Alibaba mua Lazada Việt Nam: A đây rồi, Tiki và toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam có lo sợ?

    PV,  

    Thương vụ 1 tỉ USD biến Jack Ma trở thành ông chủ của Lazada toàn cầu liệu có phải là “cú hích” với ngành Thương mại điện tử Việt Nam?

    Ngày hôm qua, Alibaba công bố một thương vụ lớn, đó là mua lại Lazada với khoản đầu tư trị giá 1 tỉ USD. Alibaba tuyên bố thương vụ này sẽ là tiền đề giúp tập đoàn này mở rộng thị trường sang các quốc gia bên ngoài Trung Quốc, cụ thể ở đây là Đông Nam Á.

    Hiện tại, Đông Nam Á là thị trường mà Lazada đang có thị phần tốt nhất khi dẫn đầu ở khá nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

    Đây chắc chắn là thông tin đáng quan tâm nhất ngày với những người đang làm thương mại điện tử nước nhà. Một số người kỳ vọng sự tham gia của Alibaba sẽ thay đổi diện mạo toàn bộ ngành TMĐT Việt Nam, lâu nay vẫn được xem như một cái “xác sống”. Kể cả với Lazada Việt Nam, dù đứng top thị trường, cũng vận hành vô cùng khó khăn, mở rộng chật vật và chưa bao giờ tính đến việc thu lời từ thị trường.

    Vẫn còn quá sớm để nói về việc Alibaba có thể thành công tại Việt Nam hay không, nhưng thương vụ giữa Alibaba và Lazada sẽ tạo ra một số vấn đề mà chúng ta có thể thấy ngay.

    Đầu tiên, dễ thấy nhất với Lazada Việt Nam, đó là tiền. Ai cũng khẳng định làm TMĐT Việt Nam cần rất nhiều tiền. Tiền cần nhiều tới mức, ngay cả một DN nước ngoài như Lazada, sau những khuyến mãi khủng và chương trình quảng cáo rầm rộ để mở rộng thị trường, cũng đã phải chững lại, với những bước tiến thận trọng hơn, tạo đà cho các DN TMĐT khác tại Việt Nam phát triển.

    Sau khi bị Alibaba thâu tóm, nhiều khả năng Lazada sẽ tiếp tục được bơm vốn để đẩy mạnh hoạt động và tiếp tục cuộc chiến với những đối thủ khác. Tiki, startup mới nhận được 18 triệu USD từ VNG hay A đây rồi, DN thương mại điện tử của Vingroup sẽ phải dè chừng với đối thủ vừa được tiếp sức này.

    Mặc dù vậy, đây chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Nếu chỉ dùng tiền để “gây chiến” với các ông lớn khác, cuộc chiến sẽ còn lâu mới đến hồi kết và các DN Thương mại điện tử nhỏ hơn vẫn sẽ có riêng cho mình phân khúc nhỏ để phát triển.

    Vấn đề đó là về tay Alibaba, Lazada Việt Nam sẽ đủ sức giải quyết được bài toán cơ bản của thị trường. Bài toán mang tên nguồn hàng.

    Trước đây, chúng tôi đã từng phân tích lý do thất bại của các DN TMĐT Việt Nam đó là không có DN nội địa sản xuất hàng hóa, toàn phải nhập hàng nước ngoài về bán, từ đó không thể xây dựng được mức giá cạnh tranh.

    Alibaba có thể dễ dàng giải quyết bài toán này. Không lạ nếu một ngày, bạn mở ra và thấy Lazada bán toàn “hàng Tàu”. Những nhà sản xuất Trung Quốc, với lợi thế hàng hóa giá rẻ và phong phú là điểm tựa vững chắc cho nền tảng thương mại điện tử của Lazada.

    Đây là thứ sức mạnh biến Lazada Việt Nam trở thành mối nguy không chỉ cho các ông lớn, mà còn có thể tiêu diệt cả các DN nhỏ, thị trường ngách. Nhất là trong thời điểm, các DN TMĐT của chúng ta cũng bán rất nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Lại nói về hàng hóa Trung Quốc, sự tham gia của Alibaba cũng dấy lên một nỗi lo: Liệu hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam trong tương lai?

    Triết lý kinh doanh của Jack Ma đó là đem hàng Trung Quốc bán cho 8 tỉ dân trên thế giới, và họ đã thành công. Alibaba không chỉ bán hàng cho người tiêu dùng đầu cuối, mà họ bán hàng cho doanh nghiệp, cho nhà sản xuất, cho các kênh phân phối khác,…

    Ở Việt Nam, Alibaba có sự hiện diện rất nhỏ với Aliexpress và chưa thể phát triển mạnh (bị ảnh hưởng bởi thời gian vận chuyển hàng hóa chậm). Nay Alibaba đã có Lazada, đây có thể là một bước tiền đề để Alibaba nhập hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam để “đè bẹp” các nhà sản xuất trong nước.

    Trong trường hợp này, ảnh hưởng của Alibaba không chỉ gói gọn trong ngành TMĐT nữa, mà còn lan rộng sang cả ngành sản xuất Việt Nam và ngành bán lẻ. Một rủi ro lớn cho nền kinh tế.

    Tất nhiên, sẽ còn cần phải chờ đón thêm những động thái tiếp theo của Lazada để xem Alibaba muốn gì.

    Alibaba dù sao cũng mua cả Lazada toàn cầu, và sẽ phải phân bổ nguồn lực để đẩy mạnh nhiều thị trường cùng lúc, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

    Tuy nhiên, việc Alibaba đầu tư vào TMĐT Việt Nam cũng cho thấy quan điểm đầu tư khác biệt của Jack Ma so với đa phần các nhà đầu tư nước ngoài khác. Trong khi thời gian qua, chúng ta chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan),... rầm rộ đổ tiền vào bán lẻ, siêu thị thì Alibaba của Trung Quốc lại chọn thương mại điện tử, một ngành được xem là "khó nhằn" hơn cả.

    Jack Ma đã thành công tại Trung Quốc, liệu ông có thể làm gì tại Việt Nam? Câu trả lời sẽ dần lộ rõ qua các động thái của Lazada Việt Nam thời gian tới.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ