3,3 triệu PC tại Hàn Quốc sắp sửa từ bỏ Windows, chuyển sang Linux
Có hai lý do chính đằng sau việc chuyển đổi này.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây vừa công bố sẽ chuyển toàn bộ số máy tính đang được sử dụng tại các viện trung ương, địa phương, và các viện công sang hệ điều hành nền Linux bắt đầu từ cuối năm nay.
Quyết định này được đưa ra chỉ một tháng sau khi Microsoft chính thức ngừng hỗ trợ "miễn phí" đối với hệ điều hành Windows 7 - vốn là hệ điều hành máy tính được sử dụng rộng rãi bởi chính phủ Hàn Quốc.
Có hai lý do dẫn đến việc Hàn Quốc chuyển sang sử dụng Linux.
Lý do đầu tiên là chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào Microsoft nói chung, và Windows nói riêng. Lý do thứ hai, họ muốn cắt giảm chi phí liên quan bản quyền phần mềm.
Choi Jang-hyuk, Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào một công ty đơn nhất, đồng thời giảm ngân sách bằng cách sử dụng một hệ điều hành mã nguồn mở..."
Dù hầu hết các distro Linux hiện nay đều miễn phí, nhưng các quan chức Hàn Quốc ước tính việc chuyển toàn bộ 3,3 triệu PC hiện có từ Windows 7 sang Linux sẽ làm tiêu tốn khoảng 780 tỷ won (xấp xỉ 655 triệu USD). Chi phí này bao gồm việc thực hiện, chuyển đổi, và mua sắm các PC mới.
Bộ Chiến lược và Tài chính dự định trước hết sẽ tiến hành thử nghiệm chuyển đổi để đánh giá và phát hiện khả năng tương thích cũng như các vấn đề về bảo mật khi sử dụng hệ điều hành mới.
Bởi nhiều website chính phủ, các thiết bị mạng, và phần mềm tại Hàn Quốc được thiết kế để tương thích với các hệ điều hành Windows, tiến hành thử nghiệm là một bước đi khôn ngoan của chính phủ.
Nếu chương trình thử nghiệm thành công, không gặp phải sự cố lớn nào, thì chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành triển khai sử dụng Linux trên diện rộng hơn. Và nếu chính phủ Hàn Quốc thành công trong việc chuyển đổi sang Linux, chính phủ nhiều quốc gia khác trên thế giới có thể cũng sẽ học hỏi và đi theo mô hình này.
Đến thời điểm hiện tại, các quan chức Hàn Quốc vẫn chưa nêu rõ họ dự định chuyển sang distro Linux nào, hay liệu họ có dự định tạo nên một distro của riêng mình như Triều Tiên từng thực hiện với Red Star OS hay không. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Cảnh sát quốc gia nước này đã và đang sử dụng một distro Linux dựa trên Ubuntu là Harmonica OS 3.0.
HarmoniKR - distro Linux đang được Bộ Quốc phòng và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc sử dụng
Được biết, Bưu điện Hàn Quốc đang chuyển đổi sang TMaxOS, một hệ điều hành Hàn Quốc sử dụng trình duyệt web nền Chromium là ToGate và có giao diện desktop độc đáo. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng và Bộ Hành chính và An ninh cũng bước chân vào thế giới Linux với distro dựa trên Debian là GooRoom Cloud OS. Tuy nhiên, GooRoom Cloud giống Chrome OS hơn là các desktop Linux truyền thống, bởi nó hoạt động trên nền tảng đám mây.
Chính phủ Hàn Quốc còn dự định triển khai chương trình "Desktop as a Service (DaaS)", trong đó sử dụng một môi trường PC ảo chạy trên đám mây vào nửa sau năm 2020. Theo ước tính, với DaaS, Hàn Quốc sẽ tiết kiệm được đến 72% chi phí. Các tiêu chuẩn an ninh và mô hình DaaS hiện đang trong giai đoạn phát triển, dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm vào tháng 10 năm nay.
Rõ ràng, thông tin Hàn Quốc chuyển sang sử dụng Linux là một tin vui đối với cộng đồng người dùng Linux nói chung, vốn từ lâu đã luôn khẳng định Linux là hệ điều hành tốt hơn so với Microsoft Windows. Việc một chính phủ nghiêm túc cân nhắc hệ điều hành này như một giải pháp thay thế khả thi cho Windows càng củng cố cho niềm tin này. Hi vọng họ sẽ thành công!
Tham khảo: FOSSLinux
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"