Cái chết của nút Back trên Android Q gợi nhắc đến những gì Google đã từng làm khi "khai sinh" Android
Màn hình là bộ phận quan trọng nhất quyết định đến tương tác giữa người dùng và chiếc modern smartphone. 12 năm rồi, cơ chế tương tác ấy mới có một thay đổi mang tính bước ngoặt.
Google mua lại công ty Android vào năm 2005. Ít người biết rằng, chiếc Android đầu tiên có thể đã ra mắt sau iPhone chỉ vài ngày – nếu như cha đẻ Android là Andy Rubin không theo dõi buổi lễ ra mắt iPhone.
Bởi lúc đó, bản mẫu đầu tiên của Android (mang tên "HTC Sooner") là một thiết bị có màn hình hiển thị nhỏ, có touchpad và có QWERTY giống như BlackBerry. Theo lời kể trên tạp chí The Atlantic, khi nhìn thấy iPhone, Rubin đã lên tiếng nói "Trời ơi. Tôi đoán Google sẽ không ra mắt chiếc điện thoại này nữa".
Hệ điều hành lúc này đã gần hoàn thiện lại được chuyển sang cải tiến cho phù hợp với cơ chế điều khiển được Steve Jobs tiên phong: màn hình đa điểm cỡ lớn. Android mất thêm hẳn 1 năm mới ra mắt, nhưng nhờ mức giá rẻ và trải nghiệm cảm ứng làm trọng tâm, Google đã lấp được chỗ trống của iPhone về khung giá, đồng thời biến Nokia và BlackBerry trở thành những kẻ lạc hậu.
Giữa cũ và mới
May mà có iPhone, không thì smartphone Android đã là bản copy của BlackBerry rồi. Ảnh: HTC Sooner.
Nhưng những ai nhớ về Android thời kỳ đầu đều vẫn sẽ nhớ về bàn phím vật lý. Một trong những cú "hit" đầu tiên của Android là Motorola Zoom cũng có bàn phím trượt. Nhiều mẫu Samsung có bàn phím vật lý đến tận 2012. Dĩ nhiên, HTC Dream vẫn có bàn phím vật lý phía dưới.
Lý do là bởi Google chưa dám đặt cược 100% vào tầm nhìn của... Steve Jobs. Một mặt, Google tin vào sức hấp dẫn của màn hình cảm ứng. Mặt khác, Google vẫn chừa cho mình một đường lui an toàn, để nếu người dùng không chấp nhận một trải nghiệm gần như không có nút bấm, Android vẫn còn một con đường sống.
Một thập kỷ năm sau, lịch sử lặp lại. Dù không phải là công ty tiên phong cho trào lưu toàn màn hình, Apple vẫn là công ty mở đầu cho trải nghiệm full-screen thực sự trau chuốt khi ra mắt cơ chế điều hướng 100% bằng cử chỉ trên màn hình. Không còn nút Home, không cần thêm nút Back, cũng chẳng ép người dùng chèn ngón tay lên... lưng máy để mở khóa, Apple cho phép người dùng di chuyển bên trong hệ điều hành trên chiếc smartphone mác Táo bằng các thao tác dễ dàng, trực quan.
Trải nghiệm màn hình mới đòi hỏi một cơ chế điều khiển mới....
Cũng như 10 năm trước, Google đáp trả bằng một giải pháp ở giữa cái cũ và cái mới. Trên Android Pie, Google vén màn cơ chế điều hướng với các cử chỉ giống hệt như iOS 10. Cùng lúc, thanh điều hướng cũ (gồm cả Back và Home) vẫn được ẩn hiện động, tùy thuộc vào ứng dụng đang sử dụng. Ngay khi ấy, nhà thiết kế trưởng của bộ phận UX tại Google còn tự hào khoe đã thực hiện nghiên cứu phản hồi của người dùng rồi mới đưa thay đổi lên Android P.
Một năm sau, tính đúng đắn của nghiên cứu này được chứng minh: người dùng Android thích cơ chế điều hướng do... Apple sáng tạo ra.
Android Q và tầm nhìn của Apple
Với Android Q, Google đã bỏ hẳn thanh điều hướng. Cơ chế di chuyển chính trong Android giờ là bản sao từ Apple, bao gồm cả cử chỉ "Back" bằng cách vuốt tay từ mép màn hình (dù chính xác thì iOS có thể vuốt từ giữa màn hình nữa). Nút Back cuối cùng đã chết, chính Google đã buộc phải thừa nhận như vậy.
Lịch sử của năm 2007 lặp lại. Thật tình cờ, đây cũng là lần đầu tiên cách tương tác giữa người dùng và chiếc "modern smartphone" (smartphone màn hình cảm ứng) thực sự thay đổi. Màn hình đã lớn hơn, đã dài ra – nhưng đó chỉ là những cải tiến mà thôi. Apple đã từng cố mở thêm một "kênh" qua lực nhấn mạnh (các hãng Android cũng bám theo), nhưng số phận của tính năng này giờ đã đến hồi kết.
Không cần sáng tạo, chỉ cần copy.
Chỉ đến khi "toàn màn hình" lên ngôi, các nhà sản xuất mới phải thực sự suy nghĩ lại về trải nghiệm người dùng. Apple, theo đúng tư duy "toàn vẹn" từ trước đến nay, đã nghĩ đến mọi thứ, từ tấm màn mới, cơ chế bảo mật mới cho đến cơ chế điều hướng mới. Theo chân Apple, Google chỉ cần học theo cái đúng mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?