24 sản phẩm thất bại thảm hại của những thương hiệu lớn nhất thế giới

    NPQM,  

    Không phải lúc nào đỉnh vinh quang cũng sẵn sàng mời gọi các "ông lớn" lên thống trị và tận hưởng.

    Quyết định ra mắt một sản phẩm là cả một bước đi trọng đại. "Chưa đầy 3% số sản phẩm mới ra mắt có thể đem lại doanh số vượt ngưỡng 50 triệu USD - kể cả khi có một khởi đầu thuận lợi," phát biểu của Joan Schneider và Julie Hall từ "The New Launch Plan".

    Đó cũng là lý do tại sao ngay cả những cái tên đình đám như Microsoft, McDonald's hay Pepsi, Netflix cũng từng có lúc sa vào vũng lầy. Và dưới đây là 24 trường hợp đáng nhớ nhất về số phận của các sản phẩm mới được ra mắt trên thị trường thế giới.


    1957 — Ford Edsel

    Bill Gates từng chia sẻ rằng đây là một trong những trường hợp ông cảm thấy rất hứng thú khi tìm hiểu về ngọn nguồn của sự việc. Cụ thể, Ford đã đầu tư 400 triệu SUSD cho thiết kế xe này, giới thiệu vào năm 1957. Nhưng người dân Mỹ lại không tỏ ra mặn mà lắm với nó, vì họ muốn một sản phẩm nhỏ gọn, tiết kiệm hơn. Do vậy, nó đã bị ngừng sản xuất vào năm 1960.


    1975 — Sony Betamax

    Thập niên 1970 từng chứng kiến một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa 2 thiết bị chạy video Betamax và VHS. Sony khi ấy đã sai lầm: họ mở bán Betamax vào năm 1975, đúng thời điểm VHS được ra mắt. Nhưng Sony lại giữ độc quyền về các chiến dịch quảng bá và phân phối sản phẩm, khiến cho VHS nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhanh hơn. Dù công nghệ chế tạo của Betamax được đánh giá cao hơn nhưng VHS vẫn đứng trên một bậc về sự phổ biến và ưa thích.


    1985 — New Coke

    Đầu thập niên 1980, Coke bị lép vế trước sự hoành hành của Pepsi. Quảng cáo "Pepsi Challenge" góp phần rất lớn trong thành công của họ. Để cạnh tranh, Coca-Cola đã nỗ lực tạo ra một loại đồ uống có vị giống như thế để lôi kéo khách hàng. Dù những tiến triển ban đầu khá tích cực nhưng sau một thời gian, New Coke bị ngừng sản xuất và Coca-Cola trở lại với công thức gốc của họ, cho ra đời một cái tên mới: Coca-Cola Classic.


    1989, 1992 — Pepsi A.M. và Crystal Pepsi

    Năm 1989, Pepsi cố gắng giành lấy sự thống trị của đồ uống cho bữa sáng với Pepsi A.M. Nhưng đáng tiếc là tuổi đời của nó chỉ kéo dài 1 năm.

    Năm 1992, Pepsi tiếp tục nỗ lực lần nữa, với gương mặt mới: "Crystal Pepsi". Và kịch bản cũ lại lặp lại, khi dấu chấm hết hiển hiện vào năm 1993. Tuy nhiên, họ bất ngờ phát triển và ra mắt lại Crystal Pepsi vào năm 2016, dù nhiều người cho rằng nó có vị lạ và không ưa chuộng lắm.


    1989 — Xì-gà không khói RJ Reynolds

    Trong thập niên 1980, trong khi mọi người đang lũ lượt tham gia các chiến dịch chống tác hại của hút thuốc, RJ Reynolds đã đầu tư đến 325 triệu USD cho một sản phẩm xì-gà không khói mới. Nhưng chúng là không tỏ ra hữu dụng và làm hài lòng được khách hàng, nên chỉ 4 tháng sau đã bị "tan thành mây khói".


    1990 — Nước suối Coors Rocky Mountain

    Đây là một nước đi sai lầm của công ty Coors nổi tiếng với loại bia của mình, vì hóa ra khách hàng của họ chỉ quan tâm hầu hết tới bia mà thôi. Dù sao thì họ vẫn may mắn giữ được vị thế là một trong những công ty sản xuất bia lớn nhất thế giới.


    1993 — Apple Newton

    Máy tính Newton đi liền với những ngày tháng không mấy tươi đẹp của Apple. Forbes phát biểu rằng máy tính bỏ túi Newton thất bại là do một vài yêu tố như: giá thành cao (700 USD) chiều cao 8 inch và chiều rộng 4,5 inch, cơ chế nhận diện chữ viết quá tệ đến nỗi bị đem ra làm trò cười. Tất nhiên, khi ra đời iPad thì mọi chuyện lại là cả một thời kỳ đỉnh cao diễn biến khác dành cho Apple.


    1995 — Microsoft Bob

    Microsoft Bob lẽ ra đã trở thành một nền tảng với giao diện trực quan dễ thao tác với người dùng Windows - một dự án một phần được phụ trách bởi Melinda, vợ Bill Gates. Nhưng chỉ sau 1 năm ra mắt, Microsoft đã loại bỏ khỏi hệ thống của mình. Tại sao? "Đáng tiếc là Microsoft Bob yêu cầu cấu hình hệ thống cao hơn so với tiêu chuẩn hầu hết vào thời điểm hiện tại, và tiềm năng phát triển trên thị trường cũng không nhiều," Gates giải thích.


    1995 — Nintendo Virtual Boy

    Nintendo Virtual Boy là một bước nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo nói chung. Tuy nhiên, thực tế thì nó lại không hoàn toàn đem lại những gì mà người tiêu dùng mong chờ. Các trò chơi tương tác chỉ có độ phân giải thấp, đồ họa nghèo nàn cùng cơ chế tương tác không thật sự thích hợp. Đây là thất bại lớn nhất trong lịch sử của Nintendo.


    1996 — McDonald's Arch Deluxe

    Nă m1996, MacDonald's giới thiệu Arch Deluxe, sản phẩm mà không bao giờ chiếm được cảm tình của khách hàng. Ban đầu nó được tạo ra để hướng đến thị trường thành phố, và số tiền bỏ ra đầu tư là 100 triệu USD, để rồi cuối cùng lại kết thúc trong thất bại ê chề.


    1997 — Orbitz soda

    Lọ soda này, với vẻ ngoài y hệt như một dung dịch nham thạch núi lửa và có vẻ hấp dẫn, thì lại không có được thành công như vậy khi trực tiếp nếm thử mùi vị. Ra đời vào năm 1997, nó biến mất khỏi nhu cầu thị trường chỉ sau 1 năm.


    1998 — Khoai tây chiên Frito-Lay WOW!

    Vào cuối những năm 90, Frito-Lay cho ra mắt một loại thức ăn hấp dẫn - một nhãn hiệu WOW! mới cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm khoai tây chiên lát mỏng Olestra "không béo". Nhưng cũng giống như một vài sản phẩm được quảng cáo tương tự khác vẫn cho kết quả thừa cân, Olestra lại bị một nhược điểm là quá khó tiêu hóa và hấp thụ, khiến cho nó phải chịu kết cục không lấy gì làm tốt đẹp.


    1999 — Sữa chua Cosmopolitan

    Cosmopolitan đã có một quyết định vô cùng thú vị khi định giới thiệu thương hiệu sữa chua của chính mình vào năm 1999. Khi ấy, thị trường sữa chua đã bão hòa và quá đa dạng, và độc giả của tạp chí này cũng chỉ tìm kiếm niềm vui khi trải nghiệm những dòng chữ chứ không quan tâm lắm đến mùi vị của loại sữa chua kia.


    2006 — Microsoft Zune

    Zune được sinh ra để cạnh tranh với iPod nhưng đáng tiếc là điều đó đã không trở thành sự thật. Robbie Bach, cựu quản lý bộ phận kinh doanh di động và giải trí cá nhân của Microsoft đã giải thích về điều này: "Chúng tôi không đủ can đảm, và cuối cùng thì sản phẩm chúng tôi làm ra dù không phải là tệ nhưng vẫn chỉ theo sau đuôi Apple, chưa đủ thuyết phục để đánh bại họ hoàn toàn."


    2006 — Điện thoại ESPN

    Điện thoại ESPN, giới thiệu vào tháng 1 năm 2006, từng là cái tên nổi trội trong lĩnh vực phân phối mạng lưới di động số (MVNOs) trong thập kỷ trước, đi kèm với nhiều thương hiệu khác như Helio, Disney Mobile... Đây là ý tưởng được phát triển dựa trên tiềm năng của việc chia sẻ nội dung độc quyền của riêng ESPN trên những chiếc điện thoại này. Nhưng có một khía cạnh làm nản lòng bất cứ ai: giá thành lên đến 400 USD. Cuối cùng, ESPN phải ngừng sản xuất và đóng dịch vụ vì chẳng có ai mua nó cả.


    2006 — HD-DVD

    Tài trợ và đầu tư bởi Toshiba là chủ yếu, HD-DVD là "truyền nhân" định dạng cao cấp của DVD khi nó được ra đời vào tháng 3 năm 2006. Các đầu đĩa tương thích cũng dần được chế tạo, ngay cả Xbox 360 cũng mở bán một phụ kiện đi kèm dành cho đĩa HD-DVD.

    Nhưng phát kiến đĩa Blu-ray của Sony đã giành được chiến thắng lớn nhất khi sở hữu nhiều ưu điểm hơn, và dần được nhiều hãng giải trí khác đem vào áp dụng phổ biến ngày càng nhiều. Chỉ 1 tháng sau đó, Toshiba tuyên bố họ sẽ ngừng nỗ lực phát triển HD-DVD.


    2007 — Joost

    Joost, tên gốc là "The Venice Project", vốn được phát triển để trở thành một mạng lưới TV tương tác trực tiếp giữa các thiết bị trong tương lai, được chắp tay bởi chính những người có công tạo nên Skype. Mike Volpi từ Cisco được thuê về để làm CEO điều hành.

    Lẽ ra Joost đã có thể tạo nên một bước ngoặt trong cách mà chúng ta giải trí và dành thời gian tận hưởng cho các video đa phương tiện. Nhưng Hulu - một dự án hợp tác giữa News Corp., NBC, Disney đã dần vươn lên thành một trang web phổ biến chuyên phát sóng các chương trình TV trên mạng Internet, khiến cho Joost chỉ còn tồn tại trong ký ức phai mờ của mọi người.


    2008 — Google Lively

    Vì một vài lý do nào đó mà Google bỗng quyết định cạnh tranh với Second Life trong lĩnh vực trò chơi mô hình mạng xã hội tương tác ảo, cho ra mắt Google Lively vào tháng 7 năm 2008. Nhưng sau khi toàn bộ hình thức khai thác đó dần không được nhiều người để ý đến thì sau 4 tháng, nó đã vĩnh viễn bị đặt dấu chấm hết.


    2009 — JooJoo

    Trong thời đại thống trị của Apple iPad có giá thành 499 USD thì hẳn là một tablet dưới cơ mà cũng đòi đến 499 USD y hệt thì không thể thu được thành công rồi. JooJoo bị "xóa sổ" chỉ sau 1 năm ra mắt.


    2009 — The Nook

    Ra đời vào năm 2009, NOOK nay đã trở thành một thiết bị đọc sách điện tử bị dừng sản xuất bởi Barnes & Noble. Brain Sozzi, trưởng ban cố vấn chiến lược tại Belus Capital Advisors đã cho biết lý do bắt nguồn từ việc khách hàng dần mất đi hứng thú với việc đọc sách, đồng thời Barnes & Noble cũng không chi mạnh tay cho chiến dịch quảng bá sản phẩm, đi kèm với sự cạnh tranh lấn át hơn hẳn từ Amazon Kindle.


    2011 — Qwikster

    Tháng 9 năm 2011, Reed Hastings công bố thông tin rằng Netflix sẽ ra mắt Qwikster là một dịch vụ cho thuê DVD. Lời phát biểu đó đã nhận được nhiều phản hồi khá tiêu cực về tình thế hiện tại, khiến cho Hastings phải rút lại nó sau 23 ngày.

    Cũng trong thời gian đó, Netflix giới thiệu một tiện ích dịch vụ vận chuyển đĩa video game đến tận nhà theo yêu cầu. Cuối cùng, đó vẫn là những ý tưởng bị bỏ đi.


    2011 — HP Touchpad

    Hp từ bỏ sản phẩm TouchPad và phát kiến hệ điều hành di động WebOS của mình chỉ sau 1 tháng rưỡi xuất hiện trên thị trường. Chiếc tablet này quá lép vế so với iPad, chỉ bán được 25000 máy trên BestBuy sau 49 ngày.

    Thực ra thì chất lượng của HP TouchPad không phải là tệ. Thiết kế có thể chưa được mượt mà ở các góc cạnh nhưng có thể cải tiến nhanh chóng sau đó nếu tiếp tục, chỉ có điều là kể cả như vậy vẫn chưa đủ để đánh bại iPad mà thôi.


    2013 — Facebook Home

    Facebook Home là nỗ lực của Facebook để "thâm nhập" vào cả giao diện màn hình nền cho điện thoại của bạn, nhưng lại thất bại thảm hại. Đơn giản vì nếu bạn không có, hoặc không hoàn toàn nắm giữ hết quyền kiểm soát hình nền smartphone của mình, nó sẽ trở thành một đống hỗn loạn hết sức.

    Chỉ trong 2 tháng ra mắt, phí dịch vụ đã phải giảm xuống từ 99 USD còn 0,99 USD một cách tuyệt vọng. Theo các chuyên gia đánh giá, Home chỉ dành cho các fan cuồng mạng xã hội này, và cũng chiếm rất nhiều dữ liệu truyền tải cùng thời lượng pin.


    2016 — Samsung Galaxy Note 7

    Có lẽ không còn gì để nói nhiều về sự cố này của Samsung nữa. Một sản phẩm flagship cao cấp dính lỗi pin nghiêm trọng gây ra hàng loạt tai nạn, khiến cho nó bị cấm trên toàn bộ các chuyến bay và cuối cùng là thu hồi đổi trả, vô hiệu hóa toàn bộ dòng máy.

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ