ASRock H170 Pro4/Hyper: Đã có thể ép xung Pentium, Core i3 và các CPU Skylake non-K

    Nội Tâm,  

    Phong trào ép xung giá rẻ vốn đã chìm nghỉm từ sau các bộ xử lý Core i thế hệ đầu tiên, giờ lại được nhen nhóm lại.

    Tháng 12 năm ngoái, cộng đồng sử dụng máy tính đã vô cùng bất ngờ và mừng rỡ khi Intel gián tiếp cho phép người dùng ép xung CPU giá rẻ non-K thông qua một bản cập nhật BIOS của các hãng sản xuất mainboard. Đây là 1 tin mừng cho những ai không đủ khả năng sắm một chip xử lý Skylake dòng K để ép xung.

    Thế nhưng chỉ sau đó 2 tháng, gã khổng lồ thung lũng Silicon lại bất ngờ lật kèo, khóa riệt không cho phép ép xung CPU non-K của họ, dù người dùng có mua bo mạch chủ Z170 đi chăng nữa. Kể từ đó, vụ việc dần chìm xuống và không ai buồn nhắc đến.

    Thế mà tuần trước, tôi lại bất ngờ được đối tác từ hãng ASRock dúi vào tay một chiếc main H170 kèm lời gợi ý nghe cực kỳ bối rối “thử ép xung đi em ơi!”. Trong khi tất cả các hãng khác như Gigabyte, Asus, MSI… đều thừa nhận “bó tay chịu trói” thì riêng mình ASRock lại dám “chém gió liều lĩnh” như vậy. Sự thực là sao??

    * Các kết quả ép xung và benchmark trong bài viết được trợ giúp bởi anh Lê Duy Thanh - một dân chơi phần cứng kiêm OCer có tiếng trong cộng đồng ép xung Việt Nam.

    ASRock H170 Pro4/Hyper

    Vỏ hộp thiết kế khá độc đáo và ấn tượng với tông màu đen - trắng. Đối với một hãng lười làm vỏ hộp như ASRock, họ đã bỏ công làm mới như thế này thì hẳn sản phẩm bên trong cũng phải có điểm đặc biệt.

    Chiếc bo mạch chủ này được dán tem Mad in Vietnam, sản xuất tại nhà máy của ASRock đặt tại Bình Dương - nơi đang tạo công ăn việc làm cho không ít công nhân người Việt. Ngoài ra, hãng còn cam kết hỗ trợ bảo hành tất cả các trường hợp cháy nổ (thường do lỗi người dùng như đổ nước lên board mạch, nguồn điện không ổn định…).

    Ở mặt sau là hình ảnh sản phẩm cùng các tính năng nổi bật được trang bị như I/O Armor (bọc giáp bảo vệ), phase điện Digi Power, cổng Ultra M.2…

    Trong đó thứ hay ho nhất là Hyper BLCK Engine với hạt nhân là chip IDT 6V41542NLG cho phép ép xung trên nguyên tắc thay đổi Base Clock của CPU.

    Phụ kiện đi kèm gồm 2 sách hướng dẫn sử dụng, đĩa driver, miếng chặn main và 2 cáp SATA3 6 Gb/s.

    H170 Pro4/Hyper gây ấn tượng tốt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sản phẩm đi theo xu hướng đen - trắng sang chảnh thời thượng mới nổi gần đây. Đây là tông màu được nhiều người ưa chuộng, được đánh giá là tinh tế hơn tông đỏ - đen của dòng Gaming, nhìn mãi không chán.

    Chiếc bo mạch chủ này mang form ATX “gầy”, chiều rộng chỉ 21,8 cm - ít hơn một chút so với chuẩn 24,4 cm của ATX. Thường các bo mạch chủ gầy kiểu này được đánh giá là không đẹp bằng full size vì nhìn khá mỏng manh yếu ớt. Tuy nhiên riêng trường hợp của H170 Pro4/Hyper do phối với tông đen - trắng trang nhã nên nhìn sản phẩm không có cảm giác đó, ngược lại còn cho cảm giác rất hợp lý và dễ chịu.

    Mặt sau của board mạch gọn gàng sạch sẽ. Các mối hàn gọn và chuẩn.

    Trong số các nhà sản xuất bo mạch chủ hiện nay, ASRock là hãng ưa chuộng xu hướng bọc giáp nhất. Từ H170 trở lên hầu như sản phẩm nào của ASRock cũng bọc lớp giáp bảo vệ các cổng giao tiếp I/O và khu vực chip âm thanh. Ngoài chuyện bảo vệ, lớp giáp này cũng làm main đẹp lên rất nhiều.

    Không giống với miếng giáp màu trắng, tản nhiệt chipset và mosfet lại có màu bạc.

    Sản xuất với mục đích ép xung, H170 Pro4/Hyper có hẳn 10 phase điện, CPU hút điện cỡ nào cũng chơi được. Cả 10 phase điện này đều theo công nghệ Digi Power điều chỉnh điện năng cung cấp bằng mạch điện tử, giúp sử dụng điện hợp lý hơn. Hiểu nôm na thì Digi Power giống như phun xăng điện tử trên xe máy vậy.

    Phía trên dàn phase điện là chân cấp nguồn 8 pin cho CPU, có cả 1 tụ lọc nhiễu nho nhỏ ở bên cạnh.

    Tản nhiệt tiếp xúc với mosfet qua một lớp dẫn nhiệt thermal pad. Chỉ cần nhìn qua vết hằn trên thermal pad cũng biết chúng tiếp xúc với nhau rất chặt chẽ.

    Mỗi phase điện được điều khiển bằng 2 mosfet trở kháng thấp, có khả năng hoạt động hiệu quả và mát hơn mosfet thường. Với số lượng 10 phase điện cộng thêm tản nhiệt mosfet, chắc chắn không phải lo nghĩ gì về vấn đề nhiệt độ phase điện dù người dùng có ép xung cao cỡ nào.

    Main được trang bị 4 khe cắm RAM DDR4, theo ASRock quảng cáo thì có thể ép xung được.

    Khu vực các khe PCI nhìn đẹp mắt với sự hỗ trợ của lớp giáp bảo vệ mạch audio. H170 Pro4/Hyper có tổng cộng 3 khe PCIe x1, 2 khe PCIe 3.0 x16 (1 khe 16 lane và 1 khe 4 lane), hỗ trợ công nghệ đa card đồ họa CrossFireX của AMD.

    Có một chi tiết thừa trên bo mạch là sự hiện diện của chân cắm molex cấp thêm điện cho bo mạch chủ. Thường main nào hỗ trợ 3 4 VGA khủng mới cần đến chân này.

    Bên dưới khe PCIe 3.0 x16 là cổng Ultra M.2 dành cho SSD cao cấp, có khả năng cung cấp băng thông tới 32 Gb/s - nghĩa là gấp hơn 5 lần cổng SATA3!

    Các cổng kết nối phía sau có 1 cổng PS/2, 6 cổng USB 3.0, 1 cổng HDMI và 1 cổng DVI.

    Nếu có thể tìm ra 1 điểm trừ của H170 Pro4/Hyper, có lẽ chỉ có cụm cổng SATA mà thôi. Các cổng này vẫn nằm dọc theo kiểu truyền thống. Nếu chúng đều xoay ngang, đây hẳn là sản phẩm hoàn hảo trong tầm giá 3 triệu đồng.

    Chip âm thanh ALC892 được hỗ trợ bởi các tụ audio ELNA chuyên dụng.

    Và đây, điểm khiến Pro4/Hyper trở nên đặc biệt giữa toàn bộ các bo mạch chủ H170 không thể ép xung khác: Chip điều khiển base clock IDT 6V41542NLG.

    Dưới đây là kết quả ép xung thử nghiệm do các tester của ASRock đưa ra:

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock H170 Pro4/Hyper

    Bộ xử lý: Intel Core i5-6600

    Bộ nhớ trong: Geil bus 3000 MHz

    Ổ cứng: SSD Samsung SM951 256 GB

    Kết quả ép xung

    Là một OCer đầy kinh nghiệm, không khó để anh Lê Duy Thanh đạt được mức xung 4,6 GHz với base clock 140 MHz. Stress bằng Prime, sau 2 giờ hệ thống vẫn chạy ngon lành. Thông thường người dùng CPU dòng K (mở hệ số nhân) ép xung chạy hàng ngày cũng chỉ 4,5 GHz mà thôi.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Tiếp theo là xung nhịp 4,8 GHz, cũng không khó khăn gì. Đây mà mức nhiều CPU dòng K cũng không lên nổi. Điểm số Cinebench ghi nhận hiệu năng hệ thống tăng 21%, lúc này đã mạnh gần bằng Core i7-4770K

    Điểm số Cinebench R11.5 - 4,8 GHz. Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Điểm số Cinebench R15 - 4,8 GHz. Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Màn cuối cùng là xung nhịp 5 GHz! Quá kinh khủng cho 1 combo ép xung giá rẻ H170 Core i5 non-K!

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết luận

    Sự xuất hiện của H170 Pro4/Hyper là một động thái hết sức bất ngờ khi Intel đã kiên quyết khẳng định chặn đường ép xung của các dòng CPU non-K giá rẻ. Vào thời điểm hiện tại, ASRock là hãng duy nhất có thể ép xung bằng H170 và B150 với 3 sản phẩm là H170 Pro4, H170 Pro4/Hyper và B150 Gaming K4/Hyper. Tôi cũng không rõ tại sao lại có sự ưu ái như vậy.

    Quay trở lại với H170 Pro4/Hyper, bên cạnh ưu điểm khổng lồ là có thể ép xung, thật đáng ngạc nhiên khi một bo mạch chủ độ hoàn thiện cao như vậy lại có giá chỉ 3,2 triệu đồng. Có thể nói đây là một động thái có phần chơi trội của ASRock khi họ mang 2 thứ cao cấp là ép xung và bộ cánh đen - trắng thời thượng lên một sản phẩm ở phân khúc tầm trung như thế này.

    Không chỉ Core i5 và Core i7, H170 Pro4/Hyper còn có thể ép xung cả chip Pentium và Core i3, hứa hẹn nhen nhóm lại phong trào ép xung giá rẻ đã chìm nghỉm từ sau các bộ xử lý Core i thế hệ đầu tiên. Chúng tôi đang tiếp tục thử nghiệm với 2 CPU này, bài đánh giá chi tiết hiệu năng đang trong quá trình thực hiện.

    Ưu:
    - Tông đen - trắng cao cấp, sang trọng.
    - Là 1 trong 2 bo mạch chủ H170 duy nhất cho phép ép xung tại thời điểm này (chiếc còn lại cũng của ASRock).
    - 10 phase điện, tha hồ OC.
    - Chất lượng linh kiện tốt.
    - Có cả cổng Ultra M.2 lẫn SATA Express.
    - Có giáp bảo vệ mạch audio và các cổng I/O.
    - Made in Vietnam.

    Nhược:
    - Các cổng SATA đều xoay dọc.

    * Xin cám ơn anh Lê Duy Thanh - thành viên cộng đồng OC Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện các bài test với CPU Intel Core i5-6600.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ