12.000 tấn vỏ cam bị quên lãng đã biến một vùng đất cằn cỗi trở thành rừng xanh như thế nào?

    Kuroe,  

    Một dự án bị buộc phải dừng hoạt động và tưởng chừng như đã rơi vào quên lãng, đột ngột được nhắc lại nhờ vào những tác động hết sức tích cực cho môi trường sau gần 20 năm.

    Năm 1997, hai nhà nghiên cứu của trường đại học Princeton là Daniel Janzen và Winnie Hallwachs đã tìm đến hãng sản xuất nước cam Del Oro tại Costa Rica với một lời đề nghị hết sức đặc biệt. Đó là nếu Del Oro chịu dành tặng một phần đất của mình cho trung tâm bảo tồn quốc gia Guanacaste, họ sẽ có quyền đổ toàn bộ số vỏ cam là rác thải của quá trình sản xuất ra một vùng đất đã bị thoái hóa ở bên trong công viên, mà không phải chịu thêm bất kỳ một khoản phí tổn nào cả.

    Đây là một lời đề nghị có lợi cho cả hai bên, khi mà Del Oro có chỗ để giải quyết vấn rác thải của mình; còn trung tâm bảo tồn quốc gia có thể sử dụng chỗ vỏ cam đó để cải thiện và phục hồi phần đất đai đã bị thoái hóa tại công viên.

    Đương nhiên, Del Oro hoàn toàn đồng ý với lời đề nghị này, và chỉ ít lâu sau đó, họ đã cho đổ 12000 tấn vỏ cam ra vùng đất cằn cỗi kể trên. Và chỉ trong vòng sáu tháng sau đó, chỗ vỏ cam kể trên đã biến thành một lớp đất đen bao phủ toàn bề mặt của vùng đất này.

    Tuy nhiên dự án đầy tham vọng này đã sớm gặp phải rắc rối, khi mà một nhà sản xuất nước quả khác mang tên TicoFruit đã đệ đơn kiện Del Oro lên tòa án, với lý do công ty Del Oro đã "xả rác ra công viên quốc gia". Kết quả là TicoFruit thắng kiện, và dự án đầy tham vọng nói trên bị buộc phải dừng hoạt động.

    "Bãi rác" của Del Oro trong công viên quốc gia tưởng chừng như đã bị rơi vào quên lãng, cho đến khi nhà sinh thái học Timothy Treuer tại trường Đại học Princeton quay trở lại Costa Rica vào năm 2013 - tức 15 năm sau khi dự án kể trên bị buộc phải dừng hoạt động.

    Theo như lời Treuer, thì thử thách lớn nhất đối với ông lúc đó chính là tìm ra "bãi rác" của năm nào, khi mà vùng đất cằn cỗi của ngày xưa nay đã trở thành một khu rừng tràn ngập cây xanh.

    "Cái biển báo đánh dấu vị trí được cắm tại khu vực này đã bị che phủ bởi các loại cây dây leo, khiến chúng tôi không thể tìm ra chính xác vị trí của khu vực này sau hàng chục lần tìm kiếm."

    So sánh chất lượng đất của khu vực này với vùng đất ngay bên cạnh, nhóm nghiên cứu của Treuer cho biết; chỗ đất được hình thành từ vỏ cam giàu dưỡng chất hơn, cũng như có nhiều loài cây phát triển trên đó hơn. Thậm chi, tại đây còn xuất hiện một cây sung lớn đến mức cần 3 người trưởng thành mới có thể ôm trọn đường kính thân cây.

    Về việc tại sao vỏ cam lại có thể phục hồi phần đất khô cằn thuở nào một cách vô cùng hiệu quả như vậy chỉ sau 16 năm, nhóm nghiên cứu vẫn chưa có được câu trả lời chính xác.

    Bãi rác năm nào nay đã phủ một màu xanh
    "Bãi rác" năm nào nay đã phủ một màu xanh

    "Đó chính là câu hỏi triệu đô mà chúng tôi vẫn đang trong quá trình đi tìm lời giải," Treuer cho biết.

    Trong khi câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vẫn còn là điều bí ẩn, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng đây sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhiều dự án bảo tồn và phục hồi khác được thực hiện trên toàn thế giới.

    "Thật tiếc là chúng ta đang phải sống trong một thế giới mà đất đai đang ngày một trở nên khô cằn, trong khi một lượng lớn rác thải hữu cơ mang đầy dưỡng chất cho đất lại đang bị bỏ phí. Chúng tôi hy vọng rằng có thể thay đổi được điều này trong tương lai, để có thể tạo ra được những kết quả tốt hơn cho môi trường."

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ