Có thể bạn nghĩ rằng iPhone 11 chẳng có gì thú vị, nhưng ngày nay, rất khó để tìm ra thứ gọi là "cải tiến" trong lĩnh vực smartphone.
Hẳn bạn đã từng nghe đến điều này, và sau khi Apple công bố những chiếc iPhone mới hồi đầu tháng 9, người ta lại càng nói về nó nhiều hơn: Apple không còn là kẻ dẫn đầu thị trường nữa, những cải tiến thực sự đến từ Trung Quốc.
Đó là một khẳng định không thể... sai lầm hơn, và người phủ định điều đó lại là một trang báo chuyên về công nghệ của chính Trung Quốc, AbacusNews.
Nhắc đến iPhone 11 Pro, AbacusNews nói rằng đây không phải là một chiếc điện thoại với đầy những cải tiến, mà chỉ là một bản nâng cấp hết sức bình thường của một chiếc điện thoại đã rất tốt là iPhone XS. Nhưng nói Apple thực sự đã tụt hậu so với các hãng smartphone Trung Quốc thì có gì đó "sai sai".
iPhone 11 Pro tốt, nhưng nó không phải là cải tiến
AbacusNews nhận định rằng, hầu hết những thứ mà các hãng sản xuất smartphone nước này tuyên bố là "cải tiến" thực ra chẳng có gì hơn những "chiêu trò khoe mẽ".
Cụ thể thế nào? Họ đưa ra một số luận điểm:
- Về mô-đun camera pop-up: "Đây là chiêu khoe mẽ vĩ đại nhất. Bạn không thể tự hào rằng một mô-đun camera selfie cơ học - vốn làm máy dày hơn, gây hao pin không đáng có, và là một thành phần dễ hư hỏng - là sự thay thế hoàn hảo cho cạnh viền trên màn hình hơi dày một chút trước đây được. Hoàn toàn không. Camera pop-up là một giải pháp kỹ thuật thái quá đến mức không thể tin được nhằm giải quyết một thứ chưa bao giờ thực sự là vấn đề cần giải quyết."
- Về màn hình thứ hai ở mặt lưng máy: "Hãy quên mô-đun camera pop-up ở trên đi. Màn hình phụ này mới là giải pháp kỹ thuật thái quá nhất. Người ta dùng một màn hình thứ hai với viền siêu dày ở mặt lưng để không phải dùng đến một cái tai thỏ bé xíu ở mặt trước sao? Đùa nhau chắc?"
- Camera selfie đục lỗ: "Cái này thì khác gì tai thỏ? Nó vẫn khoét mất một phần màn hình, và khu vực giữa camera và viền máy về mặt kỹ thuật vẫn có thể dùng được, nhưng...dùng vào việc gì?"
- Màn hình gập: "Thành thực mà nói, cái này có triển vọng đấy...nhưng chưa đến lúc. Màn hình gập ở giai đoạn hiện tại còn rất lâu nữa mới hoàn thiện, đến nỗi thật nực cười khi xem chúng như một thứ gì đó khác chứ không phải mấy dự án phù phiếm (hãy tận hưởng mấy vết xước trên màn hình dẻo bằng nhựa của chiếc điện thoại 2.800 USD mới mua nhé!)"
- Điện thoại cho game thủ: "Có thể bạn khó mà tin, nhưng bạn vẫn có thể trở thành một game thủ chân chính mà không cần đến mấy thiết bị có cạnh viền bằng nhựa đen sắc sảo cùng đèn neon xanh lập lòe đâu".
- Màn hình thác đổ: "Nói thật nè, cái màn hình mà bạn chẳng thể nhìn rõ ràng cũng được gọi là cải tiến thực sự sao"
Công bằng mà nói, có một thứ đến từ Trung Quốc thực sự có triển vọng, và là thứ Apple sẽ gặp khó khăn nếu muốn bắt kịp: camera selfie dưới màn hình của Oppo.
Đúng là những kết quả ban đầu hơi tệ - hình ảnh chụp được khá nhòe, và phần màn hình phía trên camera thì tệ hơn thấy rõ so với các khu vực khác - nhưng nó có đầy đủ những thứ mà camera pop-up cơ học không có. Camera selfie dưới màn hình là giải pháp tự nhiên và trực quan nhằm giải quyết vấn đề "không viền màn hình". Không rõ Apple có thể làm được như vậy không, khi mà Face ID đòi hỏi một lượng lớn các cảm biến, chắc chắn sẽ không thể nhét hết vào dưới màn hình như vậy được.
Ngoài camera này ra, smartphone Trung Quốc có gì để tự hào?
Cứ nhìn OnePlus đi: họ chế nhạo Apple vì loại bỏ jack headphone, rồi sau đó cũng loại bỏ jack headphone.
Hay Huawei, mới đây đã công bố chiếc Mate 30, một chiếc smartphone tiếp tục sử dụng thiết kế tai thỏ như iPhone.
Hay Xiaomi, có lẽ bạn đã biết rồi, chuyên sao chép Apple (Mimoji vs Memoji).
Chốt lại, AbacusNews đưa ra một nhận xét đắng ngắt: dù chê bai rằng Apple đã là ngày hôm qua, nhưng các hãng smartphone Trung Quốc tiếp tục hết sức lo lắng với những thứ mà hãng công nghệ trụ sở tại Cupertino đưa ra!
Tham khảo: AbacusNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming