Ăn mặn đâu khiến bạn khát nước, các nhà khoa học lật đổ một niềm tin phổ biến từ hàng trăm năm nay

    zknight,  

    Ăn nhiều muối hơn không khiến cho cơ thể mất nước.

    Ăn mặn dẫn đến mất nước và khát? Trong hàng trăm năm, con người đã trải nghiệm và đúc kết hiệu ứng thành một kinh nghiệm dân gian. Khoa học còn đưa ra một giả thuyết để giải thích hiệu ứng này. Rằng muối tạo áp lực thẩm thấu, hút nước ra khỏi tế bào rồi mang nó ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu.

    Thế nhưng, hai nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Journal of Clinical Investigation đã chứng minh sự thật không phải vậy.

    Ăn nhiều muối hơn không khiến cho cơ thể mất nước. Nhóm các nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới đã theo dõi chế độ ăn uống của những phi hành gia giả định, trong một thí nghiệm mô phỏng chuyến bay tới Sao Hỏa.

    Kết quả, một chế độ ăn nhiều muối khiến các “phi hành gia” uống ít nước hơn. Cơn khát bị dập tắt với một hiệu ứng chưa từng biết đến trước đây ở thận, khiến chính các nhà khoa học cũng cảm thấy bối rối.

     Ăn mặn đâu khiến bạn khát nước, các nhà khoa học lật đổ một niềm tin phổ biến từ hàng trăm năm nay

    Ăn mặn đâu khiến bạn khát nước, các nhà khoa học lật đổ một niềm tin phổ biến từ hàng trăm năm nay

    Nghiên cứu mới đem lại một kết quả rất đáng tham khảo, khi con người có ý định thiết kế những chuyến du hành vũ trụ dài ngày trong tương lai. Một chuyến đi như vậy bị giới hạn bởi lượng thực phẩm và nước uống. Vì vậy, hiểu được sự ảnh hưởng của thực phẩm tới hydrat hóa cơ thể là điều rất cần thiết.

    Để làm được điều này, các nhà khoa học đã tuyển lựa 2 nhóm tình nguyện viên, mỗi nhóm 10 người đều là nam giới. Sau đó, các tình nguyện viên được đưa vào hai phi thuyền mô phỏng đặt dưới mặt đất.

    Hiểu đơn giản, họ sẽ bị khóa bên trong phi thuyền, cách ly với thế giới trong một thời gian tương đương hai chuyến du hành Sao Hỏa. Nhóm thứ nhất bị cách ly trong 105 ngày và nhóm thứ 2 trong 205 ngày.

    Suốt khoảng thời gian, mọi khía cạnh dinh dưỡng như thực phẩm, lượng nước tiêu thụ đều được kiểm soát và đo lường rất chặt chẽ. Trong đó, các nhà khoa học cũng đã nhìn vào lượng muối của chế độ ăn và nồng độ ure trong nước tiếu của các “nhà du hành”.

    Ở đây, chúng ta chú ý đến một giai đoạn của thử nghiệm, kéo dài vài tuần. Trong đó, những tình nguyện viên được cung cấp thực phẩm chứa 3 mức độ muối khác nhau. Kết quả cho thấy một điều khá bất ngờ.

    Trái ngược với niềm tin phổ biến, ăn mặn thì khát nước, các nhà khoa học nhận thấy khi lượng muối được tăng lên, các phi hành gia giả định lại uống ít nước đi. Bằng con đường nào đó, muối đã kích hoạt một cơ chế bảo tồn nước trong thận.

     Trái ngược với niềm tin phổ biến, ăn mặn không khiến chúng ta khát nước

    Trái ngược với niềm tin phổ biến, ăn mặn không khiến chúng ta khát nước

    Cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn thường tin vào một giả thuyết phổ biến rằng khi ăn mặn, các ion natri và clorua trong muối sẽ kéo nước ra khỏi tế bào và thoát ra ngoài cơ thể thông qua hệ bài tiết. Điều này là nguyên nhân của hiệu ứng ăn mặn thì khát nước.

    Thế nhưng, nghiên cứu mới bây giờ đã chỉ ra một điều khác biệt. Trong khi đúng là ăn nhiều muối sẽ khiến hàm lượng của chúng trong nước tiểu tăng lên. Thế nhưng, không có bất kể mối tương quan nào giữa lượng muối và lượng nước tiểu được tìm thấy.

    Nó có nghĩa là muối có thể kéo nước ra khỏi tế bào, nhưng nó không đưa được nước ra ngoài cơ thể qua đường tiểu. Điều mà các nhà khoa học phát hiện ra là: Chỉ có muối bị thải đi, trong khi nước di chuyển trở lại vào thận và lại được cung cấp cho cơ thể.

    Ngay khi phát hiện ra hiệu ứng này, giáo sư Jens Titze từ Đại học Erlangen, Đức và nhóm nghiên cứu cũng phải thấy bối rối. “Có một điều gì thúc đẩy nước quay ngược trở lại như vậy?”, ông tự hỏi.

    Cuối cùng, các thí nghiệm trên chuột được thiết lập để trả lời câu hỏi. Manh mối xuất hiện từ ure, được hình thành từ cơ bắp và gan, và là một tác nhân phân rã nitơ.

    Ở những con chuột, ure được tích tụ trong thận, nơi nó ngăn cản nước bị hút bởi natri và clorua. Nó tránh cho cơ thể chúng khỏi mất nước. Nhưng cũng đi đôi với một hiện tượng, những con chuột ăn nhiều muối cũng sẽ ăn nhiều calo. Bởi hiệu ứng tổng hợp ure được cho là tốn nhiều năng lượng.

    Lượng muối cao trong chế độ ăn cuối cùng không làm cơ thể mất nước và tăng cơn khát. Nhưng nó khiến cho những con chuột đói hơn. Ngay cả các nhà du hành giả định, khi ăn chế độ ăn nhiều muối, cũng than phiền họ bị đói.

     Thức ăn mặn không khiến bạn khát, nhưng nó lại khiến bạn đói hơn

    Thức ăn mặn không khiến bạn khát, nhưng nó lại khiến bạn đói hơn

    Không những lật đổ một niềm tin phổ biến tồn tại suốt nhiều thế kỷ, nghiên cứu mới còn thay đổi quan điểm của chúng ta đang có với ure, và chức năng của hợp chất vẫn được cho là “phế thải” này.

    Giáo sư Friedrich C. Luft, đến từ Đại học Y khoa Berlin cho biết: “Ure không chỉ là một sản phẩm phế thải. Hóa ra, nó lại là một hợp chất osmolyte (chất liên kết với nước và giúp vận chuyển nước) rất quan trọng. Chức năng của ure là giữ nước cho cơ thể, khi chúng ta bài thải muối”.

    Vậy là tự nhiên đã tìm ra một cách để bảo tồn nước cho con người, trong trường hợp chúng ta ăn quá nhiều muối. Phát hiện mới này đã thay đổi góc nhìn của các nhà khoa học về cách mà cơ thể con người duy trì được lượng nước cân bằng.

    Giáo sư Jens Titze nói: “Giờ đây, chúng ta phải nhìn quá trình này như một hoạt động phối hợp giữa gan, cơ bắp và thận”.

    Cuối cùng là niềm tin phổ biến của chúng ta, ăn mặn khát nước, đã có một kẽ hở lớn.Nếu bạn trải nghiệm hiệu ứng này, nó có thể là một phản ứng nhất thời nào đó, chẳng hạn như thức ăn tinh bột khô gây kích thích cổ họng.

    Bản thân cơ thể bạn sẽ không mất nước, vì muối không mang chúng ra ngoài theo đường nước tiểu. Điều này xảy ra, bất kể bạn là có đang trên một chuyến du hành tới Sao Hỏa, hay vẫn đang sống trên Trái Đất ngày hôm nay.

    Tham khảo Dailymail,Sciencedaily

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày