24 năm nữa, Trung Quốc đối mặt với thảm họa khôn lường: Đặc biệt là Bắc Kinh, Thiên Tân

    Trang Ly, Pháp luật & Bạn đọc 

    Một khu vực trồng lương thực trọng điểm của Trung Quốc sắp đối mặt với thảm họa gì?

    Một nghiên cứu mới cảnh báo, thủ đô Bắc Kinh, Thiên Tân và năm tỉnh lân cận của Trung Quốc có thể phải đối mặt với 22 ngày nắng nóng khắc nghiệt và ô nhiễm ozone (ôzôn) hàng năm vào năm 2046-2050, SCMP đưa tin.

    Tác động kép về môi trường đã làm tăng tỷ lệ tử vong sớm ở khu vực rộng lớn được gọi là Đồng bằng Hoa Bắc - bao gồm Bắc Kinh, thành phố cảng Thiên Tân gần đó và năm tỉnh lân cận. Vào năm 2050, đây sẽ là khu vực Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm ozone và nhiệt độ cực cao, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hóa học và Vật lý Khí quyển được bình duyệt.

    Giáo sư Wang Pinya tại Đại học Thông tin và Công nghệ Nam Kinh, tác giả chính và cộng sự cho biết: "Kết quả cho thấy, với sự nóng lên toàn cầu và các đợt nắng ngày càng gia tăng, thì sự xuất hiện của nhiệt độ cực cao và ô nhiễm ozone được dự báo sẽ thường xuyên hơn vào năm 2046-2050 so với mức hiện tại ở Trung Quốc".

    Bà lưu ý rằng, chính phủ cần tăng nỗ lực gấp đôi nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí là rất quan trọng để giảm mức ô nhiễm ozone vào cuối thế kỷ này.

    24 năm nữa, Trung Quốc đối mặt với thảm họa khôn lường: Đặc biệt là Bắc Kinh, Thiên Tân - Ảnh 1.

    Ảnh: Geographical

    Trái ngược với tầng ozone ở tầng bình lưu [ozone (O3) tự nhiên] hấp thụ nhiều bức xạ cực tím nguy hiểm của Mặt trời, bảo vệ sự sống hành tinh thì ozone ở tầng đối lưu là khí nhà kính và chất ô nhiễm độc hại, có khả năng gây hại cho sức khỏe con người cũng như cây trồng và năng suất hệ sinh thái.

    Kể từ năm 1990, một phần lớn khí thải từ hoạt động của con người góp phần tạo ra tầng ozone mặt đất gây hại. Ozone mặt đất gây hại được hình thành khi ánh sáng Mặt trời tương tác với các nitơ oxit (N2O) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi do các nhà máy điện, nhà máy, xe cộ và các nguồn khác thải ra.

    Nó là một chất gây ô nhiễm không khí có hại ở mặt đất, và việc tiếp xúc lâu dài với nồng độ ozone cao có thể gây tổn hại nghiêm trọng không chỉ đến sức khỏe con người (tổn thương phổi...) mà còn cả thảm thực vật và hệ sinh thái.

    Ô nhiễm ozone thường đi kèm với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió yếu. Trong khi hầu hết các nghiên cứu trước đây đều xem xét tác động đơn lẻ của nhiệt độ cực cao hoặc ô nhiễm ozone, thì các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc do Giáo sư Wang Pinya dẫn đầu đã xem xét tác động tích lũy của các hiện tượng cực đoan trong cả hai lĩnh vực [nhiệt độ cực cao và ô nhiễm ozone].

    Nghiên cứu cho thấy tác động tổng hợp của chúng sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn so với ô nhiễm ozone hoặc nhiệt độ cực cao.

    100 ca tử vong hàng ngày từ 2017-2019 & hơn thế

    Khoảng 100 ca tử vong hàng ngày trong giai đoạn 2017-2019 ở Đồng bằng Hoa Bắc - khu vực trồng lương thực trọng điểm và là nơi sinh sống của khoảng 400 triệu người - có thể là do nhiệt độ và mức độ ô nhiễm ozone bề mặt quá cao cùng tác động một lúc, Giáo sư Wang và các đồng nghiệp ước lượng.

    Ô nhiễm ôzôn đã trở thành một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở các thành phố lớn của Trung Quốc trong thập kỷ qua.

    24 năm nữa, Trung Quốc đối mặt với thảm họa khôn lường: Đặc biệt là Bắc Kinh, Thiên Tân - Ảnh 2.

    Cừu gặm cỏ trong một hồ chứa cạn nước trong đợt hạn hán ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

    Kế hoạch hành động năm 2013 của Trung Quốc nhằm cắt giảm lượng khí thải đã làm giảm mức độ của nhiều chất gây ô nhiễm không khí, bao gồm sulfur dioxide (SO2), nitơ oxit, carbon đen và bụi mịn PM2.5. Tuy nhiên, nồng độ ozone bề mặt đã có xu hướng tăng trong giai đoạn 2013-2017, theo nghiên cứu.

    Theo nghiên cứu, trong mùa ấm từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2013-2017, tốc độ gia tăng nồng độ ozone trung bình hàng năm vượt xa tốc độ ở các nước láng giềng như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

    Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ cho biết, Đồng bằng Hoa Bắc, rộng 14 triệu ha, là một điểm nóng về nhiệt độ khắc nghiệt và ô nhiễm ozone ở Trung Quốc.

    Từ năm 2014 đến năm 2019, vùng đồng bằng này đã ghi nhận khoảng 40 ngày nắng nóng khắc nghiệt và ô nhiễm ôzôn, gần 7 ngày mỗi năm.

    Điều đáng lo ngại là tác động kép như vậy có thể tăng lên 110 ngày trong giai đoạn 2046-2050 - trung bình hàng năm là 22 ngày (nghĩa là tăng thêm 15 ngày so với giai đoạn 2014-2019), theo một trong bốn dự báo của các nhà nghiên cứu.

    Các nhà khoa học cảnh báo, sự gia tăng các tác động kép như vậy vào năm 2050 là chắc chắn trong cả bốn kịch bản, bất chấp các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Do đó, số ca tử vong vì nhiệt cao và ô nhiễm ozone có thể tăng hơn nữa.

    Nghiên cứu kết luận: "Kết quả của chúng tôi củng cố thêm quan điểm rằng các hành động vì khí hậu được xác định là rất quan trọng để giúp cho cộng đồng của chúng ta ít bị tổn thương hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu".

    Nguồn: SCMP

    https://soha.vn/24-nam-nua-trung-quoc-doi-mat-voi-tham-hoa-khon-luong-dac-biet-la-bac-kinh-thien-tan-20220426082741805.htm
    https://soha.vn/24-nam-nua-trung-quoc-doi-mat-voi-tham-hoa-khon-luong-dac-biet-la-bac-kinh-thien-tan-20220426082741805.htm
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ