12 xu hướng sẽ khuấy đảo giới công nghệ năm 2017

    Ngocmiz,  

    Thực tế ảo, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,... và còn gì nữa?

    Công ty tư vấn chiến lược và thiết kế sản phẩm Frog mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát nhân viên trên tất cả các chi nhánh trên toàn cầu xem đâu là những xu hướng quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng đến đến cuộc sống của chúng ta trong năm 2017. Hãy cùng điểm lại 12 xu hướng được đề cập nhiều nhất dưới đây nhé.

    1. Vật liệu xây dựng ­­­­thân thiện với môi trường

    Bên cạnh việc các thành phố thông minh sẽ được gắn nhiều loại cảm biến để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, các tòa nhà và đường cao tốc cũng sẽ được xây dựng từ các vật liệu thân thiện với môi trường. Các nhà khoa học vật liệu và kiến trúc sư đã tạo ra được những loại gạch được cấy vi khuẩn, xi măng có thể thẩm thấu CO2 cũng như hệ thống làm mát các tòa nhà chỉ sử dụng năng lượng gió và mặt trời.

    Xu hướng này có thể sẽ cực kỳ thịnh hành trong các thành phố lớn cũng như các ngành công nghiệp như du lịch, khách sạn. Một số khu resort, khách sạn cao cấp tại Mỹ đã ứng dụng điện mặt trời vào hoạt động. Công nghệ này không chỉ hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn giúp tạo lập một môi trường xanh thân thiện và thu hút những khách hàng quan tâm đến môi trường trong tương lai.

    2. Thực phẩm nhân tạo và nông nghiệp tế bào sẽ sớm trở nên phổ biến

    Cùng với những sáng kiến toàn cầu giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu và các loại thức ăn có nguồn gốc từ việc giết hại động vật một cách tàn ác, thế giới đang nỗ lực chạy đua tìm kiếm giải pháp thay đổi hoàn toàn cách con người tiêu thụ protein, đặc biệt là các phương thức loại bỏ được thịt động vật.

    Hai phương thức có tiềm năng nhất hiện nay là tách chiết protein từ thực vật và chế xuất ra những loại thực phẩm cho cảm giác ăn giống thịt. Chúng ta cũng từng biết đến những bước đột phá về công nghệ mô và sinh học nhân tạo được ứng dụng vào điều chế các loại thực phẩm như thịt, trứng hay thậm chí là bơ sữa trong phòng thí nghiệm.

    Năm 2017 sẽ chứng kiến một lượng lớn thực phẩm nhân tạo gốc thực vật được đưa vào các cửa hàng, siêu thị. Chúng sẽ sớm không chỉ còn được xếp ở những khu vực để rau nữa mà hoàn toàn có thể thay thế nhiều loại đồ ăn khác.

    3. Robot sẽ “mềm” hơn trước đây

    Robot ngày nay chủ yếu vẫn được làm từ kim loại cứng và chỉ thực hiện được những tác vụ đơn giản được lập trình sẵn. Thế nhưng nếu sử dụng robot trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta đều mong muốn chúng có thể tương tác linh hoạt hơn và mang lại những cảm giác “giống người” hơn.

    Những năm tới đây, các bộ phận trên robot sẽ được thay thế bằng những vật liệu mô phỏng cơ thể con người. Người ta thậm chí còn phát động phong trào SoftRobotics Gripper để thúc đẩy các sản phẩm robot “mềm dẻo” hơn. Xa hơn nữa, một số phòng nghiên cứu hiện đã thử nghiệm các loại polimer hoạt tính như chất đàn hồi điện môi (dielectric elastomer) có thể thay đổi hình dáng khi dòng điện chạy qua.

    Chúng ta sẽ sớm được chứng kiến nhiều ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ này vào thực tế. Một vài ví dụ có thể kể đến là những loại robot thân mềm có thể giúp chúng ta lái xe, chăm sóc sức khỏe (thay điều dưỡng) hay thậm chí là được cấy vào trong cơ thể để thực hiện một số tác vụ nhất định.

    Cuộc cách mạng robot sẽ diễn ra một cách từ từ nhưng lại phủ trên diện rộng. Khi robot trở nên linh hoạt hơn, con người có thể sử dụng chúng vào rất nhiều ngóc ngách khác nhau trong cuộc sống.

    4. Thực tế ảo sẽ thay thế dần các buổi trình diễn live

    Khi thực tế ảo (VR) ngày càng phổ biến hơn, các buổi diễn live sẽ dần bị thay thế bởi hình thức giải trí tại nhà qua kính thực tế ảo. Với lựa chọn này, mọi người có thể tận hưởng không gian giải trí sống động ngay trong ngôi nhà yên ấm của mình với chi phí thấp.

    Như một khoản đền bù cho chi phí của những ghế ngồi trống hay những show diễn đã bán sạch vé, các nhà tổ chức chương trình sẽ tìm cách bán vé VR cho những chỗ ngồi có tầm nhìn sân khấu tốt nhất. VR trong tương lai sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm đắm chìm mà các loại TV hiện nay vẫn khó lòng sánh nổi.

    Một ý tưởng thú vị nữa về ứng dụng của VR là trong những trải nghiệm vi mô trong đó người dùng có thể du hành xuyên không gian và thời gian để xem lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời họ. Hãy tưởng tượng bạn có thể sử dụng camera 3D để quay lại một kỷ niệm đáng nhờ, rồi nhiều năm sau làm một chuyến du lịch VR để xem lại nó ngay tại căn phòng nhỏ của mình. Các nhà sản xuất nội dung sẽ ngày càng tạo ra nhiều trải nghiệm, thước phim,… ấn tượng phân phối qua các lênh mạng xã hội hay nền tảng như Netflix. Những trạm VR công cộng sẽ sớm xuất hiện tại nhiều thành phố để những người không có điều kiện mua kính thực tế ảo cũng có thể có được những trải nghiệm tuyệt vời như vậy. Thực tế ảo được kỳ vọng sẽ giúp những thước phim điện ảnh, phóng sự,... hiện nay có thể chạm sâu được vào trái tim và tâm trí người xem qua những trải nghiệm như đang đứng trong cảnh thật mà nó mang đến.

    5. Không gian có thể dễ dàng được tùy biến

    Không gian trong tương lai sẽ không chỉ còn là ngôi nhà trong đó bạn sống và làm những việc cá nhân nữa. Chúng sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc sống của bạn.

    Các bộ cảm biến giá rẻ có thể được gắn vào nhiều vị trí khác nhau trong căn phòng bạn sống để thu nạp dữ liệu về cho các hệ thống machine learning phân tích. Các hệ thống máy tính sau đó sẽ gợi ý những hướng điều chỉnh, tùy biến không gian để phục vụ hay khuyến khích những cảm giác/hành vi mong muốn ở những người sống trong không gian đó.

    Công nghệ này có thể được ứng dụng vào y tế, bán lẻ, nghiên cứu, sản xuất hay các không gian trong nhà và nơi làm việc. Chẳng hạn như trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện có thể thay đổi cách bài trí, biển hiệu các phòng hay điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp với tình trạng của các bệnh nhân. Những hệ thống cảm biến và phân tích sẽ dựa trên mức độ căng thẳng, bệnh lý, lịch trình điều trị, lối sống và các chỉ số luyện tập hình thể của bệnh nhân để gợi ý cách tùy chỉnh không gian phù hợp. Khi các không gian này “học” và phát triển lên mức tinh vi hơn, chúng sẽ mang lại kết quả y tế và chất lượng sống cao hơn cho người sống hay điều trị tại đây, cùng lúc đó cũng tiết giảm chi phí xây mới hạ tầng cho các bệnh viện lớn nhỏ.

    6. Các phương tiện tự lái sẽ hoạt động như các siêu anh hùng

    Ngay cả đến giờ ta vẫn thường được nghe những con số tàn khốc như 1,2 triệu người tử vong do tai nạn xe hơi mỗi năm trên toàn cầu. Thế nhưng các phương tiện tự lái sẽ xuất hiện ngày càng nhiều để “cứu rỗi” con người.

    Tuy tỷ lệ tai nạn do xe tự lái gây ra sẽ thấp hơn so với việc con người tự điều khiển (trên thực tế 90% các vụ tai nạn xe tự lái đều là do lỗi của con người) nhưng các nhà sản xuất vẫn luôn muốn tìm cách khắc phục để đưa tỷ lệ này về mức thấp hơn nữa.

    Trong những tình huống tải sắp xảy đến, các xe nên được trang bị khả năng xử lý nhanh để cứu mạng người ngồi trong. Hãy tưởng tượng thế này: Một chiếc xe tự lại đang đứng chờ đèn đỏ sẽ tự động chờm vào một khúc quanh đường để tránh một chiếc xe do người lái đang trực tông thẳng vào đuôi xe. Biết đâu trong những năm tới, bạn sẽ được đọc những tin tức kiểu “Xe tự lái cứu người như trong phim hành động?”

    7. Nghệ sỹ yêu thích của bạn sẽ là một trí tuệ nhân tạo (AI)

    Chuyện AI có thể viết báo, phân tích dữ liệu, xác định bệnh lý,… có thể nhiều người đã nghe qua. Thế nhưng liệu AI có thể “phá đảo” được cả những lĩnh vực nghệ thuật vốn vẫn mang hơi thở của con người hay không?

    Phòng nghiên cứu CSL của Sony mới đây đã nạp hàng ngàn trang nhạc vào cho cỗ máy AI của mình sáng tác nên ca khúc “Dady’s Car” (được một nhạc sỹ người thật chỉnh lại bản cuối). Chúng ta cũng từng được chứng kiến AI tự tạo ra những đoạn nhạc, bức họa, hay thậm chí là những đoạn phim khoa học viễn tưởng tương tự như trong No Man’s Sky.

    Tuy những đoạn nhạc, thước phim này còn có phần thô sơ nhưng rất có thể một ngày nào đó, qua vô số lần thử nghiệm và học hỏi từ dữ liệu, các hệ thống AI có thể đưa ra những bản hit đứng đầu bảng xếp hạng hay những thước phim được đề cử giải thưởng? Tất cả những điều này đang mở ra một chân trời mới trong lĩnh vực sản xuất phim và nhạc.

    8. Thực tế ảo sẽ “lừa” bạn làm cả những việc tưởng như không thể

    Các phương pháp trị liệu bằng thực tế ảo sẽ được ứng dụng vào các liệu trình điều trị phục hồi các chứng bệnh nghiện, lo sợ, căng thẳng thần kinh,…

    Mindmaze, công ty đi tiên phong trong lĩnh vực này đã và đang tạo lập một môi trường ảo cho các bệnh nhân đột quỵ dẫn đến bại liệt tứ chi. Môi trường thực tế ảo được kỳ vọng sẽ giúp não bộ bệnh nhân tự kết nối lại cũng như kết nối được với các cơ quan trên cơ thể để chúng hoạt động trở lại. Sẽ sớm thôi, VR dần trở thành một phần thiết yếu trong liệu trình điều trị của nhiều căn bệnh rối loạn tâm lý ở người.

    9. Dữ liệu lớn sẽ thay đổi ngành y tế

    Từ trước đến nay, các bác sỹ vẫn tiến hành các phương thức điều trị “một kiểu cho tất cả mọi người” – hướng tiếp cận không phải lúc nào cũng hiệu quả. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể đưa ra các phương thức điều trị chính xác cho từng bệnh nhân dựa trên những dữ liệu chi tiết thu thập được từ các chuyên gia y tế chăm sóc họ?

    Trường ĐH California, San Francisco đã đi tiên phong trong lĩnh vực y khoa chuẩn xác này. Ngôi trường này đang huấn luyện các bác sỹ trò chuyện nhiều hơn với bệnh nhân để nắm được hoàn cảnh, môi trường sống, điều kiện kinh tế, gia đình,… họ trước khi đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị.

    Hướng tiếp cận này sẽ thay đổi cục diện ngành y tế theo hướng tích cực: thay vì chú trọng vào phát hiện và chẩn đoán bệnh qua triệu chứng thì nay lại chuyển sang tập trung vào việc thấu hiểu và điều trị theo đúng cơ chế của bệnh đó trên cơ thể họ. Hướng tiếp cận này cũng căn cứ cả vào các yếu tố liên quan đến điều kiện môi trường sống và điều kiện xã hôi của bệnh nhân. Với những ai am hiểu về công nghệ cũng như mục đích cuối cùng của việc điều trị bệnh có thể sẽ tạo ra được những chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực này, chẳng hạn như các nền tảng y tế có thể thu thập và phân tích dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân.

    10. Giao diện người dùng qua giọng nói

    Kể từ những năm 1980 đến nay, tương tác giữa con người và máy tính chủ yếu vẫn phụ thuộc giao diện đồ họa người dùng. Tuy nhiên, chính sự mệt mỏi của người dùng phải tiếp xúc với quá nhiều loại màn hình thiết bị cũng như sự phát triển của các công nghệ IoT phủ sóng từ ô tô đến nhà ở đã dẫn đến nhu cầu mới về những loại giao diện không còn phụ thuộc vào hình, trong đó người dùng có thể dùng nhiều kênh khác giao tiếp với máy tính.

    Ví dụ của ứng dụng này có thể kể đến việc hãng sản xuất ô tô tìm cách giúp các tài xế có thể tập trung lái xe qua hệ thống điều khiển bằng giọng nói. Những thiết bị đột phá như Here One thì đang giúp chúng ta khám phá ra cả một thế giới thực tế ảo tăng cường qua việc lồng ghép các âm thanh trong tai nghe không dây vào những gì chúng ta nghe được từ bên ngoài. Và mới đây nhất là chiếc AirPods của Apple, thiết bị giúp người dùng iOS có cơ hội đắm chìm trong hệ giao thức âm thanh với các thiết bị gắn mác táo. 2017 được dự đoán sẽ là năm của AUI – Audio User Interface (giao diện người dùng qua âm thanh).

    11. Máy bay không người lái (drone) được dùng để giúp đỡ những người sống trong các khu vực giao thông khó khăn

    Quốc gia nghèo châu Phi Rwanda hiện đang nỗ lực xây dựng sân bay dành cho drone đầu tiên trên thế giới nhằm mục đích cung cấp thuốc thang một cách nhanh chóng cho những người cần chúng nhất. Thay vì phải chờ đường sá xây xong mất hàng tháng trời, những người dân nghèo sống ở các vùng hẻo lánh có thể nhận được sự giúp đỡ thiết yếu qua những chiếc drone nhỏ đậu không cần bến bãi.

    Drone đã và đang giúp tiết giảm được rất nhiều kinh phí cho các hoạt động nhân tạo. Nếu như trước đây, chỉ các tổ chức lớn với nguồn lực dồi dào để đầu tư vào vệ tinh hay máy bay lên thẳng mới có thể thực hiện các hoạt động nhân đạo thì nay, bất cứ ai có drone cũng có thể thử vận chuyển tặng phẩm đến tay người nghèo. Mặc dù drone mang tên gọi chính thức là “máy bay không người lái” nhưng phía sau những chiếc máy bay này luôn là một người điều khiển và nắm quyền quyết định chúng có thể làm những gì.

    12. Chính con người sẽ học hỏi từ trí tuệ nhân tạo

    Là một phân ngành trong trí tuệ nhân tạo, machine learning (máy học) luôn có mặt trong danh sách các xu hướng công nghệ hot nhất vài năm trở lại đây. Thế nhưng năm tới đây, chúng ta thậm chí có thể học được cả cách tương tác với nó.

    Chiến thắng vang dội của chiếc máy tính chời cờ AlphaGo trước kỳ thủ cờ vây Lee Sedol đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực machine learning. Tuy nhiên, ngay lúc cố gắng luyện tập để đánh thắng AlphaGo thì nhiều kỳ thủ cờ vây cũng bắt đầu lên trình. Trên thực tế, chúng ta đã và đang học rất nhiều từ cách các thuật toán hoạt động, cho dù đó có là chỉnh lại “gu” like trên Facebook để nền tảng này gợi ý đúng những thứ ta muốn và hoàn thiện thuật toán bên trong hay học hỏi về chính não bộ của loài người bằng cách quan sát cách các mạng thần kinh nhân tạo học những điều mới.

    Trong tương lai, khi mà hành vi và lựa chọn của con người giúp máy tính học được nhiều hơn, chúng ta sẽ sớm quay lại học từ chính những hệ thống machine learning. Liệu việc quan sát và áp dụng cách một chiếc máy tính ghép nối từ ngữ có khiến chúng ta viết lách tốt hơn?

    Học hỏi từ machine learning có thể mang lại tầm ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta suy nghĩ về giáo dục và học tập, qua đó tự xây dựng cho mình những hướng tiếp thu tương tự như cách những hệ thống machine learning vẫn dùng để tự dạy chính bản thân chúng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ