Bằng cách nào mà NASA tìm ra tảng băng vuông chằn chặn thế này hả?

    Dink,  

    Chúng ta hào hứng vì trông tảng băng vuông thú vị quá. Các nhà khoa học hào hứng vì có thêm dữ liệu nghiên cứu về hiện tượng nóng lên toàn cầu.

    Băng tại cả Bắc và Nam Cực đang làm chúng ta sợ hãi: từ âm thanh kì lạ, rợn người phát ra từ bề mặt lớp băng dày cho tới một khối băng vuông vắn như cắt. Từng đó bí ẩn lộ ra trong một khoảng thời gian quá ngắn làm ta nghĩ ngay tới giả thuyết người ngoài hành tinh.

    Nhưng chẳng phải đâu, bản thân hành tinh của chúng ta đã … quái dị vậy đó, khiến các nhà khoa học lẫn "người thường" chúng ta đều hứng thú.

    Bằng cách nào mà NASA tìm ra tảng băng vuông chằn chặn thế này hả? - Ảnh 1.

    "Bất kể ai, từ cháu họ xa cho tới ba má bạn bè tôi từ tận Châu Âu cũng đều kể rằng họ đã nhìn thấy tảng băng vuông bất thường", Jeremy Harbeck, nhà khoa học NASA đã chụp bức ảnh nổi tiếng trên, nói với Gizmodo.

    Ông Harbeck là một nhà khoa học lão thành thuộc Chiến dịch IceBridge của NASA, sứ mệnh nghiên cứu băng hai cực và tác động của khí hậu lên chúng. Ông đã có mặt trên 62 chuyến bay khảo sát băng, nên tự tin khẳng định rằng mình "đã nhìn được rất nhiều băng".

    Thế nhưng đây mới là lần đầu tiên tảng băng vuông vắn này xuất hiện trước mắt ông. Biển băng rất rộng nhưng chỉ có những mảnh băng bé thôi, tảng băng vừa to lại vừa vuông như trong hình quả thật hiếm. Trong cái ngày định mệnh ông Harbeck gặp tảng băng độc nhất vô nhị, ông đang trên chiếc phi cơ DC-8 của NASA, băng qua vùng trời Nam Cực.

    Bằng cách nào mà NASA tìm ra tảng băng vuông chằn chặn thế này hả? - Ảnh 2.

    Máy bay lượn qua nơi vỉa băng khổng lồ Larsen C chạm nước biển: ông Harbeck muốn tận mắt nhìn thấy vỉa băng khổng lồ rộng 78.500 km2 (số đo năm 2005). Hồi tháng Bảy năm ngoái, một phần lớn vỉa băng Larsen C vỡ ra, rơi xuống biển.

    Bản thân ông Harbeck biết rằng có những tảng băng có góc cạnh rõ ràng và bề mặt phẳng, nhưng không nghĩ rằng tảng băng không gặp phải lại là ví dụ rõ ràng thế. Mục đích của ông không phải là chụp một tấm ảnh nổi tiếng có thể viral muôn nơi, ông chỉ chụp tấm ảnh dưới cương vị của một nhà khoa học nghiên cứu về băng.

    "Nó chẳng quá to mà cũng chẳng quá bé, chỉ có những góc cạnh vuông vắn làm tôi chú ý thôi", ông nói. "Từng đó là đủ khiến tảng băng ‘ăn ảnh’ rồi".

    Tấm ảnh là một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh: chúng ta đang cố tìm hiểu xem chuyện gì diễn ra với lớp băng dày tại hai cực, khi mà Trái Đất ngày một nóng lên. Từ trên máy bay khảo sát, ông Harbeck sử dụng lidar – thiết bị vẽ bản đồ bằng laser để theo dõi độ dày mỏng của lớp băng theo thời gian. Thông tin ông Harbeck thu về sẽ được đem đi đối chiếu với dữ liệu NASA lấy từ vệ tinh theo dõi băng mang tên ICESat-2.

    Bằng cách nào mà NASA tìm ra tảng băng vuông chằn chặn thế này hả? - Ảnh 3.

    Vệ tinh ICESat-2.

    Vệ tinh mới được phóng hồi 15 tháng Chín vừa rồi sẽ theo dõi băng trong toàn khu vực. Những đo đạc có được đều vô cùng quan trọng trong công cuộc nghiên cứu biến đổi khí hậu, theo dõi mực nước biển sẽ biến đổi ra sao khi băng tan ra. Các nhà khoa học cũng hào hứng với tảng băng vuông vắn y như chúng ta vậy, hơi khác ở chỗ họ muốn nghiên cứu chi tiết nó, còn chúng ta thấy thích thú vì chưa bao giờ thấy một tảng băng vuông như thế.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ