Apple đã trở thành con tin trong tay Trung Quốc như thế nào
Bất chấp rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như sự trỗi dậy của các đối thủ Trung Quốc, iPhone của Apple đã lệ thuộc quá sâu vào chuỗi cung ứng tại đây đến mức không thể thoát ra.
Không lâu sau khi được tuyển dụng vào Apple năm 1998, ông Tim Cook đã ra một quyết định quan trọng đối với chuỗi cung cấp của công ty tại Mỹ. Trong vòng 2 năm, Apple bắt đầu đóng cửa các nhà máy tại Mỹ của mình và chuyển việc sản xuất sang Trung Quốc.
Quyết định của ông vào thời điểm đó đã giúp cắt giảm chi phí và trao cho Apple nguồn lực họ cần để phát triển các sản phẩm bom tấn tiếp theo, bao gồm iPod và iPhone. Nó cũng tạo ra một cơ sở sản xuất đầy tính cạnh tranh, có khả năng chuyển dịch hàng trăm nghìn công nhân chỉ bằng một cuộc gọi điện thoại.
Nhưng 8 năm sau khi đảm nhiệm chức CEO từ Steve Jobs, chiến lược của ông Cook lại đang bị đặt dấu hỏi.
Không chỉ vì chiến lược này làm Apple rơi vào tình thế hiểm nghèo khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đang leo thang khốc liệt, mà còn vì chuỗi cung ứng vô cùng phức tạp được Apple xây dựng ở Trung Quốc trong hơn 20 năm qua chính là nguyên nhân cho sự trỗi dậy của một trong những đối thủ đáng sợ nhất của họ: Huawei. Bất chấp đà suy giảm của cả ngành smartphone, Huawei vẫn tăng trưởng mạnh và suýt vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới trong năm 2018.
Apple không phải người duy nhất muốn rời khỏi Trung Quốc. Các công ty khác, ví dụ như Samsung Electronics đã nhận ra vấn đề từ sớm và đã bắt đầu xây dựng một cơ sở sản xuất khổng lồ tại Việt Nam từ năm 2008, sau gần 20 năm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Apple lại không thể và cũng không muốn làm như vậy.
Ông Jeff Pu, nhà phân tích kỳ cựu tại công ty chứng khoán GF Securities, cho biết: "Hệ sinh thái chuỗi cung cấp khổng lồ và hoàn thiện ở Trung Quốc là chìa khóa cho thành công của nhà sản xuất iPhone, nhưng nó cũng tạo ra một hố sâu khổng lồ để giữ chân bất kỳ ai muốn rời đi." Ông Pu tin rằng, ông Cook "chọn cách tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng hơn là hướng về phía trước với các rủi ro tiềm tàng."
Kể từ khi ông Cook bắt đầu đảm nhiệm chức vụ CEO năm 2011, Apple đã chứng kiến sự dịch chuyển khổng lồ chuỗi sản xuất của mình từ Mỹ sang nước ngoài. Apple cho biết, 200 nhà cung cấp hàng đầu của họ chiếm đến 98% tổng chi phí thu mua linh kiện. Trong năm 2017, khoảng 75% các nhà cung cấp này có ít nhất một nhà máy làm việc cho Apple tại Trung Quốc, khoảng 22% trong số đó có 2 hoặc 3 nhà máy.
Nghiên cứu của Nikkei chỉ ra rằng, tổng cộng, các nhà cung ứng cho Apple có đến 356 nhà máy ở Trung Quốc, sản xuất các linh kiện hoặc các lắp ráp các sản phẩm. Con số này cao hơn 7% so với năm 2012.
Trong khi đó, số các nhà máy tại Mỹ do các nhà cung ứng lớn nhất của Apple điều hành lại giảm 31% trong thời gian từ 2012 đến 2017, xuống còn 57 nhà máy. Chỉ có 6 nhà cung ứng có hơn 3 nhà máy tại Mỹ. Apple nhấn mạnh mình vẫn là người đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ, khi chi tiêu đến 60 tỷ USD vào năm ngoái cho 9.000 nhà cung cấp linh kiện tại Mỹ.
Tuy nhiên, đang có một số bằng chứng cho thấy, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ nay, Apple và các nhà cung cấp của mình bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đa dạng hóa nơi sản xuất. Các nghiên cứu của Nikkei cho thấy có sự nổi lên của các cơ sở cung cấp cho Apple ở Ấn Độ và Việt Nam, nhưng chúng mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc chuyển chuỗi cung ứng phức tạp của Apple khỏi Trung Quốc kịp lúc để giảm nhẹ các ảnh hưởng xấu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi. Doanh số của Apple tại Trung Quốc đã suy giảm mạnh khi người dùng phản đối các hành động của Mỹ nhắm vào Huawei, người hùng quốc gia của họ.
Khó khăn của điều này không chỉ nằm ở sự phức tạp trong việc sản xuất iPhone, với nhiều công đoạn vẫn phải làm bằng tay, mà còn nằm ở hệ sinh thái các linh kiện, hệ thống logistic và các tài năng đã được xây dựng quanh những cơ sở sản xuất cho Apple.
Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống ưu đãi rộng rãi của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty làm việc cho Apple, nhằm giữ chi phí của các nhà cung cấp ở mức thấp và có lợi nhuận cao.
Trong năm 2016, một cuộc điều tra của New York Times cho thấy các ưu đãi được thành phố Trịnh Châu trao cho Foxconn năm 2010 để họ mở một trung tâm lắp ráp iPhone khổng lồ tại đây, và hiện tại nơi này sản xuất đến một nửa lượng iPhone trên thế giới. Các ưu đãi đó bao gồm việc đào tạo và xây nhà cho công nhân, giá điện rẻ hơn và chiết khấu trên mức lương cho lao động, cũng như giảm thuế.
Charles Lin, CFO của Pegatron, một đối tác lắp ráp iPhone khác của Apple, cho biết, công ty của ông không thể tìm thấy bất kỳ quốc gia nào khác thay thế hoàn toàn Trung Quốc, ngay cả khi họ đã nỗ lực hết sức để đa dạng hóa địa điểm sản xuất.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Apple nằm ở chỗ, chính tiêu chuẩn sản phẩm rất cao của họ đã tạo nên một chuỗi cung cấp có tính cạnh tranh cũng đặc biệt cao, và sẽ mất đến nhiều năm trời để gây dựng lại.
Willy Shih, giáo sư quản trị tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết: "Apple là một khách hàng có yêu cầu khắt khe … Nhiều nhà cung cấp đã phải chật vật với việc nhận được sự chấp thuận của họ mà vẫn có lợi nhuận kinh tế khả thi, và nhiều công ty còn mất nhiều tiền trong quá trình đó … Điều này buộc các nhà cung cấp phải phát triển các khả năng mà trong nhiều trường hợp, với tốc độ thực sự phi thường."
Nhưng những điều phi thường mà họ tạo ra không chỉ dành riêng cho việc lắp ráp iPhone của công ty Mỹ, mà nó còn giúp tăng tốc phát triển cho các công ty công nghệ tại quê nhà Trung Quốc của họ, và đặc biệt là đối thủ đáng gờm nhất của Apple, Huawei.
Trong năm 2012, công ty Trung Quốc này mới chỉ chiếm 4% thị phần smartphone toàn cầu. Vào cuối năm ngoái, con số này đã tăng lên 14,7%, trong khi trong cùng thời kỳ đó, thị phần iPhone của Apple giảm từ mức 25,1% xuống chỉ còn 14,9%.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu không được tiếp cận với hệ sinh thái các nhà sản xuất linh kiện, các công ty logistic cũng như các thuận lợi về mặt hải quan được xây dựng nên xung quanh các công ty Trung Quốc làm việc cho Apple, Huawei sẽ không thể đạt được tốc độ tăng trưởng thần kỳ như vậy.
Trong số các đối tác Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho cả Apple và đối thủ có Luxshare-ICT, nhà cung cấp cổng kết nối và lắp ráp AirPods tại Thâm Quyến, công ty Shenzhen Yuto Packaging Technology, nhà cung cấp dịch vụ in ấn và đóng gói quan trọng, nhà sản xuất màn hình BOE Technology Group, và nhà cung cấp module camera và tấm nền cảm ứng O-film Technology.
Tất cả đều tăng trưởng thần kỳ kể từ khi gia nhập chuỗi cung cấp cho Apple, nhờ vào một thập kỷ tăng trưởng của công ty Mỹ. Nhưng họ cũng tận dụng uy tín từ Apple để cung cấp sản phẩm cho Huawei và Xiaomi, cùng nhiều công ty khác, và giờ đây, họ lại đang cạnh tranh với những người dẫn đầu thị trường như LG Electronics, Japan Display và TPK Holdings.
Ông Shih cho rằng, Apple không chỉ gián tiếp giúp phát triển nên một loạt các công ty đối thủ đến từ Trung Quốc, như Huawei, Oppo, Vivo hay Xiaomi, mà thành công của họ còn giúp Trung Quốc nâng cấp các ngành công nghiệp công nghệ của mình.
Các nghiên cứu của Nikkei cho thấy, dù Mỹ vẫn kiểm soát các sản phẩm bán dẫn tiên tiến và các vật liệu quan trọng sử dụng trong các thiết bị của Apple, nhưng các nhà máy tại Trung Quốc đang cung cấp gần như mọi thứ khác, ví dụ như màn hình, khung kim loại, các linh kiện âm thanh và pin. Trong các lĩnh vực đó, những công ty Trung Quốc đang bỏ xa các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu.
Cho đến nay, ông Cook đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Apple không ở lại Trung Quốc vì lao động giá rẻ nữa. Họ ở lại vì được tiếp cận với một môi trường nhiều tài năng sản xuất và lao động dồi dào. "Ở Mỹ, bạn có thể có một cuộc họp với các kỹ sư công cụ và tôi không chắc chúng tôi có thể lấp đầy một phòng họp." Ông Cook cho biết. "Ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy vài sân bóng đá."
Ở Trung Quốc, không chỉ các đối tác với những nhà máy khổng lồ đã xây dựng nên cỗ máy kiếm tiền vô song cho Apple trong hơn 10 năm qua, mà bản thân nơi này cũng là một thị trường mà Apple thèm muốn. Trong năm tài chính 2018, Apple kiếm được 265,59 tỷ USD doanh thu, 20% trong số đó đến từ Trung Quốc.
Nhưng khi ngành công nghiệp smartphone đã trưởng thành, sức ép từ chi phí và giá thành sẽ ngày càng đè nặng hơn. Thay đổi đó sẽ làm Apple và các nhà cung cấp châu Á khó có thể duy trì được mức lợi nhuận như trước. Cho dù Apple không cho biết chiến lược tìm nguồn cung sắp tới của họ là gì, nhưng rõ ràng họ cần một cách tiếp cận mới. Công ty Mỹ sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào một thị trường đầy rủi ro và có chi phí đang gia tăng như Trung Quốc.
Theo một nguồn tin thân cận của Nikkei, phần lớn các nhà cung cấp hàng đầu của Apple đang yêu cầu công ty giảm rủi ro của việc ở lại Trung Quốc. Nhưng không ai có thể đưa ra giải pháp hiệu quả nào để chuyển dịch chuỗi cung cấp phức tạp của Apple ra khỏi đây.
"Chuỗi cung cấp cho smartphone là một trong những mô hình phức tạp nhất thế giới … và đó là điều khó khăn nhất để chuyển đến bất kỳ đâu khi đã bám rễ chặt chẽ ở Trung Quốc." Vấn đề càng phức tạp hơn khi Trung Quốc vẫn là sự kết hợp tốt nhất cho các yếu tố hạ tầng cơ sở, mạng lưới nhà cung cấp và độ linh hoạt về lao động.
Ông Shih của trường Kinh doanh Harvard cho biết: "Khi bạn đang kiếm được rất nhiều tiền và công thức đó vẫn hiệu quả cho Apple từ nhiều năm nay, nó sẽ rất khó thay đổi."
Tham khảo Nikkei Asian Review
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời