Bạch tuộc thông minh hơn chúng ta tưởng, cứ xem nó tự mình mở nắp chiếc hộp đậy kín từ bên trong để thoát ra ngoài là biết

    DG,  

    Sở hữu bộ não lớn nhất trong tất cả các loài động vật không xương, bạch tuộc có tốc độ phát triển về mặt trí tuệ và cảm xúc đáng kinh ngạc, và được mệnh danh là bậc thầy "đào tẩu" nhờ nhiều pha thoát khỏi bể cá một cách ngoạn mục.

    Theo nghiên cứu của Sy Montgomery, đăng tải trên tạp chí Orion Magazine, loài bạch tuộc sở hữu trí thông minh ấn tượng hơn chúng ta tưởng. Trong số các động vật không xương sống, bạch tuộc sở hữu bộ não có kích thước lớn nhất, đồng thời cũng phát triển nhất. Điều này cho phép chúng liên tục cải thiện trí tuệ, cảm xúc và hình thành nên những tính cách khác nhau. Nói cách khác, mỗi con bạch tuộc sẽ sở hữu một cá tính, sở thích, sở ghét, sở trường, sở đoản khác nhau, cũng giống như con người vậy.

    Với não bộ phát triển như vậy, không có gì bất ngờ khi bạch tuộc có thể thực hiện rất nhiều công việc mà đa số các loài động vật khác phải bó chân, như là tự mình mở nắp một chiếc hộp đóng chặt từ bên trong và thoát ra ngoài chẳng hạn. Nói có sách mách có chứng, mời bạn cùng xem đoạn video “vượt ngục” ngoạn mục của chú bạch tuộc dưới đây là sẽ hiểu ngay thôi.

    Bạch tuộc thông minh đến nỗi có thể tự mình mở một chiếc hộp đậy chặt từ bên trong, và thoát ra ngoài một cách dễ dàng.

    Thí nghiệm tự mình mở nắp hộp trên đây thực chất chỉ là chuyện nhỏ đối với bạch tuộc, bởi đã có không ít con từng thực hiện những pha "vượt ngục" đẳng cấp hơn rất nhiều. Ví dụ điển hình là Inky, chú bạch tuộc từng gây sốt trên nhiều trang báo, tạp chí khoa học vì sự thông minh của mình. Vài năm trước, một bác ngư dân tại New Zealand đã giải cứu Inky khi chú mắc kẹt trong một cái lọ, và rồi đưa chú đến Vườn thủy sinh quốc gia để đội ngũ nhân viên có chuyên môn ở đây chăm sóc. Thế nhưng sau khi hồi phục, Inky dường như không cam chịu số phận bị nhốt trong bể kính và liên tục tìm cách thoát ra ngoài.

    Và thế là cuộc đào tẩu của Inky bắt đầu: Thoát khỏi bể cá cảnh của Vườn thủy sinh quốc gia để trở về với đại dương rộng lớn. Sự việc này xảy ra khi nhân viên tại đây quên không cài chặt cửa bể của Inky, và thế là chú ta đã lách qua những kẽ hở siêu nhỏ để chui ra ngoài vào nửa đêm (chính vì cơ thể không có xương nên bạch tuộc có thể thực hiện điều này khác dễ dàng).

    Theo những dấu vết để lại, Inky đã vượt qua một quãng đường dài khoảng 3 - 4 mét, sau đó chui vào một chiếc ống thoát nước dài đến 50 mét. Và may mắn cho chú đường ống này dẫn thẳng ra biển, cuộc đào tẩu hoàn thành trót lọt.

    Bạch tuộc thông minh hơn chúng ta tưởng, cứ xem nó tự mình mở nắp chiếc hộp đậy kín từ bên trong để thoát ra ngoài là biết - Ảnh 2.

    Mặc dù có kích thước rất lớn, nhưng vì là loài không xương nên Inky có thể dễ dàng lách qua những khe hẹp nhất để có thể thoát khỏi khu Vườn thủy sinh và trở về với đại dương rộng lớn.

    Trường hợp của Inky cũng là minh chứng cho thấy vì sao loài bạch tuộc được mệnh danh là bậc thầy “vượt ngục”. Với những người nuôi hoặc thường xuyên tiếp xúc với bạch tuộc, có lẽ họ cũng biết rằng một trong những sở thích của chúng là liên tục tìm cách thoát ra khỏi không gian sống của mình như bể cá hay một chiếc hộp đầy nước. Sau đó, không rõ bằng cách nào, chúng có thể xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong căn phòng, từ trên giá sách, dưới thảm và thậm chí là cả trong ấm trà. Tại các khu thủy sinh, bạch tuộc cũng thường xuyên “trèo” sang những bể cá khác để kiếm ăn, thậm chí là “ăn cắp” đồ ăn của những loài động vật khác.

    Tiến sĩ Jennifer Mather, chuyên gia nghiên cứu về hành vi bạch tuộc và các loài thân mềm, cho biết: “Tôi tin rằng mỗi con bạch tuộc sẽ có ý thức và hành động khác nhau. Ở một số cá thể, khả năng nhận thức của chúng ấn tượng và khó đoán đến nỗi vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta”.

    Theo Mashable, Franimal

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ