6 sự thật bất ngờ cho thấy thời Trung Cổ còn hấp dẫn hơn cả bối cảnh trong Game of Thrones
Bối cảnh Game of Thrones được lấy từ thời Trung Cổ. Nhưng lịch sử cho thấy thời đại này có nhiều điểm hấp dẫn hơn phim.
Cuối cùng thì mùa 8 của Game of Thrones cũng đã ra mắt sau hơn 2 năm bắt các fan chờ đợi.
Bộ phim được lấy bối cảnh tại châu Âu thời Trung Cổ, và nội dung dù đều là hư cấu nhưng cũng khắc họa rất tốt một phần sự thật về giai đoạn này. Bởi lẽ, thời Trung Cổ (Middle Ages) đã luôn được xem là giai đoạn tăm tối nhất trong lịch sử châu Âu.
Giai đoạn này kéo dài từ thế kỷ thứ 5 - 15, với rất nhiều vấn đề đã xảy ra như chiến tranh, dịch bệnh, thậm chí cả chuyện... an toàn vệ sinh cá nhân.
Nhưng dù vậy, đây cũng là một thời đại có nhiều điểm hấp dẫn, cả về văn hóa, kiến trúc, lẫn luật pháp. Và nếu hiểu hơn về thời đại này, bạn sẽ thấy lịch sử đôi khi còn thú vị hơn cả những gì bộ phim đình đám kia đã mang lại cơ đấy.
1. Thời Trung Cổ, mặc đồ có sọc là rất nguy hiểm
Bạn sẽ khó được an toàn nếu mặc đồ có sọc vào thời đại này. Như trong một nghiên cứu của ĐH Columbia thì vào năm 1310, một người thợ đóng giày tại Rouen thậm chí đã bị xử tử chỉ vì phạm vào điều cấm kị này.
Ở thời Trung Cổ, đồ có sọc được quy định chỉ dành cho các diễn viên, nhạc công, kẻ dị giáo, những gã hề, gái điếm... nói chung là những người được xem là không có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Đây là trang phục dùng để phân biệt họ với tầng lớp quý tộc.
Lý do tại sao đồ có sọc lại phải chịu đựng sự phân biệt đối xử này chưa được khoa học làm rõ. Nhưng theo giả thuyết của một số chuyên gia thì đây được xem là trang phục của quỷ, thể hiện sự gian dối vì các họa tiết sọc cho phép một người giấu đi hình thể thật của mình.
2. Một thời đại của dịch bệnh
Thời Trung Cổ, y học rõ ràng không thể so sánh với thời hiện đại, và vì thế xã hội con người rất dễ phải đối mặt với những dịch bệnh nguy hiểm.
Dịch bệnh đầu tiên mà con người biết đến xảy ra vào giữa thế kỷ thứ 6. Đó là một trận dịch hạch khủng khiếp đã càn quét và giết chết 125 triệu người tại châu Âu và châu Á.
Một dịch bệnh khác xảy ra vào thế kỷ 14, bắt nguồn từ Trung Quốc sang châu Âu khiến hơn 25 triệu người thiệt mạng. Nhìn chung vào thời Trung Cổ, ít nhất 1/3 dân số châu Âu đã biến mất vì các dịch bệnh khác nhau.
3. Những ô trống kỳ lạ trên các bức tường trong nhà thờ
Các nhà thờ được xây dựng vào thời Trung Cổ thường có một số ô trống kỳ lạ trên tường, giống như trong bức ảnh trên.
Các ô trống này được gọi là "hagioscope", ra đời với mục đích phục vụ những con chiên ngoan đạo vì một lý do nào đó - như mắc bệnh phong - mà không thể vào nhà thờ. Nhờ các hagioscope, họ sẽ được quan sát các buổi hành lễ diễn ra bên trong.
Các hagioscope không có hình dạng cố định, mà mỗi nhà thờ sẽ có thiết kế khác nhau. Có thể hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, thậm chí là hình thánh giá. Tuy nhiên vào thế kỷ 16, hầu hết các ô này đều bị bít lại sau khi bệnh phong được chữa khỏi.
4. Cầu thang xoắn luôn xếp theo chiều kim đồng hồ
Cầu thang xoắn là một công trình khá đặc trưng trong các lâu đài thời Trung Cổ, và nó gần như luôn được xây theo chiều kim đồng hồ nếu đi từ dưới lên trên.
Tất nhiên, mọi thứ đều có mục đích. Đây là thời kỳ chiến tranh xảy ra liên miên, và việc xây cầu thang theo chiều kim đồng hồ là để phục vụ cho mục đích phòng thủ. Cụ thể là vì các hiệp sĩ chủ yếu chiến đấu bằng tay phải, nên khi đi từ trên xuống sẽ thuận lợi hơn. Ngược lại, những kẻ tấn công đi từ dưới lên lại gặp rắc rối vì thiết kế này.
Các bậc thang cũng được làm với độ cao và độ rộng khác nhau. Điều này giúp phe phòng thủ có thêm lợi thế về địa hình, trong khi phe tấn công thì dễ trượt ngã vì không quen.
Dù vậy thì cũng có một số nơi ngoại lệ. Chẳng hạn như lâu đài Waldstein được xây ngược chiều kim đồng hồ, vì hầu hết thành viên trong gia đình đều thuận tay trái.
5. Khi các hiệp sĩ Trung Cổ đánh nhau với... ốc sên
Trong các văn bản lịch sử phía Bắc nước Pháp vào thế kỷ 13 có một số hình ảnh cho thấy các hiệp sĩ đang chiến đấu cùng những con ốc sên.
Lý do cho sự tồn tại của những bức hình này chưa được làm rõ, nhưng có nhiều giả thuyết được đặt ra. Nổi bật nhất là giả thuyết cho rằng vì người thời đại này không ưa gì ốc sên. Chúng là loài có vỏ, và là biểu tượng của sự hồi sinh, nên các hiệp sĩ cần chiến đấu với nó để đảm bảo luân hồi.
Một giả thuyết khác là bức tranh này thể hiện biểu tượng của sự hèn nhát.
6. Phụ nữ thời Trung Cổ... không được đẹp như phim
Trong Game of Thrones, các fan đã ngưỡng mộ trước nhan sắc của Sansa Stark, vẻ kiều diễm của mẹ rồng Daenery Targaryen và biết bao nhân vật nữ nóng bỏng. Tuy nhiên, sự thật không được như vậy đâu.
Dĩ nhiên là thời đại nào thì phụ nữ cũng có vẻ đẹp riêng. Nhưng ở thời Trung Cổ, việc tiếp cận với mỹ phẩm, nước sạch và các tiện ích khác còn khá hạn chế, nên vẻ đẹp của họ sẽ chẳng thể so bì với phụ nữ thời hiện đại.
Một vài ví dụ cơ bản như sau: phụ nữ thời Trung Cổ sẽ không được kẻ lông mày, mà phải gắn lông mày giả bằng lông chuột. Họ cũng thích da trắng, nên sẽ dùng hỗn hợp chết người bao gồm chì, acid và thủy ngân để giúp da trắng hơn. Đổi lại thì dĩ nhiên là... chết sớm.
Tham khảo: BS, VT.co
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"