung cấp dưỡng chất cho cả nhóm.
“Tôi luôn cảm thấy ‘áy náy’ mỗi lần giúp các con sâu hoàn thành sứ mệnh cuối cùng… Chúng sinh ra để phục vụ khoa học. Và tôi nhận ra một điều, cần những hy sinh như vậy để phục vụ cho mục tiêu vũ trụ của đất nước mình”, Liu viết.
Duy trì sự sống trong môi trường khép kín chưa bao giờ dễ dàng, nhưng các sinh viên tham gia nghiên cứu lại có thể tiêu khiển bằng cách lướt Internet và chơi phóng phi tiêu thời gian rảnh. Chính trong không gian đó, các bạn trẻ đã nghĩ ra nhiều cách chế biến thức ăn rất thú vị, như dùng lúa mì làm bánh sinh nhật, rồi cắm quả đậu lên thay cho nến. Hai đội sẽ luân phiên nhau sống trong các cabin đó, tổng cộng lên đến 365 ngày.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời