4 câu chuyện có thật giúp bạn hiểu việc bị ăn cắp danh tính có thể đáng sợ đến thế nào
Dính án giết người, mất đi cả thân phận... đó là những gì bạn có thể phải trải qua khi là nạn nhân của một vụ trộm danh tính.
Khi thông tin cá nhân của bạn bị ai đó sử dụng với mục đích trục lợi mà không có sự cho phép, đó được gọi là "mất cắp danh tính". Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn cho rằng thông tin bị đánh cắp cũng không quá nghiêm trọng, miễn nó không liên quan đến thẻ tín dụng và tiền bạc là ổn.
Có điều, sự thật thì việc bị đánh cắp danh tính có thể đáng sợ hơn bạn tưởng rất nhiều đấy.
1. Lộ thông tin hộ chiếu, bà mẹ trẻ tự nhiên dính án giết người
Đó là những gì xảy ra với Nicole McCabe - một phụ nữ người Úc. Theo ABC đưa tin vào năm 2010, McCabe - đang mang thai 6 tháng và đang sống ở Israel - bỗng phát hiện ra mình bị truy nã với tội danh giết người.
Cô nhận được tin thông qua đài radio. Bản tin cho biết có 3 người Úc đứng sau vụ ám sát lãnh đạo lực lượng kháng chiến Hồi giáo tại Dubai, và một trong đó là McCabe.
Tấm hộ chiếu bị lợi dụng để phạm tội. Ảnh trong hình không phải của McCabe
Sau khi điều tra thì hóa ra McCabe và 2 người Úc kia là nạn nhân của tội phạm ăn cắp danh tính, mà ở đây là thông tin hộ chiếu. Theo đó, McCabe đang trong quá trình xử lý để làm hộ chiếu, thì kẻ gian đã lợi dụng điều đó, lấy thông tin của cô để tạo ra một cuốn hộ chiếu giả.
May mắn là ảnh trên cuốn hộ chiếu fake kia không phải của McCabe, nên mọi chuyện cũng được làm sáng tỏ sau đó.
2. Bị tước đoạt thân phận vì một kẻ "ngáo đá"
Helen Anderson là một y tá đã về hưu. Tháng 10/2011, bà Helen có chuyến bay đi thăm con gái bị ốm của mình, giao lại ngôi nhà cho cháu gái là Samantha với lời dặn: không để bạn bè đến đây.
Tuy nhiên khi quay trở lại thì không chỉ Samantha đang ở nhà, mà còn có Alice Lipski - bạn của cô. Theo lời Samantha, Alice mới chia tay bạn trai và xin ở lại vài ngày. Helen không vừa ý, nhưng chỉ yêu cầu Alice phải rời đi trước cuối tuần và không có thắc mắc gì nữa.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Alice là kẻ nghiện ma túy đá, đồng thời cũng là một tên trộm danh tính hết sức chuyên nghiệp. Alice nhắm vào hòm thư, và qua các hóa đơn cô ả đã nắm được toàn bộ thông tin cá nhân của Helen.
Vụ án của Alice và Helen (Minh họa: Dan Panosian)
Từ đây, Alice mạo danh Helen để rút sạch tiền ra khỏi tài khoản, đồng thời mở một thẻ tín dụng mới. Ranh ma hơn, cô ả đăng ký dịch vụ theo dõi để nhìn được lịch sử tín dụng trước kia của Helen, báo mất các thẻ tín dụng đã ngưng hoạt động để nhận thẻ mới kèm tên truy cập và mật khẩu. Và rồi sau đó, Helen mất quyền kiểm soát toàn bộ các tài khoản ngân hàng của mình mà không hay biết gì, vì mọi thông báo đã được yêu cầu chuyển đến địa chỉ của Alice.
Phải mất vài tuần Helen mới nhận ra điều khác thường, khi các hóa đơn không còn gửi về nữa. Vài tháng sau đó, bà nhận được nhiều cuộc gọi từ các tổ chức tín dụng vì các giao dịch bất thường - đánh bạc, thay lốp xe, mua sắm quần áo... Tổng cộng trong 6 tháng, hơn $30.000 (gần 700 triệu đồng) đã ra đi dưới danh nghĩa của bà.
Trái ngang hơn, Helen còn rơi vào tình cảnh "Như người nước ngoài trong chính đất nước của mình," - trích lời bà khi trả lời phỏng vấn với trang Rd. Khi công ty tín dụng hỏi về tên truy cập và mật khẩu, Helen dĩ nhiên không thể trả lời đúng. Những gì bà có thể làm là đến tận nơi, trình ra bằng lái xe, và bắt đầu một rắc rối còn lớn hơn.
Một cách cực kỳ chuyên nghiệp, Alice đã khiến cho mọi thông tin cá nhân của Helen lưu tại ngân hàng bị thay đổi. Bà phải cãi nhau hàng giờ về những thông tin tưởng như rất hiển nhiên về chính mình, như... công việc cũ, địa chỉ nhà, thậm chí cả tên mẹ đỡ đầu của Helen cũng bị thay đổi. "Tôi chẳng thể chứng minh tôi là ai. Tôi có cảm giác như mình không còn là một con người nữa."
Helen (đã bị che mặt) và bằng chứng ăn cắp danh tính của Alice Lipski
Hay nói cách khác, danh tính của Helen đã bị tước đoạt - ít nhất là tại các ngân hàng của bà.
Sau này Alice cũng bị bắt, nhưng chỉ vì cô ả vô tình để quên túi xách của mình tại một cửa hàng quần áo. Bên trong đó là một chiếc máy tính và... hơn 10 bằng lái với những cái tên khác nhau, đều là ảnh của ả. Theo bản cáo trạng, Alice và đồng bọn đã khoắng gần 1 triệu đô chỉ nhờ vào việc ăn cắp danh tính của người khác.
*Tên nạn nhân và thủ phạm đã được thay đổi
3. Bị chính mẹ đẻ trộm danh tính, đến khi bà chết mới phát hiện ra
Câu chuyện xảy ra với Axton Betz-Hamilton vào năm 2014 (theo ABC News). Axton khi ấy biết rằng mình là nạn nhân của một vụ trộm thông tin cá nhân, nhưng không tài nào biết được ai là thủ phạm. Cô chỉ biết cha mẹ mình 20 năm trước cũng là nạn nhân của một vụ trộm danh tính, nên cô giả định rằng thông tin của mình cũng bị tiếp cận từ khi đó.
Trong vòng 20 năm, kẻ gian đã sử dụng số an sinh xã hội của Axton để rút hơn 4000 USD, cùng một khoản nợ trong thẻ tín dụng lên tới cả trăm ngàn dollar. Khỏi phải nói cũng biết nó gây hậu quả đến rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của cô.
Axton Betz-Hamilton bên cạnh cha và mẹ - người đã khiến cô rơi vào cảnh nợ nần chồng chất
Năm 19 tuổi là lần đầu tiên cô nhận ra mình là nạn nhân, khi công ty vận chuyển yêu cầu cô phải đặt cọc $100 chỉ vì lịch sử tín dụng xấu. Sau này, cô phải trả góp ô tô với lãi suất cao hơn gần gấp đôi so với người bình thường, lãi bảo hiểm, tiền điện, truyền hình cáp... cũng cao hơn.
Cô sau đó cũng thông báo cho cảnh sát, nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Axton cứ sống trong uất ức như vậy, cho đến khi mẹ cô qua đời vào năm 2013. Lúc này, sự thật mới bắt đầu sáng tỏ.
Cha của Axton tìm được một chiếc hộp cũ chứa toàn bộ sao kê tín dụng dưới tên của con gái mình, nhưng chủ thẻ lại là bà vợ quá cố. Cảm thấy không thể tin nổi, 2 người lục lại đống đồ cũ và tìm ra các bằng chứng không thể chối cãi, về việc mẹ cô chính là thủ phạm. Hóa ra, bà đã lấy danh tính của cả chồng lẫn con mình, và lấy cắp của ông ngoại thêm $1.500.
4. Nhân viên sở thuế vụ trốn thuế nhờ trộm danh tính
Nakeisha Hall là một nhân viên của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS), với vai trò trợ giúp các nạn nhân bị trộm danh tính để gian lận thuế. Thế nên có nằm mơ cũng chẳng ai ngờ rằng một nhân viên mẫn cán của sở lại lợi dụng điều này để thêm một lần nữa lấy cắp thông tin của chính khách hàng.
Trong giai đoạn 2008-2011, Nakeisha lợi dụng máy tính của sở để có được tên, ngày tháng năm sinh và số an sinh xã hội của rất nhiều người. Từ đây, ả ta trục lợi nhờ gian lận hoàn thuế và các yêu cầu hoàn tiền trên thẻ ghi nợ.
Ở thời điểm bị bắt, tổng cộng Nakeisha đã lấy được $400.000 và bị kết án 9 năm tù giam.
Tham khảo: ABC News, RD, Identity Force
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI