Bạn chán đọc điều khoản sử dụng dài ngoằng? Đây là trang wiki về mọi thứ điều khoản mà bạn luôn muốn có
Tổng hợp từ chính dữ liệu mà người dùng tải lên, ToSDR sẽ là nơi tổng hợp mọi thứ điều khoản sử dụng cho bạn tìm kiếm và đánh giá xem điều khoản nào tốt, điều khoản nào xấu.
Đa số chúng ta ít nghĩ ngợi về những điều khoản sử dụng mà ta gặp mọi nơi khi dùng Internet, khi đăng kí hay cài đặt một phần mềm, một dịch vụ gì đó. Ta thấy nó hiện lên, lắc đầu chán ngán vì quá nhiều chữ, nhanh tay bấm vào "Tôi đồng ý" cho xong chuyện, và không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Chỉ cho đến lúc có chuyện xảy ra thì ta mới giật mình. Tuần vừa rồi, khi Mark Zuckerberg ngồi điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc Facebook để lộ thông tin người dùng, thì có rất nhiều thượng nghị sĩ đã nhắm vào điều khoản sử dụng của Facebook để đặt ra câu hỏi.
Liệu người dùng có hiểu rằng họ đang đồng ý với cái gì không? Zuckerberg trả lời rằng: "Tôi có thể tượng tượng ra cảnh đa số người dùng không đọc hết điều khoản sử dụng. Nhưng ai cũng đã có cơ hội đọc và đều có cơ hội cho phép điều đó xảy ra".
Nhưng nếu như trước khi bạn cho phép điều đó xảy ra, bạn có thể nghiên cứu nó mà không phải đọc quá nhiều thì sao? Đó chính là mục đích tồn tại của ToSDR, viết tắt cho Terms of Service; Didn’t Read – Điều khoản Dịch vụ; Không thèm đọc. Đây là một trang web tóm tắt gọn lại nhiều trang điều khoản thành những mục chính, sau đó đánh giá những điều khoản trên từ Hạng A – rất tốt cho tới Hạng F – rất tồi.
Về cơ bản, nó là wiki của các thể loại điều khoản dịch vụ. Ai cũng có thể đăng lên đó những gì mà mình đã phân tích và đúc kết được từ bất kì văn bản điều khoản dịch vụ nào. Trang web nào tồn tại từ hồi 2012, nhưng tháng tới, nó sẽ có một bộ mặt mới, được đưa lên một nền tảng mới nhằm mở rộng kho tàng kiến thức của nhân loại,
"Nếu như chẳng ai đọc những điều khoản này, thì ta phải tìm ra được một giải pháp mang tính chung hơn", Hugo Roy, một trong những người chung tay tạo nên ToSDR nói.
Sinh ra là để phục vụ bạn
Ý tưởng về ToSDR xuất hiện lần đầu vào năm 2011. Roy lúc đó mới là một sinh viên trường luật, đang lang thang tại Berlin thì gặp Michiel de Jong, một lập trình viên và Jan-Christoph Borchardt, một chuyên gia thiết kế.
Bộ ba này chia sẻ ý tưởng với nhau, ai cũng đều hứng thú với khía cạnh quyền lợi kĩ thuật số và đều tỏ ra không đồng tính với việc bất kì trang web nào cũng có thể thay đổi điều khoản sử dụng mà chẳng báo cho người dùng một câu. Hơn nữa, không ai rõ những thay đổi ấy sẽ có ảnh hưởng gì tới trải nghiệm, quyền lợi người dùng.
Họ đặt ra câu hỏi lớn: Nếu như ta có được một hệ thống đánh giá các dịch vụ trên Internet thì sao nhỉ?
Bộ ba cùng mang ý tưởng này tới Chaos Communication Camp, khu vực cắm trại dành cho hacker tới chung vui tại miền ngoại ô nước Đức. Tại đó, họ có cơ hội trình diễn ý tưởng của mình: cách thức biến những điều khoản sử dụng dài dòng, rắc rối thành những mẩu thông tin ngắn gọn, hữu ích.
Nhưng thay vì nhờ một bên thứ ba đánh giá, họ sẽ để chính nhóm người dùng tự mình xem xét. Ví dụ như trên Github, họ cho phép người dùng xóa sạch dấu vết thông tin và code mình đã viết. Đó là một hệ thống điều khoản tốt. Vì dụ như trên Instagram, họ có thể lưu thông tin người dùng ngay cả khi họ đã tự xóa đi tất cả. Nghe đã thấy không hay rồi.
"Đây là một nhóm người dùng tự bàn bạc xem đâu là những điều khoản sử dụng tốt và đâu thì không", anh Roy nói.
Ý tưởng hay như vậy nên mọi người ủng hộ nhiệt liệt. Rời khu trại, bộ ba quyết định biến dự án này thành sự thật. Jong và Borchardt tạo nên một trang web thử nghiệm, còn Roy nhận mảng nghiên cứu, phân tích khía cạnh luật pháp. Anh cũng lập nên một nhóm mà tại đó, những người tham gia sẽ tổng hợp, tóm tắt điều khoản sử dụng để biến thành dữ liệu dùng cho ToSDR sau này.
Ít lâu sau, dự án này lên báo sau khi Roy mô tả qua về dự án của mình tại một sự kiện nhỏ. Giới truyền thông để ý, nên chẳng lâu sau số lượng người muốn tham gia đóng góp cho dự án này tăng vọt. Điều đó chứng tỏ rằng người ta cực kì quan tâm tới vấn đề này. Họ đứng trước một câu hỏi lớn nữa: làm thế nào để dự án này của họ hoạt động ổn định?
Đó là câu hỏi họ chưa sẵn sàng đối mặt. Roy phải trở về trường hoàn thành khóa học luật, Borchardt và Jong đều làm việc toàn thời gian, nhóm đóng góp dữ liệu không có người cai quản. Dự án ToSDR bắt đầu mai một dần.
Vươn lên từ đống đã "suýt" là tro tàn
Năm 2016, dự án ToSDR chẳng là gì với Roy ngoài một chút vấn vương tiếc nuối – lúc ấy Roy đã là một luật sư. Nhưng rồi, tại một bữa tiệc tại Paris, Roy gặp nhà phát triển phần mềm Chris Talib.
Talib là một thanh niên lạc quan, đặt niềm tin vào những dự án muốn biến Internet thành nơi tốt đẹp hơn. Ngay khi Roy thổ lộ rằng dự án ToSDR đang bị bỏ ngỏ, Talib sẵn sàng tiếp quản mọi thứ, trở thành người kế nhiệm dự án tiềm năng này.
Vào những khoảng thời gian rảnh rỗi, Talib thiết kế nên một phiên bản hiệu quả hơn của ToSDR. Khó khăn lớn nhất là phương pháp đóng góp dữ diệu rất phức tạp. Nếu ToSDR muốn giống Wiki, cần phải có một phần mềm cho phép việc tải dữ liệu lên dễ dàng hơn.
Talib hợp tác với lập trình viên Madeline O’Leary, tạo nên một nền tảng có tên Phoenix, cho phép người dùng đăng tải và tìm dữ liệu trên ToSDR một cách dễ dàng. Trên đó, một người có thể tìm dữ liệu tổng hợp, tìm phân tích, tìm đánh giá và lần ra được ngôn ngữ nguyên bản của bản điều khoản sử dụng cần tìm. Talib muốn giới thiệu nền tảng này ra trước công chúng vào tháng tới, cùng lúc Bộ Quy tắc Bảo vệ Dữ liệu Chung được Liên minh Châu Âu được thông qua chính thức có hiệu lực.
Đây là "kỷ nguyên thứ hai" của ToSDR, như lời Talib nói. Hồi 2012, dự án này đã không thể cất cánh, không phải vì không ai quan tâm mà là vì không có một "đường băng" để ToSDR bay lên. Nhưng kể từ đó tới nay, đã có rất nhiều đóng góp xây dựng từ cộng đồng người dùng.
ToSDR có thể trở thành một thứ gì đó lớn hơn nữa.
Tuy nhiên, ToSDR không hoàn hảo. Bản thân nó không phải là một nguồn trích dẫn luật pháp. Nó không sử dụng phần mềm phức tạp hay trí tuệ nhân tạo để dịch ra những bản điều khoản sử dụng dài dòng. Toàn bộ nội dung đều do người dùng đóng góp, đồng nghĩa với việc chất lượng nội dung sẽ tồn tại song song với khả năng, trình độ người dùng. Nhưng cũng nhờ thế, chính người dùng có thể tranh luận, sửa đổi nội dung lại cho đúng.
Càng có nhiều người sử dụng, ToSDR sẽ càng trở nên hoàn thiện hơn. ToSDR có tiềm năng trở thành một nơi để ta bàn luận về các điều khoản sử dụng dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là nơi tổng hợp dữ liệu.
Hiển nhiên chúng ta, người dùng muốn quyền lợi của mình được đặt lên hàng đầu. Nhưng chúng ta không thể trông cậy hoàn toàn vào những nhà cung cấp dịch vụ được – suy cho cùng, mục đích của họ là kiếm tiền và nhiều khi, chúng ta chính là những sản phẩm của họ. Ta phải tự tìm cách bảo vệ lấy mình thôi.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín