Mặc dù là cha đẻ của Android nhưng Google lại đang mất dần "quyền kiểm soát" đứa con tinh thần này.
Mặc dù Android đã trở thành hệ điều hành di động lớn nhất hiện nay nhưng Google dường như đang không còn nhiều "quyền nắm giữ" đứa con tinh thần này. Hệ điều hành này vốn từ đầu được dựng lên theo dạng mã nguồn mở, chính điều này đã thu hút rất nhiều nhà sản xuất điện thoại lẫn các lập trình viên tham gia và lựa chọn.
Đáng buồn thay, ý tưởng ban đầu lúc nào cũng tuyệt vời, tuy nhiên càng về sau trải nghiệm người dùng cuối lại càng không đồng đều và bắt đầu phân mảnh. Dưới đây là những nguyên nhân cho thấy Google đang dần đánh mất đứa con Android của mình:
1. Chỉ có 7,5% người dùng đang sở hữu thiết bị chạy phiên bản Android Marshmallow mới nhất
Một sự thật bất ngờ là phiên bản Android N sắp sửa ra mắt trong tháng này, nhưng hiện tại chỉ mới có 7,5% thiết bị smartphone đang chạy phiên bản Android Marshmallow (phiên bản 6.0, mới nhất tính tới thời điểm hiện tại).
Chỉ có 7,5% thiết bị hiện tại chạy Android Marshmallow.
Phần lớn các thiết bị khác vẫn đang sử dụng phiên bản Lollipop (Android 5.0) và KitKat (Android 4.4). Bất ngờ hơn, có đến 21% người dùng vẫn đang sử dụng điện thoại chạy phiên bản Jelly Bean (tên gọi phiên bản Android từ 4.1 đến 4.3.1)
Chính sự giới hạn phần cứng trong những thiết bị cũ đã khiến chúng không thể cập nhật lên phiên bản mới hơn, điều này ngày càng tạo nên sự phân mảnh trong hệ sinh thái mở Android.
2. Nhà sản xuất smartphone có quyền quyết định đến việc cập nhật phiên bản hệ điều hành
Mặc dù Google là cha đẻ của Android nhưng quyền quyết định thiết bị đó có tiếp tục "sống" với phiên bản mới hơn hay không lại thuộc về nhà sản xuất thiết bị này.
Hay nói cách khác, đa phần các hãng điện thoại thay vì tung ra bản cập nhật mới, họ có xu hướng sản xuất ra một chiếc điện thoại mới hơn và kèm theo phiên bản Android mới nhất trên đó.
Vậy nếu muốn tận hưởng hệ điều hành mới một cách trọn vẹn thì làm cách nào? Đơn giản thôi, tậu ngay một chiếc điện thoại mới và tất nhiên người được lợi nhất lại chính là…hãng sản xuất điện thoại.
3. Sự xâm lăng của giao diện tùy biến
Không thể phủ nhận khả năng tùy biến giao diện trên Android, nó cho phép nhà sản xuất lẫn người dùng có thể tạo ra những giao diện đặc trưng riêng cho mình. Samsung, LG, HTC, Sony…đều có giao diện riêng của mình, tất cả đều muốn đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Mỗi hãng sản xuất lại cho ra một kiểu giao diện khác nhau.
Tuy nhiên cũng chính điều này đã vô tình khiến cho giao diện gốc của Android rơi vào quên lãng. Chưa kể đến một số giao diện tùy biến của các hãng lại quá rườm rà hoặc thi thoảng "trở chứng" khiến máy chạy ì ạch.
4. Thương hiệu Nexus đang dần bị lu mờ
Lượng người quan tâm đến Nexus đang ít dần.
Ai cũng biết rằng Nexus là "ngọn cờ đầu" của Google mỗi khi tung kèm hệ điều hành mới hàng năm. Tuy nhiên với sự phát triển công nghệ liên tục kèm theo đó là sức ép đa dạng sản phẩm đến từ các hãng lớn hiện nay, Nexus đang mất dần sự quan tâm của người tiêu dùng.
5. Android Wear vẫn chưa đủ hấp dẫn
Android Wear cần thêm thời gian để đủ sức thu hút người dùng.
Google cũng muốn tham gia vào thị trường đồng hồ thông minh (smartwatch) với Android Wear . Không thể phủ nhận những công dụng mà smartwatch có thể đem lại, tuy nhiên cái giá bỏ ra để có được nó là không nhỏ.
Mặc dù nền tảng này đã và đang phát triển nhưng nhìn chung Google vẫn còn một chặng đường khá dài để đủ thu hút người tiêu dùng.
6. Giao diện Android gốc quá nhàm chán
Phiên bản Android mới nhất thực sự chẳng thay đổi gì về mặt giao diện và chính vì thế nên nó lại càng nhàm chán hơn trong mắt người tiêu dùng.
Chính vì thế các hãng sản xuất phải tùy biến lại giao diện Android gốc một phần là để xóa bỏ sự nhàm chán, phần còn lại là vì họ muốn tạo sự khác biệt và dấu ấn riêng.
7. Sự thất bại của Android One
Sản xuất điện thoại chạy Android giá rẻ là một ý tưởng cực kỳ hay, tuy nhiên cách quảng cáo của Google lại không mấy hiệu quả. Thực tế không có nhiều người dùng biết đến hoặc nếu có biết cũng không đánh giá cao chiếc smartphone này khi nó ra mắt.
Chính vì vậy đây vẫn là sản phẩm gây nhiều hoài nghi cho người dùng về chất lượng lẫn hiệu năng. Tuy nhiên mới đây Google cho biết họ quyết định tập trung phát triển phần mềm nhiều hơn và hứa hẹn sẽ đưa Android One thế hệ thứ hai quay lại thị trường trong thời gian tới.
8. Ai cũng có thể lập trình được ứng dụng
Vì là mã nguồn mở nên tất nhiên ai cũng có thể tiếp cận và lập trình ứng dụng một cách dễ dàng. Tuy nhiên đây cũng là kẽ hở để nhiều phần tử xấu lợi dụng tạo những ứng dụng mang nội dung tuyên truyền.
Mới đây, lực lượng phiến quân Taliban đã tung ra ứng dụng trên Google Play với mục đích tuyên truyền và trình chiếu những video liên quan đến khủng bố. Mặc dù Google đã xóa ứng dụng này khỏi kho 2 ngày sau đó nhưng nó cũng khiến người dùng lo ngại về độ an toàn khi sử dụng hệ điều hành này.
9. Tâm điểm của những tên hacker
Sự phát triển quá nhanh và ngày càng nhiều người lựa chọn sử dụng nên Android trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tên hacker để ý tới.
Các phần mềm chứa mã độc lúc nào cũng ngấm ngầm nhắm vào các thiết bị này và dường như người dùng phải tự "phòng thân" trước những hiểm họa này.
10. Bảo mật không cao
Như đã nói ở trên, ai cũng có thể lập trình được ứng dụng Android, chính vì vậy những phần tử xấu có thể tìm cách khai thác những dữ liệu cá nhân của bạn sau khi đã cài xong ứng dụng đó.
Đây là một mối đe dọa tiềm tàng khi những ứng dụng này đôi khi có khả năng truy cập được cả hình ảnh, video, danh bạ, tin nhắn…của người dùng. Và nếu những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu thì hậu quả sẽ cực kỳ khó lường.
Theo Kênh 14 / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"