Android Q mất điểm trầm trọng vì hệ thống điều hướng cử chỉ quá kém của Google

    Tấn Minh,  

    Là một công ty lớn, lẽ ra Google phải tạo ra một thứ gì đó tốt hơn như vậy.

    Trong tháng tới, chúng ta sẽ được biết tên gọi chính thức của Android Q cùng với phiên bản hoàn chỉnh cuối cùng của hệ điều hành di động rất được trông chờ này.

    Những ai đã và đang sử dụng bản beta của Android Q hẳn sẽ rất trông chờ đến ngày đó. Chế độ tối toàn hệ thống của Google trông thực sự ấn tượng, đó là chưa kể các tùy chọn thay đổi giao diện mới được giấu kỹ trong phần thiết lập nhà phát triển cho thấy những nền móng báo hiệu cho khả năng tùy biến mạnh mẽ hơn nữa của Android trong tương lai. Một điểm đáng khen ngợi khác là khả năng quản lý quyền ứng dụng được cải tiến, bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của người dùng.

    Tuy nhiên, trong số những cái tốt, có một điều khiến các fan Android thấp thỏm không yên: hệ thống điều hướng cử chỉ của Google có thể khiến toàn bộ trải nghiệm Android Q mất điểm trầm trọng, và khiến quá trình sử dụng nó thường ngày trở nên khó khăn hơn.

    Nỗ lực đầu tiên của Google nhằm mang hệ thống điều hướng cử chỉ lên Android là trên bản Pie, với hệ thống hai nút bấm kết hợp giữa cử chỉ và bấm nút, và kết quả không mấy khả quan cho lắm. Sau khi nhận được khá nhiều phản hồi từ người dùng cũng như tham khảo các hệ thống điều hướng cử chỉ của OnePlus, Huawei, Samsung..., Google đã mang một hệ thống điều hướng cử chỉ mới không còn nút bấm nào lên Android Q.

    Trên thực tế, hệ thống điều hướng của Q tốt hơn hẳn so với Pie

    Trên Android Q, thao tác vuốt từ dưới lên để thoát ra màn hình chính có cảm giác khá tự nhiên, thao tác mở trang đa nhiệm cũng tương đồng như trên iPhone X, và bạn cũng không cần phải vuốt lên hai lần ở màn hình chính để vào app drawer nữa. Rất tuyệt vời, nhưng không phải hoàn hảo.

    Với việc nút Back đã không còn, Google nay cho phép bạn quay lại bằng cách vuốt từ cạnh trái hoặc phải của màn hình. Cử chỉ này hoạt động mượt mà, nhưng vô tình lại xung đột với các ứng dụng có menu trượt ra từ hai cạnh màn hình (thường gọi là "hamburger menu"), khiến menu này không thể truy cập được.

    Để giải quyết vấn đề này, kể từ Android Q Beta 5, Google giới thiệu tính năng "Peek" để người dùng mở được menu trượt ra này. Có hai cách thực hiện:

    - Giữ ngón tay ở cạnh màn hình, đợi cho menu trượt lộ ra, sau đó tiếp tục vuốt ngón tay để kéo menu ra.

    Android Q mất điểm trầm trọng vì hệ thống điều hướng cử chỉ quá kém của Google - Ảnh 1.

    - Sử dụng hai ngón tay để kéo menu ra.

    Android Q mất điểm trầm trọng vì hệ thống điều hướng cử chỉ quá kém của Google - Ảnh 2.

    Như bạn đã thấy, giải pháp này không hiệu quả. Chúng quá phức tạp và không hề trực quan.

    Thao tác chờ và vuốt có xác suất thành công 50%. Nó đòi hỏi bạn phải thực hiện thật chính xác, và nếu bạn không làm đúng, bạn sẽ thực hiện nhầm thao tác quay lại thay vì mở menu. Phương thức dùng hai ngón tay thì dễ thự hiện hơn, nhưng nếu bạn đang dùng điện thoại bằng một tay thì đó là điều bất khả thi.

    Có vô vàn các ứng dụng có menu trượt ra, bao gồm nhiều ứng dụng chính chủ Google như Photos, Drive, và Play Store. ĐIều đó có nghĩa là Android Q không chỉ gây xung đột chức năng này, mà "giải pháp" của Google còn khiến sự bực bội tăng gấp nhiều lần.

    Có lẽ đây là một "con sâu làm rầu nồi canh", khi mà các thao tác cử chỉ còn lại hoạt động khá hiệu quả. Thao tác về màn hình chính hay chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng diễn ra nhanh và mượt mà, nhưng thao tác quay lại có cảm giác ép buộc và chẳng ăn rơ chút nào. Không hiểu Google nghĩ gì khi nhiều công ty khác trước đó đã phát triển các hệ thống cử chỉ của riêng họ với khả năng hoạt động hoàn hảo và không hề xung đột với cách thức bạn sử dụng các ứng dụng.

    Android Q mất điểm trầm trọng vì hệ thống điều hướng cử chỉ quá kém của Google - Ảnh 3.

    Chưa hết, thao tác quay lại không phải là điểm trừ duy nhất trong hệ thống điều hướng cử chỉ của Android Q. Kể từ bản Beta 6 (và sẽ hiện diện trên bản chính thức), hệ thống điều hướng cử chỉ của Google sẽ không hoạt động nếu bạn dùng launcher bên thứ 3.

    Hệ thống cử chỉ này được thiết kế gắn chặt với launcher Pixel của riêng Google, và ngay khi bạn chuyển sang các launcher khác như Action, Nova, Evie Launcher, hay bất kỳ thứ gì khác, bạn sẽ bị chuyển ngược lại hệ thống điều hướng 3 nút cổ điển, không thể bật được hệ thống cử chỉ trừ khi quay về với Pixel Launcher.

    Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dùng có thói quen chuyển đổi qua lại giữa Pixel Launcher và các launcher bên thứ 3, nó còn là cú tát vào mặt bất kỳ ai thích thú với cử chỉ trên Q và các launcher tùy biến hay ho khác do các nhà phát triển tài năng tạo ra.

    Tất nhiên, Android Q vẫn đang trong giai đoạn beta và sẽ còn một bản beta cuối cùng trước khi ra mắt bản chính thức vào cuối tháng 8.

    Android Q mất điểm trầm trọng vì hệ thống điều hướng cử chỉ quá kém của Google - Ảnh 4.

    Google cho biết sẽ cung cấp một bản cập nhật nhỏ sau khi ra mắt bản chính thức để mở khóa hệ thống điều hướng cử chỉ cho các launcher bên thứ 3, nhưng điều đó vẫn có nghĩa Android Q sẽ ra mắt mà không có sẵn tùy chọn đó. Hơn nữa, vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể của bản cập nhật nhỏ kia.

    Về phần thao tác "peek", chưa rõ liệu nó sẽ có thay đổi nào từ nay cho đến tháng sau hay không. Từ Pie năm ngoái đến Q năm nay, chúng ta có cảm giác như Google vẫn không biết chính xác bản thân họ muốn làm gì với hệ thống cử chỉ trên Android. Việc công ty thử nghiệm những thứ mới mẻ, và đang làm những điều họ nghĩ là tốt nhất, là rất đáng khen ngợi. Nhưng đồng thời điều đó lại biến người dùng thành những chú chuột thử nghiệm và buộc phải thích nghi với nhiều vấn đề đi kèm với thử nghiệm đó.

    Tham khảo: AndroidCentral

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ