10 năm trước, Intel đã mắc sai lầm khủng khiếp để rồi hôm nay, 12.000 người phải trả giá cho họ

    Ngocmiz,  

    Intel chính là ví dụ mới nhất cho sự chậm thích nghi với các đột phá công nghệ để rồi dần tự hủy hoại mình.

    Tháng 6 năm 2005 có vẻ là thời điểm thắng lớn của Intel. Hãng sản xuất chip khổng lồ đã thâu tóm toàn bộ thị trường máy tính chạy Windows. Ngay sau đó, Steve Jobs cũng thông báo tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple rằng các máy tính của hãng trái táo khuyết cũng sẽ chuyển sang chạy chip Intel. Thông báo này đã chính thức đánh dấu mốc thống trị thị trường chip máy tính toàn thế giới của Intel.

    Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ máy tính cá nhân đang hết thời. Apple cũng đã chuyển sang tập trung vào iPhone, mở ra cả một kỷ nguyên smartphone dài rộng phía trước. Và Intel đã từng từ chối cơ hội sản xuất vi xử lý cho iPhone vì nghĩ rằng Apple sẽ không thể bán đủ lượng máy cần thiết để bù đắp cho chi phí phát triển loại chip này!

    Tuần qua, Intel vừa buộc phải thông báo sa thải 12.000 nhân viên, 11% nhân lực của hãng trong nỗ lực cứu vớt các mảng kinh doanh thời kỳ PC xuống dốc. Intel hiện không phải một tay chơi lớn trong thị trường vi xử lý smartphone – iPhone, iPad và cả các máy Android hầu hết đều dùng các loại chip nền ARM, đối thủ của Intel.

    Mặc dù Intel hiện vẫn đang thu về lợi nhuận khá cao mà theo như thông báo là vào khoảng 2 tỷ USD cho quý đầu năm 2016, tăng trưởng của hãng đã chững lại và các nhà đầu tư phố Wall bắt đầu lo lắng.

    Rõ ràng là Intel đã bỏ lỡ cơ hội vàng với iPhone. Nhận định sai lầm của hãng cũng chính là một ví dụ điển hình của thứ mà bậc thầy kinh doanh Clay Christensen gọi là “công nghệ đột phá” (disruptive technology) – những công nghệ mới có khả năng phá hủy hay thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một ngành công nghiệp nào đó. Thuật ngữ “đột phá” (disruption) đã trở nên quá thời thượng đến mức bị lạm dụng trong giới công nghệ ngày nay. Tuy nhiên, Christensen đã đưa ra một định nghĩa chuẩn xác hơn cho thuật ngữ này, đồng thời cũng thể hiện chính xác hiện trạng của Intel: một công nghệ giá rẻ, giản đơn, thu về lợi nhuận biên thấp hơn nhưng lại dần gặm nhấm toàn bộ thị trường và khiến cho các công nghệ trước nó phải hít khói.

    Intel chính là ví dụ mới nhất cho sự chậm thích nghi với các đột phá công nghệ để rồi dần tự hủy hoại mình.

    Smartphone cần một loại chip khác với PC

     Nhà đồng sáng lập Intel Andy Grove trong một sự kiện năm 1999

    Nhà đồng sáng lập Intel Andy Grove trong một sự kiện năm 1999

    Chính Intel đã phát minh ra chip chuẩn x86 và được IBM lựa chọn cho các dòng máy tính của mình từ năm 1981. Kể từ sau đó, chip Intel đã trở thành chuẩn mực cho các máy tính chạy Windows. Khi kỷ nguyên máy tính cá nhân bùng nổ hồi thập niên 1980, 1990, Intel đã nhanh chóng trở thành gã khổng lồ trong ngành.

    Chìa khóa thành công của hãng là chất lượng sản phẩm. Các con chip với xung nhịp cao hơn có khả năng xử lý tác vụ và chạy nhiều ứng dụng cùng lúc nhanh hơn. Trong những năm 1990, Intel và các đối thủ đã chạy đua nâng cao hiệu suất mHz – thước đo số lượng bước/tác vụ một con chip có thể xử lý trong 1 giây.

    Có một thứ nhà sản xuất chip khổng lồ này không hề để mắt đến là điện năng tiêu thụ. Những con chip xung nhịp cao thường tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Điều này vẫn chưa thực sự đáng bận tâm bởi thường máy tính bàn cũng như laptop vẫn luôn được cắm điện khi sử dụng.

    Thế nhưng đến cuối những năm 2000, điện năng tiêu thụ lại dần trở thành một vấn đề khổng lồ khi thị trường bắt đầu chuyển sang tôn sùng smartphone và tablet. Người dùng luôn muốn sử dụng những thiết bị cầm tay này cả ngày chỉ với 1 lần sạc. Và những con chip x86 của hãng thực sự không thể đáp ứng nổi yêu cầu đó.

    Chính vì vậy mà các nhà sản xuất smartphone lần lượt chuyển sang dùng các loại chip nền ARM. Được phát triển bởi công ty ARM Holdings ở Anh, chip nền ARM được thiết kế phù hợp với các thiết bị cầm tay sử dụng ít điện năng. Vào khoảng giữa những năm 2000, chip ARM chưa thực sự mạnh mẽ như các chip cao cấp của Intel nhưng lại sở hữu mức tiêu thụ pin thấp hơn nhiều, và đây mới là điều Apple và BlackBerry quan tâm.

    Hơn thế nữa, cấu trúc ARM được thiết kế để có thể dễ dàng tùy biến. ARM đã bán bản quyền thiết kế của mình cho các nhà sản xuất chip như Qualcomm và Samsung. Các công ty này sau đó đã hiệu chỉnh, cho thêm nhiều tính năng vào cùng một con chip. Một loạt các tính năng như lưu trữ dữ liệu, xử lý hình ảnh,… trên một con chip duy nhất đã giúp tiết giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.

     Doanh thu chip nền ARM qua các năm (Đơn vị: Tỷ USD)

    Doanh thu chip nền ARM qua các năm (Đơn vị: Tỷ USD)

    Ngày nay, các chip nền ARM đã thống trị thị trường smartphone. iPhone, iPad chạy chip A9 (phiên bản kế nhiệm của chip A8 và A7) được Apple thiết kế dựa trên nền tảng của ARM và sản xuất bởi các hãng điện tử như Samsung hay TSMC. Trong khi đó, hầu hết các smartphone Android cũng chạy chip nền ARM từ Samsung, Qualcomm và các nhà sản xuất khác.

    Cách mạng smartphone đang khiến Intel hít khói

    Trên thực tế, ngoài cơ hội vàng sản xuất chip cho iPhone, Intel vẫn còn cơ hội lần hai để thôn tính thị trường chip cho các thiết bị cầm tay từ XScale, một hãng sản xuất chip chạy nền ARM do Intel sở hữu. Tuy nhiên, hãng đã bán lại XScale với giá 600 triệu USD năm 2006.

    Intel bán XScale vì muốn lặp lại thành công x86 từng đạt được trước đó. Hãng ra sức phát triển một phiên bản chip x86 tiêu tốn ít điện năng hơn gọi là Atom với niềm tin sắt đá rằng bán tiếp chip chạy nền ARM (của XScale) sẽ không khác gì một hành động “phản bội” lại nền tảng Atom.

    Kết cục là chip Atom lại không thành công như mong đợi dù Intel đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc nâng cao hiệu suất cho Atom. Lý do là vì các nhà sản xuất chip nền ARM đã dành hơn một thập kỷ vào việc phát triển chip ít tiêu tốn điện năng nên hẳn nhiên là có một lợi thế nhất định. Hiện nay, chip ARM đã chiếm hầu hết thị phần vi xử lý cho smartphone và tiếp tục có tiềm năng nâng cao vị thế của mình với nhiều kỹ sư, nhiều phần mềm có sẵn hơn.

     Giá cổ phiếu lao dốc của Intel (đường màu cam)

    Giá cổ phiếu lao dốc của Intel (đường màu cam)

    Cuộc vật lộn của Intel chính là một ví dụ điển hình cho sức công phá của công nghệ mới

    Ở một góc độ nào đó bạn có thể nói Intel đã kém may mắn và liên tục đi vào “bụi rậm”. Hãng sản xuất chip hàng đầu này đáng lẽ đã có thể chớp ngay hợp đồng sản xuất chip cho iPhone hay giữ lại XScale thay vì cố gắng bon chen với chip Atom. Thế nhưng Intel đã lựa chọn kết cục này cho chính mình.

    Ở một góc độ sâu sát hơn, kết cục này cùa Intel là tất yếu, theo đúng như nguyên lý về công nghệ đột phá của Christensen.

    Vấn đề cơ bản của Intel là việc thị trường vi mạch smartphone thoạt nhìn có vẻ không đủ tiềm năng mang về lợi nhuận cho hãng. Intel đã phát triển những con chip siêu tốt cho PC, và đội ngũ nhân lực của công ty thực sự là chuyên gia về thiết kế, bán và phân phối chip. Đây là một mảng kinh doanh hấp dẫn bởi Intel có thể ra giá vài trăm USD cho những con chip cao cấp của mình. Chính vì thế mà công ty luôn muốn mỗi con chip bán ra sẽ mang về lợi nhuận cao.

    Tuy nhiên, chip cho các thiết bị cầm tay lại không như vậy. Trong nhiều trường hợp, giá nguyên một chiếc smartphone thậm chí còn rẻ hơn giá một con chip cao cấp của Intel. Với nhiều công ty cùng sản xuất chip nền ARM, giá cả lại càng được đẩy xuống và lời lãi không còn nhiều. Điều này khiến Intel thực sự phải vật lộn mới mong thu về lợi nhuận từ các chip của mình.

    Tại nhiều thời điểm, Intel vẫn thu về khoản lợi nhuận béo bở với các chip cao cấp cho PC. Chính vì thế hãng không thực sự cân nhắc gì nhiều đến thị trường smartphone.

    Và nay, thực tế cho thấy Intel thực sự đã để lỡ ván bài định mệnh khi thị trường các thiết bị di động trở nên rộng lớn hơn cả thị trường PC rất nhiều. Các nhà sản xuất chip dựa trên thiết kế của ARM có thể sẽ thu được lợi nhuận thấp hơn trên mỗi con chip nhưng thị trường này vẫn sẽ cần thêm nhiều tỷ con chip mỗi năm. Ngay cả đứa trẻ cũng nhìn ra, lãi nhỏ mà nhân lên hàng tỷ lần thì cũng vẫn là một kho báu.

    Trong khi đó, Intel lại lo rằng đặt hết ván cược cho các loại chip ít tiêu tốn điện năng sẽ phá hủy mảng kinh doanh chip PC của hãng. Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà sản xuất bắt đầu thu mua chip điện thoại giá rẻ của Intel để nhét vào laptop? Nếu kịch bản đó xảy ra thì Intel sẽ còn chịu thiệt hại nặng nề hơn cả lợi nhuận hãng có thể có được từ sản xuất chip smartphone.

    Rõ ràng là các lãnh đạo của Intel nhận ra lỗi lầm họ đã mắc. Tuy nhiên hiện nay công ty đã bị bỏ lại quá xa trước ngưỡng cửa tiến vào thị trường màu mỡ của chip smartphone. Khi các chip smartphone giá rẻ trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn, chúng ta có quyền hy vọng các hãng sản xuất laptop sẽ đưa chúng vào các mẫu laptop tầm thấp và máy tính bàn, góp phần đánh tan nhu cầu sử dụng các con chip đắt đỏ và hao pin từ Intel.

    Các nhà sản xuất chip ARM đang lặp lại một kịch bản với Intel y như những gì hãng đã làm với Digital Equipment Corporation

    Thật trớ trêu là những gì Intel đang chịu đựng hôm nay cũng chính là những gì hãng đã giáng lên đầu Digital Equipment Corporation (DEC), nhà sản xuất máy tính mini khá nổi danh những năm 1980.

    Thời đó, máy tính do DEC sản xuất có kích cỡ của một chiếc máy giặt và được coi là “mini” so với những chiếc máy tính to cỡ một căn phòng thời đó, được bán ra với giá hàng chục ngàn USD.

    Những chiếc máy tính đời đầu sử dụng chip Intel được coi là máy tính vi mô và các công ty như DEC mặc nhiên coi chúng là đồ chơi cũng chính vì lý do tương tự như lý do Intel phớt lờ mảng chip điện thoại: bán một chiếc máy tính 2000 USD chạy chip Intel hẳn là thu về lợi nhuận kém hơn nhiều so với bán một chiếc mini 50.000 USD DEC đang sản xuất khi đó, nhưng DEC không thể ngờ được rằng thị trường máy tính cá nhân sau đó đã nở rộ và mang về lợi nhuận khổng lồ bù đắp cho khoản lãi thấp trên mỗi chiếc máy.

    Tất nhiên, lịch sử cho thấy PC sau đó đã trở thành một thị trường tiến nhanh như vũ bão, cũng như thị trường smartphone ngày nay. Và cho đến khi DEC thực sự ý thức được điều này, mọi thứ đã quá muộn – DEC cùng các hãng sản xuất tương tự phải tuyên bố phá sản vào cuối thập niên 90, cái kết đau lòng của việc chậm thích ứng với các bước tiến chóng vánh trong công nghệ.

    Tham khảo vox.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ