Bác sĩ đại diện WHO tại Việt Nam: Giá 1 bao thuốc ở Úc khoảng 400 ngàn đồng, ở Singapore là 200 ngàn đồng, Việt Nam chỉ từ 6-7 ngàn đồng, đã đến lúc tăng thuế thuốc lá!
Đại diện đến từ WHO Việt Nam cho biết tăng thuế thuốc lá không chỉ góp phần giảm tỷ lệ người hút mà còn giúp nhà nước tăng thu đáng kể vào ngân sách.
Hút thuốc lá gây hại cho sức khoẻ là thông tin không có gì mới mẻ. Điều này vẫn được truyền thông đề cập thường xuyên và ngay cả nội dung in trên bao bì mỗi gói thuốc cũng hiển thị rất rõ.
Có thể kể ra một vài con số đáng "giật mình" như: thuốc lá chứa tới 70 chất gây ung thư; là tác nhân gây ra 11 loại ung thư khác nhau mà đáng ngại nhất là ung thư phổi; mỗi năm cướp đi sinh mạng của 10 triệu người trên thế giới trong đó có tới 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động...
Tác hại là vậy nhưng tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người hút thuốc lá đang ở "top" trên của thế giới. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%, tương đương khoảng trên 20 triệu người.
Một trong những nguyên nhân phổ biến là do giá thuốc lá tại Việt Nam đang ở mức rất rẻ, và ngày càng rẻ do thu nhập của người dân đang dần tăng lên. Thông tin từ WHO tiết lộ giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới, thấp hơn nhiều lần giá thuốc tại một số quốc gia như Singapore hay Úc.
"Ở bên Úc, giá thuốc lá khoảng 25 đô Úc mỗi bao, tương đương 400.000 tiền Việt. Hoặc như ở Singapore 12 đô Sing mỗi bao, nghĩa là khoảng 200.000 đồng. Trong khi Việt Nam chỉ 10.000 đồng, có những bao 6.000-7.000 đồng nên mua quá dễ", bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm
Cũng theo bác sĩ Lâm, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là "tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ", thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%).
"Vì vậy, các chuyên gia đánh giá biện pháp tuyên truyền khó giảm tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt ở trẻ em cấp 2, cấp 3, nhưng tăng thuế thì dễ và hiệu quả hơn nhiều", bác sĩ Lâm nhận định.
Tăng thuế thuốc lá đồng nghĩa với tăng thu ngân sách
Ngoài lợi ích giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, chuyên gia WTO cũng cho biết tăng thuế là cách các chính phủ có thể tăng thu ngân sách. Ước tính trên phạm vi toàn cầu nếu tăng thuế 10% thì các khoản thu chính phủ tăng thêm 7%.
Trong bối cảnh ở Việt Nam, mỗi năm thâm hụt ngân sách khoảng 4-5% GDP, tương đương 10 tỷ USD, thì nguồn thu từ thuế thuốc lá có thể là một khoản bù đắp đáng kể.
"Vấn đề là chính phủ chưa thu ở mức phù hợp, thu thấp quá", bác sĩ Lâm than phiền.
Lấy ví dụ tương quan để so sánh, ông cho biết Thái Lan áp dụng tăng thuế thuốc lá đều đặn qua các năm nên nguồn thu đã tăng từ 500 triệu USD vào năm 1991 lên khoảng 2 tỷ USD vào năm 2015, trong khi số lượng thuốc lá tiêu thụ ở Thái chỉ bằng khoảng hơn một nửa của Việt Nam.
Một trường hợp gần gũi hơn là Phillippines. Tại đây, việc tăng thuế đã giúp chính phủ tăng thu ngân sách từ 680 triệu USD năm 2012 lên 2,2 tỷ USD năm 2015, gấp 3 lần khoản thu 700 triệu USD từ thuế thuốc lá của Việt Nam. Trong khi đó, Philippines cũng có dân số khoảng 94 triệu người, tỷ lệ người hút thuốc cũng tương đương Việt Nam.
"Việt Nam có thể làm được như Philippines. Chúng ta có thể thu được nhiều thuế hơn nữa từ thuốc lá, tạo thêm nguồn thu đáng kể cho chính phủ để trang trải các khoản thâm hụt, đầu tư cho y tế, đường sá, giáo dục,...Đây là một việc tốt, tôi xin khuyến cáo nhiều lần như vậy", bác sĩ Lâm khẳng định.
Các chuyên gia khuyến cáo: để đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc cũng góp phần tăng thu ngân sách, chính sách thuế thuốc lá nên được cải cách theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ hiện nay, ở mức 5000 đồng/bao. Khi đó, sẽ có tác động giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 45,3% (2015) xuống 39,0% (2020) và giúp phòng tránh được 900.000 ca tử vong sớm trong tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming