Bên trong Trung Quan Thôn, Thung lũng Silicon Trung Quốc

    PV,  

    Tờ Wall Street Journal vừa có cuộc tìm hiểu thú vị về khu phức hợp Trung Quan Thôn, nơi vẫn được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, giữa lòng thủ đô Bắc Kinh.


    Một góc Trung Quan Thôn,

    Một góc Trung Quan Thôn, "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc giữa lòng thành phố Bắc Kinh - Ảnh: Internet

    Đến Thung lũng Silicon Trung Quốc

    Nhìn từ ngoài vào, Thung lũng Silicon "phiên bản Trung Quốc", Trung Quan Thôn không giống như người ta tưởng tượng: nơi đây là một quần thể khổng lồ các trung tâm thương mại bán hàng điện tử, nhà hàng thức ăn nhanh và cao ốc văn phòng ở khu vực tây bắc thành phố Bắc Kinh, bị cắt đôi bởi mạng lưới đường cao tốc chằng chịt.

    Nhưng đây cũng lại chính là nơi Trung Quốc đang nuôi dưỡng một cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, hứa hẹn mang đến một làn gió mới cho nền công nghiệp Internet Trung Quốc, vốn trước nay hầu hết mang hình ảnh "sao chép" từ những sản phẩm phương Tây.

     Bên trong 3W Cafe, hệ thống quán cà phê dành cho giới đầu tư và doanh nhân gặp gỡ, thảo luận và trao đổi ý tưởng khởi nghiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Wall Street Journal

    Bên trong 3W Cafe, hệ thống quán cà phê dành cho giới đầu tư và doanh nhân gặp gỡ, thảo luận và trao đổi ý tưởng khởi nghiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Wall Street Journal

    Thật vậy, Trung Quan Thôn chính là bản sao của nền văn hóa Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, theo lời Zhang Rui, giám đốc điều hành Công ty phần mềm Spring Rain Software với sản phẩm ứng dụng sức khỏe cho thiết bị di động, thế hệ các doanh nhân khởi nghiệp mới của Trung Quốc "không hẳn chỉ biết sao chép người Mỹ", mà "chúng tôi học tập phong cách, cá tính, cách quản lý và gây vốn của Thung lũng Silicon". Hơn thế nữa, thế hệ doanh nhân mới này từ chối đi theo mô hình tập đoàn truyền thống kiểu từ-trên-xuống-dưới của Trung Quốc, mà họ chú trọng vào việc tinh giản bộ máy lãnh đạo và nhấn mạnh về quy mô.

     CEO Lei Jun của Xiaomi có phong cách trước công chúng khá giống huyền thoại quá cố của Apple Steve Jobs Ảnh: Internet

    CEO Lei Jun của Xiaomi có phong cách trước công chúng khá giống huyền thoại quá cố của Apple Steve Jobs Ảnh: Internet

    Tại Trung Quan Thôn, các doanh nhân trẻ hợp tác với những nhà đầu tư giàu có, vốn phần lớn là những người thành danh trong thời hoàng kim của đợt bùng nổ Internet đầu tiên tại Trung Quốc, để cùng cho ra những sản phẩm như Baidu, Weibo hay Renren, có ý tưởng và nội dung tương tự như Google, Twitter và Facebook - những dịch vụ phương Tây hiện bị cấm hoặc hạn chế sử dụng tại Trung Quốc.

    Một trong những đặc điểm nổi bật nhất tại Trung Quan Thôn chính là mối giao hảo bền vững giữa các doanh nhân, các doanh nghiệp của họ và giới đầu tư đến từ những tập đoàn lớn. Điều này khác hẳn trước kia, khi các doanh nhân Trung Quốc phải huy động tiền từ chính bè bạn và gia đình, còn các nhà đầu tư mải tìm đến những hội nghị công nghệ để lắng nghe những ý tưởng "trên mây".

    Tại Trung Quan Thôn, giới đầu tư nhận xét bầu không khí cạnh tranh không quá gay cấn như tại Thung lũng Silicon "gốc" tại Mỹ, nhưng cũng "sắp như thế". "Tuy bây giờ dễ tìm thấy một phi vụ làm ăn hơn lúc trước, song việc kết thúc thương vụ lại khó khăn hơn do cạnh tranh ngày một nhiều" - Fritz Demopoulos, một nhà đầu tư công nghệ, cho biết.

    Tuy nhiên, không vì thế mà giới đầu tư vào Trung Quan Thôn lại cảm thấy nản lòng, khi ngày càng có nhiều tấm gương thành công như nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi, vốn vừa đạt mức giá trị 10 tỉ USD trên thị trường (theo Bloomberg), hay Beijing Momo Technology, công ty chủ quản một ứng dụng hẹn hò di động có giá trị đạt 500 triệu USD sau đợt gây vốn gần đây nhất.

    Tờ Wall Street Journal bình luận thế hệ doanh nghiệp mới tại Trung Quan Thôn chú trọng mạnh vào những ứng dụng smartphone thiết kế riêng cho đối tượng khách hàng trẻ Trung Quốc. Với họ, smartphone là hình thức giải trí chủ yếu, thay vì truyền hình hoặc máy tính như trước. Chẳng hạn, ứng dụng Taigang từ Công ty Hoodin cho phép người sử dụng thảo luận bằng tin nhắn thoại (voice message) với bạn bè hoặc người xa lạ về bất cứ chủ đề nào, từ ô nhiễm không khí cho đến chuyện tình cảm cá nhân.

    Ứng dụng MomentCam của Hightalk Software thì giúp biến ảnh chân dung của người dùng thành những bức tranh tự họa đầy diệu ảo, hoặc ghép ảnh họ đứng chung với người nổi tiếng như Mao Trạch Đông. Một ứng dụng khác, "Baogongzi" thì không tiết lộ chân dung người dùng, nhưng giúp họ tìm kiếm và tương tác nhau thông qua... thu nhập và nghề nghiệp.

    Trung Quan Thôn và giấc mộng tiến ra biển lớn

    Dù sở hữu rất nhiều doanh nghiệp non trẻ, nhưng vốn đầu tư tại Trung Quốc vẫn đổ phần lớn vào Trung Quan Thôn, nơi tọa lạc rất gần những ngôi trường đại học danh tiếng như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh và là ngôi nhà ươm mầm ra những thế lực Internet nội địa như Sina, Youku Tudou, cũng như đóng vai địa điểm xây trụ sở cho những tập đoàn nước ngoài hùng mạnh như Google (Mỹ).

    Nhiều người cho biết sản phẩm do giới doanh nhân công nghệ Trung Quốc tạo ra ngày càng khác so với những thứ tương tự từ Hoa Kỳ. "Có nhiều lĩnh vực mà các công ty và người dùng Trung Quốc tỏ ra tiên tiến hơn. Giới doanh nhân Trung Quốc đang thử nghiệm nhiều ý tưởng trước cả người Mỹ" - ông Kaifu Lee, cựu giám đốc Google Trung Quốc, cho biết.

    Đồng tình với nhận xét tích cực này còn có Tang Yan, giám đốc điều hành của Momo, ứng dụng hẹn hò hiện có 35 triệu người sử dụng thường xuyên hằng tháng, cho biết ông từng hoài nghi về chính thành công của công ty mình trong chuyến thăm Mỹ năm 2010.

    "Lúc ấy tôi vẫn nghĩ ứng dụng của mình sẽ thành công tại thị trường Hoa Kỳ trước tiên" - Tang Yan nói. Nhưng rồi cuối cùng ông nhận ra người Trung Quốc cảm thấy thoải mái và an toàn trong việc tiếp xúc và gặp gỡ người lạ, hơn người dân tại các quốc gia khác, nhất là Mỹ.

    Với tính năng tạo ra những bức ảnh ngộ nghĩnh và độc đáo, ứng dụng MomentCam đã đạt lượt tải về thứ 45 triệu kể từ khi ra mắt vào tháng 7 vừa qua. Nhà sáng lập kiêm CEO Ren Xiaoqian cho biết 40% người dùng MomentCam đến từ ngoài Trung Quốc, mặc dù phiên bản tiếng Anh của ứng dụng này mới chỉ vừa được tung ra trong tháng 11.

     MomentCam cũng là ứng dụng rất được giới trẻ dùng smartphone tại Việt Nam ưa chuộng trong thời gian qua - Ảnh: Internet

    MomentCam cũng là ứng dụng rất được giới trẻ dùng smartphone tại Việt Nam ưa chuộng trong thời gian qua - Ảnh: Internet

    Liệu đã đến lúc để một thế hệ doanh nghiệp công nghệ mới của Trung Quốc tiến ra ngoài thế giới, như cách Thung lũng Silicon đã và đang làm được?

    Theo Wall street journal
    Thúy Quỳnh/Tuoitre.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ